05/06/2018 10:19 GMT+7

Cách nào khắc phục vấn nạn vượt ẩu, lấn làn?

HỮU CHƠN - LƯU NGỌC
HỮU CHƠN - LƯU NGỌC

TTO - Tình trạng vô tư đi sai làn đường, luồn lách, leo lề, vượt ẩu... đã thành thói quen của không ít người đi xe máy. Cách nào khắc phục tình trạng này? Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của bạn đọc về vấn nạn này.

Cách nào khắc phục vấn nạn vượt ẩu, lấn làn? - Ảnh 1.

Vào giờ cao điểm, mặc dù quy định chỉ cho xe máy chạy vào một làn với ôtô nhưng nhiều xe máy chạy chiếm hết các làn dành cho ôtô trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ai hay đi trên xa lộ Hà Nội (từ cầu vượt trạm 2 đến cầu Sài Gòn, TP.HCM) chắc thường phải chứng kiến hình ảnh xấu xí: nhiều xe gắn máy chỉ vì muốn "né" đèn đỏ tại ngã tư Thủ Đức đã leo lên cầu vượt vốn được quy định chỉ dành cho ôtô.

Hầu hết các tuyến đường trọng điểm đã được lắp đặt camera quan sát nên không khó phát hiện người đi xe phạm luật. Mức xử phạt hiện tại, theo tôi, đã đủ sức răn đe, chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta có phạt nghiêm hay không.

Hữu Chơn

Đâu có đường là ta cứ đi

Chiều ngang cầu khá hẹp so với lượng xe tải đông đúc, vậy mà những chiếc xe máy vẫn len lỏi đi cho bằng được khiến các tài xế ôtô ngao ngán không biết tai họa gọi tên mình lúc nào! Xuống hết cầu vượt, họ vẫn không chịu chuyển về làn đường dành cho xe 2, 3 bánh. Dường như họ cho rằng đó là chuyện rất bình thường nên tiếp tục đi vào phần đường của ôtô đến ngã tư Bình Thái.

Từ khi có cầu Rạch Chiếc thứ hai, mỗi chiều lưu thông đều có hẳn một phần đường rộng rãi dành riêng cho xe máy. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cố tình đi xe máy vào làn đường của xe bốn bánh. Không biết họ nhanh hơn so với đi đúng quy định bao nhiêu giây nhưng nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đây là điều đau lòng mà tôi không muốn thấy.

Tại chân cầu vượt ngã ba Cát Lái (Q.2), bất kể giờ cao điểm hay không, hễ vắng bóng cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt là y như rằng có nhiều xe máy tỉnh bơ "xâm phạm" làn đường dành riêng cho ôtô, trong khi ôtô qua đây chạy với tốc độ khá cao. Tôi từng phải dừng xe đưa một thanh niên vào bệnh viện cấp cứu vì anh này đi xe máy vào làn ôtô và lại còn vượt đèn đỏ nên va vào xe khác.

Điều tương tự cũng diễn ra phổ biến ở những tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... Một số người đi xe hai bánh cứ thấy làn đường nào vắng xe hơn là đi vào. 

Vỉa hè đường Mai Chí Thọ (Q.2) được làm khá cao để xe cơ giới không leo được, vậy nhưng nhiều người vẫn cố đẩy xe máy lên khi thấy phía trước còn hai phút mới hết đèn đỏ. Có lẽ họ chỉ nhìn thấy lợi ích nhỏ trước mắt mà xem nhẹ tính mạng bản thân và cộng đồng.

Xây dựng văn hóa giao thông nếu chỉ kêu gọi người dân tự giác chấp hành pháp luật vẫn chưa đủ. Cần có sự hiện diện của chế tài. Phạt nặng, phạt nghiêm minh và công bằng mới góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi người tham gia giao thông. Như hiện nay thì chưa biết đến khi nào những hình ảnh không đẹp trên đường mới chấm dứt.

Nhường nhau một chút, được mà!

Đi xe máy ra đường, tôi sợ nhất chuyện phải húc vào đuôi xe phía trước hoặc có thể ngã lăn ra đường nếu ai đó bất ngờ rẽ ẩu, cúp ngang trước xe mình. Cứ ra đường là gặp cảnh người đi xe máy coi đường sá như sân nhà mình, muốn dừng là dừng, muốn quẹo là quẹo. Không cần xinhan, không có thói quen nhìn kính chiếu hậu. Rồi va chạm, rồi thay vì xin lỗi lại hùng hổ cãi nhau, có khi người đi sai cãi to tiếng hơn người đi đúng...

Đến ngã tư đường, lần nào tôi cũng tránh, không dừng đèn đỏ sát lề phải để nhường đường cho người quẹo phải. Nhưng nhiều khi không tránh được, phải dừng sát lề, và vẫn thường bị người đi sau lớn tiếng: Cho quẹo, chị ơi! Rồi họ tỉnh bơ bảo tôi nhích xe lên phía trước vạch dừng xe để trống chỗ cho họ đi qua: "Chị cứ lên đi, có công an đâu mà chị sợ dữ vậy?".

Mỗi lần kẹt xe trên cầu lại thấy mấy anh thanh niên cố đẩy xe máy lên gờ cao hành lang cầu, rồi một mình một xe chạy ào ào như anh hùng trên đó. Lại nghĩ: tại sao người ta có thể ngồi hàng giờ cà phê tán gẫu mà không thể trật tự chờ đợi, nhường nhau vài phút? 

Mỗi lần kẹt xe lại thấy rõ hình ảnh những người cùng tham gia giao thông với mình luồn lách, len lỏi lên lề, chỗ nào trống thì cứ chen vào! Cũng là một kiểu "lách luật", hình như người ta rất giỏi luồn lách và giành đường thay vì cùng tuân thủ luật giao thông và lịch sự nhường nhịn nhau trên đường.

Lại cũng rất ớn cảnh các chị cúp ngang đầu xe ôtô, nghe tiếng ôtô thắng gấp mà lạnh người. Có ngồi trên ôtô trong những "pha" kiểu này mới thấy người đi xe máy ẩu cỡ nào, nói như các bác tài ôtô là "chết như chơi"! 

Lắm khi người lái xe máy chính là những người ẩu nhất trên đường. Ai cũng muốn về nhà nhanh nhất, đến cơ quan đúng giờ, nhưng chắc rằng ai cũng muốn về nhà an toàn, bởi ai cũng có gia đình, con cái... Và xe máy là phương tiện dễ gặp nguy hiểm nhất.

Ôtô cũng lấn làn xe máy

Không riêng gì xe hai bánh, nhiều người điều khiển ôtô cũng lấn làn xe máy. Chỉ cần thấy phía trước hơi đông xe là vội đánh tay lái vào làn đường dành cho xe hai bánh.

Trên quốc lộ 1A (đoạn qua Q.Thủ Đức), đường dẫn vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây... ngành chức năng phải lắp dải phân cách cứng để phân định giữa làn ôtô và xe máy, bố trí CSGT đứng ngăn ôtô đi vào hoặc dựng trụ chia đôi lối đi dành cho xe máy để ngăn ôtô chạy bừa vào. Nhìn những dải phân cách kiểu này mà buồn! Không hiểu ý thức an toàn của họ đã đánh rơi đâu rồi!

Video clip phản ứng ô tô chạy lấn làn, cụ ông lấy xe đạp ra chắn Video clip phản ứng ô tô chạy lấn làn, cụ ông lấy xe đạp ra chắn

TTO - Bất bình vì thấy nhiều ô tô chạy lấn làn, một cụ ông ở Hà Nội liền lấy xe đạp ra chắn. Hành động này được cư dân mạng khen ngợi, tuy nhiên có ý kiến cho làm vậy là nguy hiểm. Ngoài ra, chia sẻ nhiều trên mạng ngày 11-4, có các clip hot khác.

HỮU CHƠN - LƯU NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên