14/10/2013 08:00 GMT+7

Cạm bẫy từ công việc làm thêm

TIẾN ĐẠT
TIẾN ĐẠT

AT - Làm thêm giúp sinh viên vừa trang trải sinh hoạt phí vừa là cơ hội tích lũy kinh nghiệm sống... Nhưng cũng có không ít cạm bẫy rình rập sinh viên từ công việc làm thêm.

Lao đao vì đa cấp

Trở thành nhân viên của Công ty N. Trần Quang Bảo - SV Trường ĐHQG TP.HCM - không những không được nhận lương mà phải bắt đầu chuỗi ngày... trả nợ.

Bảo được bạn bè rủ đi hội thảo và bị thuyết phục bởi những viễn cảnh mà vị diễn giả của chương trình vẽ ra trước mắt, để rồi đăng ký trở thành học viên một khóa huấn luyện kỹ năng. “Sau một mớ lý thuyết được truyền đạt, học viên phải đi bán vé tham dự hội thảo cho người khác mới được coi là hoàn thành khóa học” - Bảo chia sẻ. Chưa dừng lại ở đó, những ai đối mặt với thử thách này đều phải đồng ý với những quy định khắt khe của công ty như không được nói xấu sau lưng công ty, không được so sánh giữa nơi này với nơi khác, không được cãi lại cấp trên... Tùy theo mức vi phạm mà tiền phạt dao động 100.000 - 500.000 đồng. Chính vì những quy định hà khắc này nên không ít lần Bảo đã vi phạm và đang phải nai lưng trả nợ.

Đánh trúng tâm lý muốn kiếm tiền và khát vọng thành công của giới trẻ, nhiều người đang hoạt động trong mạng lưới đa cấp của Công ty H sẵn sàng bỏ ra hàng giờ tiếp cận với những “con nai vàng” sinh viên. Đầu tiên sẽ là lân la làm quen, kế tiếp là mời tham dự hội thảo làm giàu để tiếp xúc với những người thành đạt. Muốn tham gia hệ thống này, bạn phải bỏ ra một số tiền nhất định mua sản phẩm của công ty rồi giới thiệu lại cho bạn bè, người thân của mình. Dụ dỗ càng nhiều người tham gia thì hệ thống càng mạnh và thu nhập cứ thế tăng theo cấp số nhân.

Với vẻ hào nhoáng mà mạng lưới bán hàng đa cấp dựng bên cùng mức thu nhập “khủng”, nhiều bạn trẻ không ngần ngại vay tiền tham gia. Ngoài ra, vì muốn kiếm tiền nhanh chóng, không ít sinh viên sẵn sàng dùng mọi cách lôi kéo bạn bè vào mạng lưới đa cấp của mình để rồi các mối quan hệ nhanh chóng tan vỡ. Nguyễn Thanh Phương, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - kể: “Một số bạn trong lớp tham gia bán hàng đa cấp rồi vô lớp lôi kéo bạn bè cùng tham gia. Tiền đâu không thấy, chỉ thấy bạn bè chạy dài mỗi lần nghe đến những từ như hội thảo làm giàu”.

Khổ vì Hợp đồng lao động

Bị mất tiền oan chỉ vì không ký hợp đồng lao động hay không rà soát kỹ từng điều khoản trong hợp đồng với chủ lao động, là lỗi hay mắc phải ở những bạn trẻ mới đi làm.

Dù là sinh viên luật nhưng Lê Thị Mộng Vân, Trường ĐH Kinh tế - luật, cũng không qua khỏi ải kể trên. “Niềm vui xin được việc từ một trung tâm gia sư khiến mình quên để ý những điều khoản trong hợp đồng lao động. Dạy được một tuần, phần vì học trò lười, phần vì kẹt lịch học thêm nên mình xin đổi lớp. Tuy nhiên, phía trung tâm gia sư bảo rằng hợp đồng lao động không bao gồm điều khoản đó và việc xin chuyển lớp dạy thêm hoàn toàn là lỗi ở mình. Thế là mình vừa không nhận được lương một tháng đi dạy, vừa mất toi 250.000 đồng phí giới thiệu”.

Làm việc tận tình nhưng bị bên thuê xù tiền bất thình lình là câu chuyện “khắc cốt ghi tâm” của nhóm bạn Hoàng Sang - Quý Đức - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. “Lần đó, nhóm mình nhận làm clip quảng cáo cho doanh nghiệp. Lúc nhận yêu cầu, mình chỉ thỏa thuận bằng miệng chứ không có giấy tờ gì. Lúc sản phẩm làm xong, bên doanh nghiệp nhận xét đủ thứ rồi bảo tụi mình sửa lại. Cứ mỗi lần chỉnh sửa, họ viện lý do làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của công ty nên nhóm bị trừ tiền công. Đến lần thứ ba, dù nhóm đã nỗ lực hoàn chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng nhưng họ vẫn khăng khăng rằng clip không đáp ứng yêu cầu nên sản phẩm bị loại và tất nhiên chúng mình không nhận được bất cứ đồng nào” - Hoàng Sang kể.

Điều đáng nói là “chiêu thức” ấy vẫn được lặp lại nhiều lần với các nhóm sinh viên đến sau. “Từ bài học nhớ đời đó, mình khuyên các bạn khi làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào vẫn nên thỏa thuận bằng văn bản và chú ý kỹ đến từng điều khoản trong hợp đồng trước khi ký để tránh rắc rối về sau” - Quý Đức khuyên.

Đi làm thêm thể hiện ý thức tự lập ở bạn trẻ, tuy nhiên cũng cần xác định ngay từ ban đầu rằng việc học vẫn là quan trọng nhất. Công việc dù hấp dẫn đến đâu cũng chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Ngoài ra, một số công ty có loại hình kinh doanh không lành mạnh, sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ những thông tin liên quan. Bên cạnh đó, bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và đi làm để tránh lịch sinh hoạt bị đảo lộn. Đôi khi mức thu nhập cao từ công việc làm thêm dễ khiến bạn trẻ rơi vào trạng thái ham kiếm tiền mà bỏ quên việc học. Do vậy, bạn cần có bản lĩnh để vượt qua cám dỗ. Cuối cùng, sẽ rất tuyệt vời nếu công việc làm thêm của bạn gắn liền với chuyên ngành của mình. Điều đó giúp bạn có cơ hội cọ xát với thực tiễn.

ThS. BÙI HỒNG QUÂN

(Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM)

g1u3nUd7.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TIẾN ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên