Có thể thấy, đứng trước một cuộc nổi loạn vũ trang lần đầu tiên xảy ra đe dọa trực tiếp đến thủ đô Matxcơva trong nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng triển khai hiệu quả hai thế trận phối hợp giữa tiền tuyến và hậu phương.
"Đàm để vây"
Sự khéo léo kết hợp hai phương án "đàm để vây" và "đánh để đàm" lần lượt ở hậu phương và tiền tuyến đều nhằm triệt tiêu ý chí tiến công của đối phương đã giúp chính quyền ông Putin tạm thời gỡ bỏ được một thế gọng kìm trong chớp nhoáng.
Có thể thấy, "cuộc tuần hành vì công lý" tiến về Matxcơva theo cách gọi của ông Yevgeny Prigozhin (người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner và cũng là nhân vật kêu gọi nổi loạn) thực tế là một phương án tiếp cận chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng.
Trong đó, về thời điểm, ông Prigozhin đã lựa chọn giai đoạn lực lượng Wagner được phép rút lui về các trại quân sự dã chiến ở hậu phương sau chiến công kiểm soát được "chảo lửa Bakhmut" từ cuối tháng 5 để làm bình phong cho việc tập trung lực lượng sát với TP Rostov-on-Don.
Thành phố này vừa có vị trí giáp biển Azov, vừa là nơi đặt trụ sở chỉ huy Quân khu phía Nam của Nga và cũng là trung tâm xuất khẩu ngũ cốc và dầu mỏ quan trọng của Nga.
Việc chiếm giữ TP Rostov-on-Don không chỉ gây áp lực quốc tế rất lớn lên Chính phủ Nga do giá cả tăng vọt mà còn tạo nền tảng hậu cần lâu dài cho lực lượng Wagner nổi loạn.
Ngoài ra, việc lựa chọn tuyến đường cao tốc M-4 từ vùng Rostov đến Matxcơva để triển khai nhanh các vũ khí hạng nặng trong bối cảnh phần lớn quân lực Nga đang bị giữ chân trong đợt cao điểm phản công ở Ukraine cũng là một lợi thế quan trọng mà ông Prigozhin đã chớp thời cơ thực hiện trong ngày 24-6.
Tuy nhiên, phía Nga đã sớm nhận ra lập trường "hạn chế đổ máu" của ông Prigozhin khi phía Wagner chỉ phong tỏa chứ không cản trở hoạt động của các sĩ quan Nga ở những khu vực bị quân nổi loạn kiểm soát, từ đó phát huy các biện pháp tiếp cận đàm phán theo ba nhóm động thái.
Thứ nhất là cuộc gặp thăm dò do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov và Phó tham mưu trưởng Vladimir Alexeyev tiến hành tại trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don nhằm xác nhận rõ mục tiêu phi bạo lực của ông Prigozhin.
Đây có thể là nguyên do cho thấy quân đội Nga đã quyết định chỉ "vây" và "nhử" quân Wagner nổi loạn đến vành đai phòng thủ kiên cố ở ngoại ô Matxcơva chứ không ngăn chặn đánh lớn, giúp thiệt hại của hai bên trong sự biến không đáng có này được giảm thiểu.
Thứ hai là bài phát biểu lên án hành vi nổi loạn vũ trang là "phản quốc" của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đưa ra "giới hạn đỏ" răn đe lực lượng nổi loạn đồng thời thống nhất quan điểm của các nhóm tướng lĩnh Nga có quan hệ với Wagner cùng lên tiếng.
Kết hợp với lời kêu gọi "ngừng nổi loạn" của Phó tư lệnh Lực lượng liên quân Nga, tướng Sergey Suroviki - người được xem là đồng minh quan trọng của ông Prigozhin trong quân đội Nga, ý chí tiến công của phe Wagner lúc này đã suy giảm đáng kể.
Chỉ chờ đến lúc này, bước đàm phán cuối cùng hay cuộc "mặc cả trọn gói" của Tổng thống Belarus Lukashenko đã được thực hiện và triệt tiêu hoàn toàn mũi tiến công của phía Wagner.
"Đánh để đàm"
Hoàn tất thế trận "đàm để vây" ở hậu phương, chính quyền ông Putin đã đảm bảo không phải dịch chuyển quân đội chính quy ở tiền tuyến về cứu nguy cho Matxcơva nhằm để lộ các "lỗ hổng phòng thủ" như mong đợi của phía Ukraine.
Trong khoảng thời gian một ngày nổ ra nổi loạn, quân đội Ukraine đã lập tức tập trung lực lượng hòng tái chiếm TP Bakhmut ở khu vực Donetsk thuộc vùng Donbass, đông Ukraine nhằm gỡ lấy một thắng lợi mang tính biểu tượng.
Bên cạnh mũi tiến công chính vào Bakhmut, phía Ukraine cũng triển khai nhiều mũi vu hồi cùng một lúc theo hướng Orikhovo-Vasylivka, Bohdanivka, Yagidny, Klishchiivka và Kurdyumivka cũng như thực hiện giao tranh ở mặt trận phía nam Ukraine.
Thế trận của Nga lúc này hoàn toàn ngược lại với thế trận "đàm để vây" nhằm giảm thiểu thiệt hại, mà vẫn tiếp tục "đánh để đàm" với quy mô lớn, đồng loạt và đa binh chủng.
Trong đó, ngoài việc phát huy thế mạnh của "tuyến phòng thủ Surovikin" nhiều lớp kiên cố được cho trải dài gần 2.000km qua Kherson và Zaporozhye, quân đội Nga được phía Ukraine ghi nhận đã tiến hành tấn công ở nhiều khu vực với 29 cuộc giao tranh trong thời điểm đang nổ ra nổi loạn Wagner ở sát Matxcơva vào ngày 24-6.
Trong đó, phía Nga không chỉ thực hiện tiến công bộ binh kết hợp với pháo kích mà còn tận dụng tối đa ưu thế trên không của mình khi triển khai liên tục các biên đội Su-34, trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28 và máy bay cường kích Su-25 và cả tấn công tên lửa chính xác vào hạ tầng quân sự ở khắp Ukraine bao gồm cả Kiev và Kharkiv.
Đây cũng chính là các bước của Nga nhằm giảm thiểu ý chí phản công, làm cạn kiệt nguồn lực viện trợ từ phương Tây nhằm hướng Ukraine đến một viễn cảnh đàm phán mà nước này đã tránh né từ giữa năm 2022.
Nhìn chung, phía Nga đã né tránh được kịch bản rớt vào thế gọng kìm giữa quân đội Ukraine và lực lượng Wagner trong một khoảnh khắc nổ ra nổi loạn đe dọa trực tiếp thủ đô Matxcơva.
Sự kết hợp giữa thế trận "đàm để vây" và "đánh để đàm" không chỉ giúp phía Nga củng cố "lỗ hổng phòng thủ" ở hậu phương mà còn giữ được nền tảng duy trì thế trận phòng thủ - tiến công vững vàng ở tiền tuyến.
Trùm Wagner đến Belarus
Theo thỏa thuận giữa các bên, ông chủ tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin sẽ chuyển đến Belarus.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vụ án hình sự chống lại ông Prigozhin vì tội nổi loạn vũ trang sẽ bị hủy bỏ và các chiến binh Wagner đã tham gia "cuộc tuần hành vì công lý" của Prigozhin sẽ không phải đối mặt với bất kỳ tội danh nào, để ghi nhận sự phục vụ trước đây của họ cho Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận