Ảnh minh họa. Nguồn: idntimes.com
Bộ xương của cơ thể chúng ta hình thành và phát triển như thế nào?
Giai đoạn phôi thai
Xương phát triển từ lớp trung bì và phát triển qua 3 giai đoạn: Màng, sụn và xương. Bộ xương màng ở người hình thành vào tháng thứ nhất của bào thai. Màng biến thành sụn vào đầu tháng thứ hai và được thay thế dần bằng xương ở cuối tháng này của phôi. Bước sang tháng thứ 3, thai nhi với phần khung xương phát triển rất nhanh, với sự phân chia rất rõ ràng các khớp khuỷu, đốt ngón ở cả bàn tay và bàn chân. Sang tháng 5-6, các khớp ở tay và chân đã bắt đầu cử động. Ở tuần thứ 18, chân tay bé có thể vung, đạp. Sang tháng 7-8, cơ phát triển quanh xương. Tháng cuối cùng của thai kỳ, về cơ bản xương của bé đã thành xương cứng với đầy đủ các bộ phận nhưng xương vẫn rất mềm.
Giai đoạn sau khi sinh
Bộ xương người chia làm ba phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Người ta phân chia thành 4 loại xương là: Xương dài, xương ngắn, xương dẹt, xương hình bất định. Nơi tiếp giáp giữa các đầu xương gọi là khớp.
Cấu tạo xương dài ở trẻ em với sụn phát triển ở đầu xương
Cấu tạo của xương dài: Hai đầu xương là mô xương xốp chứa tủy đỏ xương. Bọc hai đầu xương là lớp sụn. Đoạn giữa là thân xương hình ống, cấu tạo gồm màng xương mỏng ở ngoài cùng, vỏ xương và khoang xương chứa tủy xương.
Cấu tạo xương ngắn, xương dẹt, xương bất định: Bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô xương xốp chứa tủy xương.
Sự phát triển của xương diễn ra như thế nào
Ở trẻ sơ sinh phần lớn các xương được tạo nên bằng chất liệu sụn, và khi trẻ phát triển, sụn này dần dần biến thành xương - qua một tiến trình gọi là tiến trình cốt hóa. Xương to ra về chiều ngang là nhờ các tế bào màng xương phân chia tạo ra những tế bào mới đẩy tế bào cũ vào trong rồi hóa xương. Xương dài ra là nhờ quá trình phân bào ở sụn tăng trưởng còn được gọi là các điểm cốt hóa của xương. Với các xương dài chúng nằm ở đầu xương và khi trưởng thành sẽ cốt hoá và hoà nhập với thân xương. Các xương ngắn, xương dẹt đều có sụn tăng trưởng là phần sụn bao bọc xung quanh. Ở trẻ nhỏ, thành phần chủ yếu của các xương ở vùng cổ chân và cổ tay là sụn nên chưa hiện hình trên phim. Các sụn tăng trưởng ban đầu là tổ chức sụn không cản quang, sau đó cốt hóa dần mới hiện hình trên phim chụp. Mỗi sụn tăng trưởng được cốt hóa ở mỗi một thời điểm khác nhau của tuổi đời. Vì vậy, chúng hiện hình trên phim X-quang cũng ở các thời điểm cũng khác nhau.
Trẻ em lớn lên như thế nào
Trẻ lớn lên theo chiều cao khi các xương của cháu phát triển dài ra và to ra. Ở các xương dài, sức tăng trưởng này không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của các xương mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng, đặc biệt là ở các vị trí đầu xương ở gần gối, gần khớp vai, gần cổ tay. Sự tăng trưởng xảy ra từ từ trong suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên đến tuổi dậy thì, con trai và con gái đều bộc phát lớn hẳn lên. Đến tuổi thanh niên, xương phát triển chậm lại rồi không phát triển dài ra nữa. Khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương không còn khả năng hóa xương do đã biến đổi thành xương, vì thế trẻ không cao thêm, trên phim chụp X-quang của xương sẽ không thấy hình ảnh sụn tăng trưởng ở đầu xương nữa. Như vậy, khi đi chụp X-quang chi dưới mà thấy hiện hình ảnh sụn tăng trưởng thì không thể cao hơn được nữa. Con gái thường ngừng phát triển chiều cao sớm hơn con trai khoảng 1 hay 2 năm, nên chiều cao trung bình ở con trai lớn hơn con gái.
3 cách phát triển chiều cao một cách tốt nhất
Chiều cao của con người ảnh hưởng bởi các yếu tố: Dinh dưỡng, di truyền, rèn luyện thể lực, môi trường sống... Trẻ có 3 giai đoạn mà cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì, người ta còn gọi là 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao. Để trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao và tác động vào 3 yếu tố chính liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ là:
Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến không chỉ phát triển chiều cao mà còn tới thể chất, trí tuệ của trẻ. Bổ sung dinh dưỡng cần được làm ngay từ khi người mẹ mang thai. Khi sinh ra, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ giúp bé tăng chiều cao tốt hơn sữa công thức. Đến thời kỳ ăn dặm và sau đó, trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải phong phú chủng loại thực phẩm. Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết. Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ, đồng thời chất béo còn giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D,...) giúp hệ xương phát triển tốt. Trẻ cần được bổ sung đủ các thực phẩm chứa các khoáng chất thiết yếu như: canxi, kẽm, magie, đồng, mangan, boron, silic, chondroitin, DHA,...
Ở trẻ em, xương phát triển dài và to ra nhờ quá trình chuyển từ sụn thành xương gọi là "quá trình cốt hóa". Quá trình này cần nguyên liệu gồm canxi, phospho và sự tham gia của các yếu tố vận chuyển, hoạt hóa như vitamin D, calcitriol, osteocalcin, vitamin K2,… Các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, tép, ốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai,... Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ canxi, phospho, quá trình cốt hóa được bắt đầu. Khi đó vitamin D3 được chuyển thành dạng hoạt động là calcitriol, chất này sẽ tiến đến "tạo cốt bào" (chất cơ bản nằm trong xương) để kích thích sản xuất osteocalcin - yếu tố sẽ nằm trên bề mặt xương giúp tăng cường đưa canxi vào trong xương. Tuy nhiên, osteocalcin được tạo cốt bào sản xuất ra chưa có khả năng vận chuyển canxi vào xương ngay, mà cần có sự hoạt hóa của vitamin K2. Vitamin K2 giúp kích hoạt osteocalcin ở dạng chưa hoạt động sang dạng hoạt động, và osteocalcin dạng hoạt động mới gắn được với canxi, đưa canxi vào trong xương, giúp xương phát triển dài và to ra.
Vitamin K2 do vậy có tác dụng chống bệnh còi xương, loãng xương. Nếu thiếu vitamin K2, lượng canxi hấp thu vào cơ thể sẽ không được sử dụng hiệu quả và có thể gây nguy hiểm.
Vitamin K2 có nhiều trong phô mai, đậu phụ, đặc biệt đậu phụ lên men kiểu Nhật (natto), bơ, lòng đỏ trứng. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm bổ sung vitamin K2 dưới dạng MK7.
Rèn luyện thể lực
Tập thể dục thể thao là yếu tố quan trọng không kém việc bổ sung dinh dưỡng. Muốn cơ thể phát triển tốt, khỏe mạnh, có chiều cao như ý muốn bạn nên tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao ngay từ tuổi nhỏ với các bài tập phù hợp từng lứa tuổi. Nên duy trì các bài tập nhảy cao, nhảy xa, đánh xà, bơi,... nhằm vươn dài người, kéo căng cơ, kích thích cột sống và các xương phát triển. Sự vận động cơ bắp sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng canxi vào mô xương giúp xương vững chắc hơn và phát triển tốt hơn. Thời gian tập luyện với cường độ cao kéo dài 1,5 - 2 giờ/ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Việc tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày còn giúp tăng GH vào ban đêm. Việc tập luyện cần được duy trì điều độ và tăng cường độ dần đều theo thời gian, nếu chỉ tập luyện nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn hay tập luyện nặng quá lâu thì không thúc đẩy phát triển chiều cao. Vì lợi ích như vậy, cha mẹ cần hướng dẫn và tạo cho con thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài thể dục vừa sức, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ cũng là một phần rất quan trọng vì quá trình phát triển chiều dài xương chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Các nhà khoa học ở Hoa Kỳ thấy rằng 90% sự phát triển của xương diễn ra vào lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi; thiếu ngủ hoặc thức trăng đêm sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển chiều cao dần đều theo thời gian. Ngủ ngon, ngủ sâu giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện. Số giờ ngủ tuỳ nhu cầu của mỗi lứa tuổi, song nhìn chung trẻ cần ngủ trên 8 giờ một ngày.
Một số hiểu biết sai lầm về tăng chiều cao
Mỗi bé sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên đều có các mốc trưởng thành và phát triển khác nhau. Chế độ ăn kiêng dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên không được khuyến khích vì đây là giai đoạn cần nguồn dinh dưỡng thiết yếu để tăng trưởng về cân nặng và chiều cao của trẻ. Nếu trẻ có tăng cân hơn, đừng vội áp dụng các biện pháp ăn kiêng như người trưởng thành mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp cho đến khi con bạn trưởng thành.
Trên thị trường quảng cáo nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao, tuy nhiên hầu như các thuốc này có thành phần chính là canxi, vitamin D3, vitamin K2 (MK7). Ngoài ra, một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng.
Hormone tăng trưởng có tên là Growth Hormone (GH), do thùy trước tuyến yên tiết ra có tác dụng ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng của tế bào, làm tăng cả kích thước và kích thích quá trình phân bào, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất ở tất cả tế bào, tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Quá trình bài tiết hormone tăng trưởng được cơ thể tự điều hòa phù hợp với giai đoạn phát triển của cơ thể. Thuốc chứa hormone tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người (hGH=human growth hormon), được dùng trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn mà khi xét nghiệm có nồng độ GH máu thấp, nhưng cũng ở mức hạn chế. Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không do thiếu GH thì dùng hGH không có hiệu quả. Khi dùng hGH với liều cao hoặc kéo dài thì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như: giữ nước, phù, sưng ngón tay, to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người đã hết thời kỳ phát triển, có thể gây ra chứng to các đầu chi, tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa,…
Vì vậy, bố mẹ khi nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng cho con mình, đặc biệt không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, một số loại máy móc được quảng cáo là có tác dụng tăng chiều cao. Tuy nhiên, các loại máy móc này thực ra chỉ có tác dụng như trẻ tập thể thao.
Khi trẻ đến giai đoạn các sụn tăng trưởng biến thành xương và không còn xảy ra quá trình cốt hóa, khi đó trên phim X-quang không còn hình ảnh khoảng sáng của sụn tăng trưởng, lúc này trẻ đã hết tuổi phát triển chiều cao và không có biện pháp nào có thể làm tăng chiều cao ngoài phẫu thuật kéo dài chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận