02/06/2011 07:14 GMT+7

Các vùng biển của quốc gia

Luật gia NGUYỄN DUY CHIẾN - thạc sĩ HOÀNG VIỆT
Luật gia NGUYỄN DUY CHIẾN - thạc sĩ HOÀNG VIỆT

TT - Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng, xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia.

Theo công ước, mỗi quốc gia ven biển có năm vùng biển bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

sJx0LQTf.jpgPhóng to
Các vùng biển của Việt Nam - Đồ họa: V.Cường

Dựa vào các quy định của công ước, quốc gia ven biển xác định ra đường cơ sở để từ đó làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

1. Nội thủy

Điều 8 của công ước Luật biển năm 1982 quy định nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

2. Lãnh hải

Lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở. Chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý (điều 3 công ước). Các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải của mình. Chủ quyền đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải là tuyệt đối. Chủ quyền đối với vùng trời phía trên lãnh hải cũng là tuyệt đối. Tuy nhiên, chủ quyền ở đây không được tuyệt đối như trong nội thủy vì ở lãnh hải của quốc gia ven biển, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền qua lại không gây hại.

3. Vùng tiếp giáp lãnh hải

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài và sát với lãnh hải. Chiều rộng của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng không quá 12 hải lý. Quốc gia ven biển có quyền thi hành sự kiểm soát cần thiết nhằm ngăn ngừa các vi phạm đối với các luật và quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư hay y tế trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình; và trừng trị những vi phạm các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình (điều 33 công ước).

4. Vùng đặc quyền kinh tế

Đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió...

Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.

5. Thềm lục địa

Thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Điều cần nhấn mạnh là một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình, nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác.

Ngoài ra, còn có vùng biển quốc tế (là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển). Ở vùng biển quốc tế, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, đặt dây cáp và ống ngầm, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học... nhưng phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như phải tuân thủ các quy định có liên quan của công ước Luật biển năm 1982; và đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là di sản chung của nhân loại và không quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó.

Luật gia NGUYỄN DUY CHIẾN - thạc sĩ HOÀNG VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên