01/02/2013 07:20 GMT+7

Cái chết bỗng chui lên từ lòng đất

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Một “hố tử thần” rộng bằng nửa sân vận động đột nhiên xuất hiện trên đại lộ Khang Vương Nam, quận Lệ Loan, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.

Sáu tòa nhà và 10 cửa hàng từ từ chìm dần trong lòng đất... mất dạng!

Hố siêu tử thần nuốt gọn 2 tòa nhà

Px6bbkXF.jpgPhóng to
Hiện trường vụ sập nhà - Ảnh: AFP

Bẫy sập hình phễu

Các nhà địa chất học gọi hiện tượng này là “bẫy sập hình phễu” do sự sụt lở đột ngột của nền đất trên một diện tích rộng có đường kính lên đến nhiều mét, thường là do bị xói mòn do nước ngầm gây ra. Những tai nạn kiểu này diễn ra thường xuyên ở Trung Quốc do các công trình chỉnh trang đô thị liên tục diễn ra và luôn không tuân thủ các quy tắc an toàn trong xây dựng.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Khổng Thiếu Ba thuộc Bộ Sự nghiệp kiến thiết tàu điện ngầm thành phố Quảng Châu cho biết khoảng 16g ngày 28-1, đơn vị thi công là Cục Trung Thiết số 7 đã phát hiện nhiều khác thường địa chất, nước và cát bắt đầu phun trào bất thường. Toàn bộ cán bộ nhân viên và lao động trong đường hầm được lệnh di tản khẩn cấp. Khi sụt lún ngày càng lan rộng, chính quyền địa phương đã ra lệnh di tản toàn bộ hộ dân sống tại khu vực lân cận.

Bà Trần Phương Lệ, một người dân sống tại khu vực này, cho biết lúc 16g40 ngày 28-1 đã xuất hiện hiện tượng sụt lún nghiêm trọng tại công trình tàu điện ngầm tuyến số 6 đoạn công viên văn hóa tại quận Lệ Loan. Ông Trương Ngọc, một chủ tiệm đóng gói, cho biết chỉ 40 phút sau khi đợt sụt lún đầu tiên xuất hiện, sáu cửa hàng và hai cây cổ thụ bên đường bị nuốt chửng khi ông nhận được lệnh di tản khẩn cấp của chính quyền địa phương.

Khoảng năm giờ sau đó, sáu đợt sụt lún mạnh đã làm các cửa hàng ở khu vực này lần lượt chìm dần xuống lòng đất. Đoạn sụt lún sâu đến 10m, lan rộng dần ra bằng một nửa sân vận động. Chỉ một ngày sau khi chính quyền địa phương ra lệnh lấp bằng khu vực sụt lún, lúc 13g30 ngày 29-1, địa điểm được lấp tiếp tục lún sâu thêm 3m nữa!

Sụt lún là thường xuyên

Tuy không gây ra thiệt hại về nhân mạng, song tai nạn lần này đã làm hoảng loạn và hoang mang cho người dân thành phố Quảng Châu và nhiều hộ gia đình hiện sống trên đường di chuyển của tàu điện ngầm. Cô Bàng Duyệt, một cư dân sống cách khu vực bị sụt lún khoảng 15km, cho Tuổi Trẻ biết kể từ khi khởi công xây dựng tàu điện ngầm, địa chất tại khu vực này bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu khác thường, đặc biệt là ở các khu vực mà tàu điện ngầm đi qua. Tại một số khu vực khác ở thành phố Quảng Châu thường có các biểu hiện rung lắc mỗi khi tàu điện ngầm di chuyển.

Trang Weibo chính thức của Tổng công ty Tàu điện ngầm Quảng Châu hôm 30-1 đã cho tạm dừng toàn bộ các công trình xây dựng tại thành phố Quảng Châu để giám định trước khi tiếp tục thi công. Phó bí thư đảng ủy Tổng công ty Tàu điện ngầm Quảng Châu Lưu Ứng Hải hôm 30-1 đã lên tiếng xin lỗi người dân, cam kết sẽ bồi thường các hộ gia đình chịu thiệt hại. Nhưng số tiền 50.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 USD) bồi thường cho các cửa hiệu “bỗng dưng biến mất” này chẳng thấm tháp vào đâu so với số thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu.

Mối nguy lơ lửng trên đầu

Vừa khấp khởi mừng khi tuyến tàu điện ngầm số 6 di chuyển gần nhà chẳng được bao lâu, những gia đình tại đại lộ Khang Vương Nam phải đối mặt với một nỗi lo mất nhà mất mạng. Theo báo Đô Thị Nam Phương, giai đoạn sốt đất cách đây vài năm của những khu vực có tàu điện ngầm giờ đã thành dĩ vãng. Thay vào đó là nỗi lo bị sụt lún ám ảnh thường xuyên của nhiều hộ dân cư với từng chuyến tàu rầm rầm di chuyển ngay dưới chân mình.

Bà Cao Lệ, một người dân sống tại khu vực bị sụt lún ở đại lộ Khang Vương Nam, nghẹn ngào kể lại: “Suốt ngày bị làm phiền bởi tiếng ồn chúng tôi chẳng nề hà gì, nhưng giờ đến nhà cũng bị nuốt chửng trong lớp đất đá”. Theo báo mạng Đông Phương, từ năm 2005 đến nay đã có rất nhiều vụ sụt lún do các công trình tàu điện ngầm gây ra khiến hàng ngàn hộ dân phải di dời.

Năm 2005, khu vực đại lộ Giang Nam thuộc quận Hải Châu gần tuyến tàu điện ngầm số 2 đã bị sụt lún khoảng 100m2 đất, khiến người dân xung quanh phải dắt díu nhau định cư nơi khác. Năm 2008, khu vực gần tuyến tàu điện ngầm số 5 bị sụt lún đến hai lần. Năm 2009, 40m2 đất tại khu vực Đại Sa Đầu thuộc quận Việt Tú gần tuyến tàu điện ngầm số 6 cũng bị nhấn chìm, khiến các hệ thống điện ngầm và đường dẫn chất thải cho hơn 1.000 người dân bị tê liệt.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên