14/10/2022 08:22 GMT+7

Cách nào thu phí ô tô vào nội đô?

THÀNH CHUNG - ĐỨC PHÚ ghi
THÀNH CHUNG - ĐỨC PHÚ ghi

TTO - UBND TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện đề án "thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường".

Cách nào thu phí ô tô vào nội đô? - Ảnh 1.

Giải pháp thu phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm nhằm hạn chế kẹt xe. Trong ảnh: dòng xe cộ nối đuôi nhau kẹt cứng trên đường Nguyễn Trãi hướng về trung tâm TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Sau khi hoàn thiện việc lấy ý kiến, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP "vào thời điểm thích hợp". Vậy cả hai TP lớn này tính toán việc thu phí ra sao để không gây phiền hà cho người dân, đạt hiệu quả? Tuổi Trẻ đăng một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.

TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông): Nên tích hợp vào thẻ ETC

Đề xuất mã định danh riêng gắn với thẻ, tài khoản thanh toán để thu phí của chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra theo tôi có thể hiểu gần giống với việc dán thẻ ETC cho phương tiện đi vào các đường cao tốc đang thực hiện. 

Theo đó nếu áp dụng với thu phí nội đô thì các xe sẽ phải có thiết bị thu phí ở trong xe có thể là thẻ dán, tài khoản và khoản tiền nộp trước. Khi các xe đi vào thì hệ thống sẽ tự động trừ tiền và quản lý thời gian các xe lưu thông ở đó. Việc áp dụng công nghệ này sẽ rất thuận tiện và không cần lập trạm, chỉ cần các giàn theo dõi để thu phí.

Hiện nay ô tô dán thẻ ETC đã rất phổ biến nên nếu thực hiện việc thu phí vào nội đô thì nên tích hợp vào chung thẻ ETC luôn chứ không nên dán thêm một thẻ khác. Bởi dán thêm sẽ gây ra nhiều phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Khi tích hợp vào thẻ ETC thì hệ thống thu phí sẽ kết nối với hệ thống của các doanh nghiệp được giao thu phí.

Ông Nguyễn Văn Quyền (chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam): Giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại

Để triển khai thu phí sẽ không đơn giản và phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó... Trong đó tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó. Nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế. 

Chẳng hạn với hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Song thực tế hiện nay giao thông công cộng của Hà Nội hay TP.HCM năng lực còn hạn chế.

Cách nào thu phí ô tô vào nội đô? - Ảnh 2.

TP.HCM hiện đang quản lý 8,6 triệu xe, trong đó có khoảng 838.400 ô tô, còn lại là xe máy - Ảnh: ĐỨC PHÚ

TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông vận tải): Cần cân nhắc kỹ mức phí

Việc thu phí xe vào nội đô có mục tiêu sử dụng công cụ kinh tế để điều tiết hành vi giao thông theo hướng không khuyến khích sử dụng xe cơ giới cá nhân vào khu vực có mật độ giao thông cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông mà nhiều nước đã thực hiện. 

Về mức phí phải được cân nhắc vì nếu quá thấp thì tỉ lệ ô tô cá nhân giảm không đáng kể, không tác động đến giảm ùn tắc, nếu thu quá cao tuy mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông nhưng ảnh hưởng đến đời sống và hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông trong vùng thu phí. Đồng thời có thể khó bù đắp kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí.

Anh Lê Văn Quy (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): Giao thông công cộng tốt, chẳng ai muốn đi xe cá nhân

Thực tế chúng tôi cũng không muốn đi ô tô ra đường nhiều làm gì vì vừa tắc đường, vừa tốn kém đủ loại chi phí từ phí. Nhưng với hệ thống giao thông công cộng hiện nay của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Việc kết nối còn khó khăn, bất tiện, xe buýt cũng đông đúc. Do đó tôi mong rằng thay vì thu phí thì TP cần tập trung phát triển giao thông công cộng cho tốt. Khi giao thông công cộng tốt, tiện lợi thì chẳng ai muốn đi xe cá nhân làm gì.

Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM): Cần thống nhất công nghệ

Đối với công nghệ thu phí, hiện nay cả nước có khoảng 4,8 triệu ô tô. Thời gian qua, chúng ta đang triển khai thu phí không dừng (ETC) và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 80 - 90% số lượng xe dán thẻ theo yêu cầu của Chính phủ. 

Do vậy, đối với các dự án thu phí tới đây như thu phí cổng sân bay, thu phí ô tô vào trung tâm TP hoặc thu phí đậu xe hơi ở lòng lề đường tại trung tâm cần phải thống nhất công nghệ, tài khoản thanh toán. Việc này tránh chuyện người dân có một cái xe mà phải dán nhiều thẻ, trả phí mỗi nơi mỗi kiểu rất lãng phí và tốn thời gian.

Ngoài ra, khi tiến hành đấu thầu hệ thống thu phí, cần yêu cầu các nhà đầu tư nâng cấp công nghệ ngay từ ban đầu. Ở nước ngoài, hệ thống thu phí của người ta không cần lập trạm hay barie, mà chỉ cần có giá long môn treo thiết bị. Các tài xế không cần phải dừng lại hay chạy chậm để đóng phí. Công nghệ phải nâng cấp như thế mới giảm được ùn tắc.

TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế ở TP.HCM): Lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện

Hiện nay, mỗi ô tô muốn lăn bánh đã phải tốn nhiều loại phí. Vì vậy, TP nên khảo sát ý kiến của người dân trước khi thực hiện việc thu phí ô tô vào trung tâm và áp dụng có lộ trình dần dần, nguồn thu sử dụng ra sao? Phương án hợp lý nhất là đầu tư vào hạ tầng, giao thông công cộng.

Về mặt công nghệ để thu phí, ở Singapore, người dân dùng một thẻ cho tất cả dịch vụ công cộng rất tiện lợi. Do đó, các đơn vị nên tập trung nghiên cứu khắc phục những sai sót còn tồn tại của thẻ ETC. Về lâu dài, tính toán tích hợp toàn bộ vào đó cả phí đậu xe, nộp phạt nguội... Như vậy Nhà nước dễ quản lý, người dân dễ sử dụng.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết việc ông đề xuất nên có quy định cụ thể trong luật về ô tô phải có mã định danh riêng và gắn với thẻ, tài khoản thanh toán để thu phí không mới và thực tế nhiều nước đã làm.

Ông dẫn chứng việc các nước tiến hành thu phí nội đô đã yêu cầu các xe phải lắp một thiết bị thu phí và nạp tiền mặt trước. Khi đi qua các tuyến đường có hệ thống thu phí sẽ tự động trừ tiền. Với các xe không lắp khi đi qua sẽ bị ghi hình, xử phạt. Cạnh đó hệ thống này có thể được tích hợp, dùng cho cả thu phí cao tốc lẫn thu phí vào nội đô...

Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh việc xây dựng trạm thu phí nội đô là bất khả thi. Đồng thời nếu thực hiện được mã định danh gắn với thẻ, tài khoản thanh toán sẽ rất minh bạch, không thể gian lận và quản lý được các xe vi phạm.

Hà Nội lập 100 trạm thu phí ô tô

HA NOI

Dòng ô tô kẹt cứng trên đường Nguyễn Trãi hướng về khu trung tâm nội đô TP Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Đề án dự kiến sẽ lập khoảng 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô Hà Nội tại các cửa ngõ ra vào trung tâm TP. Ngoài ra, đề án này cũng vạch ra ba giai đoạn thực hiện.

Cụ thể, từ năm 2021 - 2025, nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí. Từ năm 2025 - 2030, xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ năm 2030, xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Thời gian đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5h - 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Đến tháng 10-2022, UBND TP Hà Nội cho biết TP đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường". Và sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án để trình HĐND TP vào "thời điểm thích hợp".

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-10, một lãnh đạo văn phòng Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết việc Hà Nội xây dựng đề án trên được thực hiện theo nghị quyết 48 của Chính phủ giao cho các TP lớn, trong đó có Hà Nội, nghiên cứu xây dựng. "Hiện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang triển khai các bước để xây dựng đề án theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội", vị lãnh đạo trên thông tin.

Ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết ý tưởng thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô, cấp thẻ định danh cho mỗi ô tô là ý tưởng tốt, tuy nhiên rất khó để thực hiện. Bởi theo ông Liên, hiện nay việc thu phí không dừng trên các đường cao tốc đã triển khai rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, chưa ổn.

Ngoài ra, việc kiểm soát các phương tiện vào nội đô Hà Nội cũng rất khó khăn. Ông Liên cho rằng các xe vào từ các đường cao tốc thì việc thu phí sẽ dễ nhưng Hà Nội có hàng trăm đường ngang, lối tắt để vào nội đô thì không thể quản lý hết được, nên rất khó để thực hiện việc này trong thời gian gần.

PHẠM TUẤN

TP.HCM nghiên cứu 13 năm

CAUXE OTO

Lực lượng chức năng cẩu ô tô vi phạm dừng đậu tại trung tâm TP.HCM, sáng 12-10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Cách đây 13 năm, TP.HCM từng chấp thuận cho Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong tổ chức nghiên cứu dự án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã gửi đề cương chi tiết về hoàn tất báo cáo khả thi vào năm 2011. Khi đó, báo cáo chưa được lấy ý kiến rộng rãi, vì vậy việc nghiên cứu tạm dừng. Năm 2017, công ty đề xuất tiếp tục nghiên cứu khả thi dự án. Hai năm sau đó, nhiều hội nghị lấy ý kiến phản biện dự án được diễn ra.

Đến năm 2020, dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM được cụ thể hóa trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Giải pháp, nhiệm vụ thu phí ô tô vào trung tâm TP được HĐND TP và UBND TP xác định thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Sau đó tháng 10-2021, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong kiến nghị tự bỏ kinh phí để tham gia nghiên cứu, đề xuất dự án xây dựng hệ thống thu phí vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP (quận 1, quận 3) theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Việc thu phí sẽ được kết nối với hệ thống thu phí không dừng (ETC), mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho xe hơi và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm ô tô biển xanh. Thời gian thu phí xe vào trung tâm ở các khung giờ cao điểm: 6h - 9h và 15h - 19h.

Dự án được doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 2.274 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỉ đồng và tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.796 tỉ đồng. Ngày 13-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong cho biết hiện chưa nhận được ý kiến phản hồi của các sở, ngành TP về đề xuất nêu trên.

Liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM trước đó cũng đã có kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP nghiên cứu quy định liên quan, chủ động làm việc với nhà đầu tư về đề xuất dự án nêu trên. Khi có kết quả, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP báo cáo và tham mưu UBND TP văn bản trả lời đề xuất cho nhà đầu tư; đồng thời tham mưu hình thức đầu tư hệ thống thu phí phù hợp với quy định hiện hành. Thế nhưng đến nay dự án vẫn đang bị "treo", chưa được các cơ quan chức năng trả lời.

ĐỨC PHÚ

Tin nóng 24h: Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM liệu có khả thi? Tin nóng 24h: Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM liệu có khả thi?

Đền thờ Lê Lai tại Thanh Hoá mở cửa đón du khách sau vụ hỏa hoạn năm 2013; Đặc sắc lễ hội mùa đông Sa Pa; Chợ đồ cũ 2.000 đồng dành cho người nghèo ở Hà Nộ; Nghi án chồng đâm vợ rồi tự sát trong đêm; Triệt phá băng “đá xế” chuyên nghiệp; Truy tìm phương tiện tông chết người rồi rời khỏi hiện trường…

THÀNH CHUNG - ĐỨC PHÚ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên