13/10/2024 11:15 GMT+7

Cái tên cũng là văn hóa

Có một câu chuyện không thời sự đang trở thành thời sự khi Tuổi Trẻ Online hôm 9-10 đưa tin: Một xã gần 30 năm có 2 tên gọi lẫn lộn Pa Nang và Ba Nang, người dân "dở khóc dở cười".

Cái tên cũng là văn hóa - Ảnh 1.

Tên gọi hành chính Ba Nang có từ 1996 - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đây là xã thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Từ trước 1975, vùng đất này mang tên Pa Nang, cái tên như người dân nơi đây xác nhận, theo tiếng Vân Kiều, có nghĩa là cây cau, "chỉ đặc điểm vùng đất này có nhiều cây cau cổ thụ mọc tự nhiên".

Nhưng không hiểu vì đâu nên nỗi, bao nhiêu năm nay đã tồn tại hai cái tên "song sinh": Đảng ủy xã Pa Nang nhưng UBND xã Ba Nang, Nhà văn hóa xã Ba Nang! Tại đây, dù cùng một đơn vị hành chính nhưng nhiều tổ chức, đoàn thể, trường học, trạm y tế... lại mang khi tên này khi tên kia.

Vấn đề phát sinh không dứt: con dấu Đảng ủy và con dấu UBND với hai cái tên khác nhau khiến cho người dân và cả cán bộ, công chức thường xuyên lâm vào tình cảnh "ăn làm sao, nói làm sao" khi chứng thực đủ loại giấy tờ từ hộ tịch, hợp đồng đến lý lịch đảng viên, lý lịch công chức...

Hóa ra nghị định 83 tháng 12-1996 về việc thành lập huyện Đakrông, trên cơ sở tách 10 xã của huyện Hướng Hóa, đã ghi tên xã là Ba Nang.

Để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Đakrông đã ban hành quyết định đổi tên xã chính thức là Ba Nang từ tháng 3-2023.

Và nhiều tổ chức, đoàn thể, trường học... trong xã phải làm thủ tục đổi tên, đổi con dấu để thống nhất tên gọi. Việc làm này "được bà con chấp nhận vì thủ tục hành chính, chứ bà con ưng cái bụng tên Pa Nang".

Cái tên cũng là văn hóa - Ảnh 3.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang đang làm thủ tục để đổi tên thành Ba Nang - Ảnh: HOÀNG TÁO

Thật ra, chuyện nhầm lẫn thế này đâu phải là chuyện hiếm nơi xứ ta. Đọc báo vẫn thấy những ca "sinh đôi" như vậy, thậm chí "sinh ba" như Dak Lak, Đắc Lắc, Đắk Lắk; Ban Mê Thuột, Ban Ma Thuột, Buôn Ma Thuột...

Một bạn đọc đã phản hồi dẫn ra thêm một ví dụ trên Tuổi Trẻ Online: Ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) có một xã đặt tên là Phước Kiển trong khi chung quanh đó có bến đò Long Kiểng, phường Tân Kiểng, cầu Phước Kiểng... Người miền Nam không phát âm kiển, chữ đó chính là kiểng, tức là cảnh: cây kiểng, vườn kiểng, làm kiểng...

Việc thống nhất tên gọi địa danh hành chính đương nhiên là việc cần làm và các cơ quan chức năng phải làm, chẳng hạn như ban hành Danh mục Địa danh hành chính quốc gia để mọi người có thể tra cứu dễ dàng và sử dụng chính xác.

Tránh tồn tại những cái tên "sinh đôi", "sinh ba" như thực tế vừa qua. Vấn đề đáng nói là cần phải nêu cao tinh thần tôn trọng tên riêng của một con người, một vùng đất đã có từ lâu, nghĩa là phải "ký âm" như lời ăn tiếng nói của "người trong cuộc" ở địa phương, không thể tùy tiện đổi thay.

Dẫu biết rằng trong thực tế chúng ta đành phải chấp nhận "lịch sử để lại", vì lẽ sẽ hết sức tốn kém và đặc biệt là xảy ra xáo trộn rất lớn về hành chính khi "trả về" tên gốc cho những tên đường, tên phố, tên địa phương đã bị "biến dạng" theo năm tháng.

Cụ thể như tại TP.HCM, danh tướng thời Trần là Trần Khát Chân (1370 - 1399) chứ không phải "Trần Khắc Chân" (tên hai con đường, một ở phường Tân Định, quận 1 và một ở phường 9, quận Phú Nhuận); danh sĩ nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng (1799 - 1864) chứ không phải "Trương Quốc Dung" (quận Phú Nhuận); tù trưởng thời kháng Pháp N'Trang Lơng (1870 - 1935) chứ không phải "Nơ Trang Long" (quận Bình Thạnh); bộ trưởng nước Việt Nam mới là Kha Vạng Cân (1908 - 1982) chứ không phải "Kha Vạn Cân" (Thủ Đức)...

Nhưng trong một số trường hợp khác, thiết nghĩ cần được trả về cho đúng, như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhứt chứ nào phải là "Tân Sơn Nhất"!

Cũng từ đó, trong quá trình chia tách, sáp nhập hay phân định địa giới hành chính, xác lập tên gọi đơn vị hành chính không chỉ căn cứ thuần túy vào các quy định về diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên hay phép cộng của những cái tên; mà cần thiết còn dựa trên sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, truyền thống gắn liền với bản sắc của một cộng đồng, của một vùng đất.

Điều đó chắc chắn không chỉ thúc đẩy tích cực hoạt động quản lý nhà nước, tránh cho người dân những cảnh ngộ "dở khóc dở cười", khỏi phải tiêu tốn nguồn lực xã hội mà còn tạo ra động lực tinh thần to lớn từ sức mạnh của văn hóa.

Những cái tên thật ra cũng chính là văn hóa, và văn hóa cũng chính là phát triển!

Cái tên cũng là văn hóa - Ảnh 1.Một xã gần 30 năm có 2 tên gọi lẫn lộn Pa Nang và Ba Nang, người dân 'dở khóc dở cười'

Đảng ủy xã Pa Nang nhưng lại lãnh đạo UBND xã Ba Nang và nhiều hội đoàn thể khác cũng lẫn lộn tên giữa Pa Nang và Ba Nang. Câu chuyện một xã nhưng có 2 tên gọi lẫn lộn, nhập nhằng từ 1996 đến nay mới được giải quyết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên