14/10/2015 08:23 GMT+7

Cải tiến để thêm người đi xe buýt

LÊ MINH TIẾN và cộng sự
LÊ MINH TIẾN và cộng sự

TT - Bên cạnh nêu lý do vì sao “Xe buýt thuận lợi nhưng vẫn chưa đi” (Tuổi Trẻ ngày 13-10), những người tham gia trả lời khảo sát của Tuổi Trẻ còn đề xuất phải cải tiến hoạt động xe buýt để thu hút người dân sử dụng nhiều hơn.

Hành khách bỏ tiền vào thùng bán vé tự động trên tuyến xe buýt số 152 - Ảnh: Hữu Khoa
Hành khách bỏ tiền vào thùng bán vé tự động trên tuyến xe buýt số 152 - Ảnh: Hữu Khoa

Điều cần cải tiến đầu tiên ở xe buýt, theo ý kiến của đa số trong 100 người dân TP.HCM trả lời khảo sát, là cần “tăng đầu tư để tạo thuận lợi cho hành khách đi xe buýt” (với 66% ý kiến). Tăng đầu tư cụ thể ở đây là cần tăng thêm tuyến, thêm trạm và thêm các loại xe buýt cỡ nhỏ để lưu thông nhanh hơn.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị nên tăng cường các tuyến xe ngoại thành, đường dài để hạn chế kinh phí đi lại cho người dân ngoại thành khi muốn vào thành phố, đồng thời kéo dài thời gian hoạt động của xe buýt.

Như ý kiến của anh Lý Nguyễn Ngọc Thành (công nhân, ở quận Gò Vấp): “Xe buýt cần cải tiến thời gian cho cơ động hơn. Muốn đi chơi về đêm mà đi xe buýt thì sau 9g đêm làm gì có xe mà về? Xe buýt cần chạy những tuyến trễ hơn cho những người đi làm ở nơi xa như người bán vé số thuê trọ ở Bình Dương chẳng hạn".

"Tôi gặp họ nhiều rồi, người ta kêu là nhiều khi muốn ở trên này tối hơn chút để bán nhiều hơn, mà qua 8g tối là muốn hết chuyến nên phải về sớm, mai lại đi sớm”, anh Lý nói.

Rút ngắn thời gian chờ cho mỗi chuyến xe buýt cũng là yêu cầu cải tiến được nhiều người đề xuất, với 61% ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (giáo viên, huyện Bình Chánh) bày tỏ: “Cần giảm thời gian cách chuyến để tránh cho người ta chờ đợi lâu. Thời gian dừng ở các trạm cũng phải hợp lý bởi có trạm dừng lâu, đoạn chạy rất nhanh, đoạn chạy rất chậm làm mình cũng nôn nóng”.

Với kinh nghiệm của người từng đi xe buýt, sinh viên Lâm Hoàng Tân (Q.Tân Phú) đề xuất cụ thể: “Cần bổ sung xe trên các tuyến đường quan trọng liên kết các quận để cách khoảng 5 phút có một chuyến thay vì 12 phút/chuyến như hiện nay”.

Điều cần cải tiến kế tiếp đó là phải “tạo được môi trường an toàn trên xe buýt” như phải hạn chế được các tệ nạn như móc túi, sàm sỡ hay nói chuyện ồn ào trên xe buýt với 61% số người chọn.

Những tệ nạn trên xe buýt rõ ràng là một vấn nạn cần giải quyết để có thể thu hút nhiều người dân đi xe buýt, bởi nếu không cải thiện tình trạng này thì việc đi xe buýt sẽ giống như một chuyện bất đắc dĩ, vì không có xe máy cá nhân nên mới buộc phải đi xe buýt.

Áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi để thu hút người dân chọn đi xe buýt dù chiếm tỉ lệ không cao (21%) nhưng cũng là một đề xuất đáng chú ý.

Chẳng hạn như ý kiến của bà Lê Thị Quang (thợ dệt, ở huyện Hóc Môn): “Để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thì mỗi tuần hoặc mỗi tháng nên tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho người dân (có thể tặng 1 cùi vé đi xe buýt, hoặc kêu gọi tích lũy vé xe buýt càng nhiều càng tốt để đổi lấy xe lăn cho người khuyết tật...”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải thường xuyên làm vệ sinh xe buýt vì hiện nay khi bước lên xe buýt có mùi rất khó chịu nên nhiều người bị nôn ói.

Việc cải thiện thái độ của nhân viên phục vụ, tài xế cũng là điều đáng lưu tâm, qua ý kiến của chị Nguyễn Thị Thanh Huệ (nhân viên văn phòng, Gò Vấp): “Điều quan trọng nhất là cải thiện phong cách phục vụ của nhân viên. Tôi thấy rất nhiều lần nhân viên nạt nộ khách những câu như: xuống lẹ lên đi, làm gì mà lâu vậy?”.

Đồ họa: Vĩ Cường

Đang tập trung nâng chất lượng xe buýt

Ông Đậu An Phúc, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM (Sở Giao thông vận tải), đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-10.

Theo ông Phúc, những thuận lợi cũng như chưa thuận lợi của nhiều người dân được hỏi ý kiến trong bài báo đã được trung tâm khảo sát thống kê thời gian qua. Trên cơ sở đó, Sở GTVT đang chỉ đạo trung tâm tập trung nâng cao chất lượng xe buýt trong thời gian tới.

Cụ thể mới đây (ngày 9-10), trung tâm phối hợp với Thành đoàn TP ra quân thực hiện chiến dịch “Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn” theo tiêu chí “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ).

Theo đó, nhân viên của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng và hợp tác xã vận tải sẽ tham gia trên mỗi tuyến xe buýt để ghi nhận, đánh giá chất lượng phục vụ của nhân viên và tài xế nhằm có điều chỉnh phù hợp.

Chiến dịch "Tuyến xe buýt thân thiện, an toàn" là bước đầu trong quá trình đổi mới, cải thiện cung cách phục vụ của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, áp dụng thí điểm cho 10 tuyến, để đến năm 2016 triển khai trên toàn bộ các tuyến còn lại.

Trong việc nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, Sở GTVT xác định sẽ tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên vì đây là lực lượng chiếm phần lớn trong hành khách đi lại bằng xe buýt.

Nếu giải quyết tốt việc đưa rước học sinh, sinh viên sẽ giảm rất nhiều xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào giờ cao điểm. Và khi cha mẹ học sinh, sinh viên không còn bận tâm việc đưa rước con em mình, dần dần họ sẽ chuyển sang đi lại bằng xe buýt.

Ngoài ra, vừa qua UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt dự án đầu tư hệ thống vé điện tử xe buýt thông minh với tổng vốn đầu tư gần 263 tỉ đồng. Đây là dự án nhằm đem lại nhiều tiện ích cho người dân đi xe buýt, đồng thời là công cụ để Nhà nước quản lý chặt chẽ việc vận chuyển đưa rước hành khách.

QUANG KHẢI

LÊ MINH TIẾN và cộng sự
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên