20/11/2011 05:15 GMT+7

Cái tình ông Hai Chí

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Sáng nay 20-11, TP.HCM vĩnh biệt ông Hai Chí, người đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển, lớn mạnh của thành phố. Những câu chuyện về ông vẫn còn được nhắc nhớ...

Từ chuyện ngày xưa cho đến chuyện bây giờ, từ chuyện thời chiến tranh cho đến thời hòa bình. Xuyên suốt vẫn là những câu chuyện về cách mà ông sống, ông nhìn người và để lại một cách làm người.

Nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí từ trầnLễ viếng nguyên Bí thư Thành ủy Võ Trần ChíNgười của đổi mới

95T9ksSq.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đến viếng và chia buồn cùng gia đình tại tang lễ ông Võ Trần Chí sáng 19-11 - Ảnh: Minh Đức

Giọt nước mắt trong đêm

“Được quen biết, được làm việc với ông Hai Chí từ những ngày trong chiến tranh, từ những ngày mình còn trai trẻ, không ít lần những hành động, lời nói rất chân chất của ông khiến người làm văn nghệ như tôi rung động tận tâm can” - nhà thơ Hoài Vũ xúc động kể. Và ấn tượng nhất với ông là hai đêm tối đen như mực ở những cánh đồng, kênh rạch Long An. Khi ấy là chiến trường ác liệt cài răng lược, cứ giằng co, chà đi xát lại giữa hai bên chiến tuyến.

“Một đêm, chúng tôi đi công tác. Đoàn chỉ có chú Hai là có tuổi, còn lại là mấy anh bảo vệ trẻ măng mới xung quân...” - ông Hoài Vũ kể. Vừa lên đến ven lộ, định băng qua thì một đoàn xe quân sự chạy tới, đèn pha quét sáng rực, thấy rõ lính bồng súng đứng lố nhố. Không thể rút kịp xuống ruộng, cũng không thể chạy băng qua, cả đoàn chỉ còn cách duy nhất là nằm ép xuống mặt đường, hi vọng tránh được luồng sáng của đèn xe. Bài học này đã được phổ biến nhiều trong căn cứ, nhưng khi đụng trận vẫn có người lúng túng. Một cậu bảo vệ trẻ hoảng hốt, nằm xuống mà cái đầu cứ ngóc lên cao. Ông Hai Chí không chần chừ, nhoài người nằm đè lên cậu ta, ghì sát xuống. Bánh xe rầm rầm nghiến qua. Khi đứng dậy, mấy anh bảo vệ tái mặt, còn ông Hai thì phủi quần áo, tỉnh khô: “Thấy tao làm mẫu chưa, lần sau tụi bay cứ vậy mà làm”. Khi đó, ông đã là bí thư Tỉnh ủy Long An.

“Một đêm khác nữa, trong chiến dịch Mậu Thân...” - ông Hoài Vũ tiếp tục, rưng rưng. Khi ấy, đoàn công tác chạy ghe máy trên kênh Ba Ren (Đức Huệ, Long An). Đang đi, bỗng ghe đứng máy. Chân vịt bị vướng, không quay được. Một anh chiến sĩ trẻ được phân công xuống gỡ chân vịt. Sau một hồi lặn ngụp, anh gỡ ra được một mớ bùi nhùi quấn chặt, vấn vít nơi chân vịt. Mang lên ghe, bật lửa soi, cả đoàn lặng đi khi thấy đó là một mớ tóc rất dài, rất đen.

Những ngày ấy là những ngày ác liệt nhất sau Tết Mậu Thân. Các cuộc tấn công trả đũa, các vụ tập kích nhắm vào những xóm làng nơi những cánh quân xuất phát để tiến vào Sài Gòn liên tục diễn ra. Những xác chết đầy sông, đầy đồng không chôn kịp... “Tôi rùng mình, trên mặt chú Hai lăn một giọt nước mắt. Ông bảo: Coi đó, cô gái này ắt là còn rất trẻ, bằng tuổi tụi bay thôi. Nhìn đấy mà nhớ, mà sống”. Những ngày sau, nhà thơ Hoài Vũ viết: Ôi cô gái hi sinh trên dòng kênh Ba Ren ngày nọ/ 10 năm, 20 năm... mái tóc mượt vẫn dài/ Anh sẽ làm tất cả thay em những gì còn dang dở/ Kìa, vầng trăng không thể mãi chia hai...

Tin ở con người

“Những ngày làm bí thư quận 5, không biết tích lũy từ lúc nào, ông Hai Chí đã có ngay một quan điểm rất đúng đắn và những quyết định rất dũng cảm” - ông Nghị Đoàn, nguyên trưởng ban công tác người Hoa, chủ tịch UBND quận 5 đồng thời với bí thư Hai Chí, nhắc nhớ. Đó là những ngày những khu buôn bán sầm uất ở quận 5 xao xác, các xưởng sản xuất đóng cửa vì chính sách cải tạo công thương nghiệp. Hàng chục ngàn người dân phố thị bị đưa ra An Hạ học đào kênh, trồng lúa. Rồi lại thêm sự biến 1979 khiến hàng ngàn người Hoa bỏ nhà cửa, lên ủy ban trả lại chứng minh nhân dân để ra đi.

Ông Hai Chí sang ủy ban bàn với ông Nghị Đoàn: “Người Hoa cũng là một thành phần trong dân tộc Việt. Người Hoa ở quận 5 đã chọn cùng một đất nước với người Việt, đã cùng xây dựng đất nước với người Việt. Không có ở đâu mà người nghèo lại không giúp người nghèo. Anh với tôi thấy sai đâu thì ta sửa đó, vướng đâu gỡ đó. Chỉ cần một chính sách đúng, bà con sẽ ở lại, sẽ quay về”. Rồi ông Hai Chí đi quanh con hẻm An Đông nhà mình, lội vào Chợ Lớn, xuống bờ kênh An Hạ, đến các xưởng thủ công lèo tèo thăm hỏi bà con. Ông tổ chức những cuộc hội thảo để nghe dân nói. Ông cho lệnh trả lại tài sản đã tịch thu, giữ tất cả chứng minh nhân dân, không tiêu hủy, để “chờ bà con về thì trả lại”.

Và họ đã quay về, đến nhận lại chứng minh nhân dân.

“Nhờ vậy mà từ từ cộng đồng người Hoa đã ổn định lại, bà con đã yên tâm làm ăn, làm giàu cho mình, đóng góp cho quận, cho thành phố. Không có tấm lòng của anh Hai Chí, những vết thương sau sai lầm một thời chưa chắc đã mau lành” - ông Nghị Đoàn trầm ngâm nhắc về người bạn đồng niên.

...

Và để lại những câu chuyện như thế, hôm nay ông Hai Chí ra đi.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên