11/12/2022 06:30 GMT+7

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hà Nội có nhiều khu tập thể cũ nhưng chúng có thực sự tồi tệ, cần phải được cải tạo, thay thế như truyền thông thường nói lâu nay không? Việc sốt sắng cải tạo các khu tập thể của Hà Nội những năm qua là vì người dân hay vì lợi ích nhóm?

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết? - Ảnh 1.

Khu tập thể là một phần của di sản kiến trúc đô thị Hà Nội, góp phần làm nên nét độc đáo của thành phố cả về cảnh quan và văn hóa - Ảnh: Alexandre Garel

Và liệu các đại gia bất động sản có đang nhòm ngó các mảnh đất vàng khu tập thể như đã và đang làm với các khu nhà máy cũ trong nội đô?...

Đây là những câu hỏi được các chuyên gia nhân học, kiến trúc sư, nhà văn đã đặt ra khi bàn về câu chuyện khu tập thể ở Hà Nội - chủ đề quan trọng nhất trong hội thảo quốc tế Nhân học và thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa tổ chức trực tiếp và trực tuyến cả ngày 10-12.

Khu tập thể là biểu tượng không thể không có của Hà Nội

Tính đặc trưng độc đáo của các khu tập thể ở Hà Nội như một biểu tượng của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, rất đặc trưng cho lối sống thời bao cấp lâu nay không chỉ hấp dẫn các nghiên cứu trong nước, mà các chuyên gia nước ngoài cũng bị các khu tập thể thu hút mạnh mẽ.

Giáo sư Hans Schenk của Đại học Amsterdam (Hà Lan) đã từng viết chung với giáo sư Trịnh Duy Luân (Hội Xã hội học Việt Nam) cuốn sách Nhà ở xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội - Khám phá các khu tập thể của thành phố và trải nghiệm của một gia đình cư dân (Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội - 2021).

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết? - Ảnh 2.

Một khu tập thể trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Tại buổi hội thảo, giáo sư Trịnh Duy Luân đã có bài khái quát những giá trị lịch sử và đương đại các khu tập thể được xây dựng ở Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp 1960-1985. Đó là giá trị xã hội - nhân văn của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Nó cũng có giá trị kiến trúc - quy hoạch, với dấu ấn của trào lưu kiến trúc hiện đại từ châu Âu qua Liên Xô đến Việt Nam, và là minh chứng cho chủ nghĩa quốc tế khi các nước xã hội chủ nghĩa đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tòa nhà này.

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết? - Ảnh 3.

Khu tập thể Giảng Võ ở Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Từ góc độ một nhà văn, một người đã sống 60 năm ở khu tập thể Kim Liên từ năm 1960, ông Vũ Công Chiến (tác giả cuốn sách Kim Liên một thuở về khu tập thể Kim Liên) kể, khi bộ đội về tiếp quản thủ đô năm 1954, dân số Hà Nội tăng vụt lên bởi những người đi theo kháng chiến, những người thuộc cơ quan dân chính đảng và bộ đội trở về. Hà Nội rất thiếu nhà ở.

Ông Chiến và các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng khu tập thể rất cần được bảo tồn một phần ở Hà Nội làm chứng tích cho một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước, và cho một di sản văn hóa về lối sống tập thể rất đặc biệt ở đây.

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết? - Ảnh 4.

Có một đời sống xã hội rất đặc biệt ở các khu tập thể - Ảnh: T.ĐIỂU

Cải tạo khu tập thể vì dân hay vì đại gia bất động sản?

Nghiên cứu sinh Takanari Fujita (Đại học Toronto, Canada) đặt vấn đề Hà Nội cần cố gắng bảo tồn một phần các khu tập thể để nó được lưu giữ ở một mức độ nhất định.

Ông Takanari Fujita cho biết trước nay, thành phố muốn phá bỏ các khu tập thể để xây dựng các khu chung cư mới, hiện đại hơn và họ truyền thông tin tới báo chí rằng các khu tập thể xuống cấp trầm trọng cần xây dựng lại.

Tuy nhiên khảo sát của ông cho thấy một số khu tập thể có xuống cấp nhưng nhiều khu tập thể còn ở tình trạng rất tốt. Kể cả một số khu tập thể nhìn bên ngoài thấy chuồng cọp rất nguy hiểm, xấu xí nhưng thực tế bên trong nhiều căn hộ ấy đã được người dân cải tạo rất có gu, đẹp và công năng sử dụng tốt.

Ông Chiến cũng rất đồng tình với điều này. Ông cho biết, nhiều kiến trúc sư xây dựng đã đến khảo sát khu tập thể Kim Liên và họ đều khẳng định chất lượng các tòa nhà này còn tốt hơn cả những tòa nhà mà Nhà nước xây cho dân tái định cư mới đây.

Ông Takanari Fujita đồng ý các khu tập thể cần được nâng cấp để phù hợp với đời sống đương đại, nhưng xóa bỏ chúng để xây mới sẽ không phải là một lựa chọn tốt, vì người dân và vì thành phố, bởi nhiều lẽ.

"Toàn bộ ký ức của những người dân sống ở đây có giá trị về lịch sử sẽ được lưu giữ thế nào khi các khu tập thể này biến mất. Cải tạo các khu tập thể cần nghiên cứu nó ở góc độ văn hóa và lịch sử để gắn kết nó với tương lai, không nhất thiết phải xây dựng lại hết các khu tập thể. Các kiến trúc sư và các nhà nhân học, dân tộc học phải ngồi với nhau để tạo ra không gian sống tốt nhất cho người dân", ông Takanari Fujita gợi ý.

ThS Trần Đức Tùng (Viện Nghiên cứu văn hóa) cũng có đề xuất tương tự, ông cho rằng Nhà nước phải nhìn nhận văn hóa cộng đồng ở khu tập thể trước khi đưa ra quyết định cải tạo hay phá dỡ các khu tập thể này.

Các khu tập thể ở Hà Nội có thật sự xuống cấp, cần xây mới hết? - Ảnh 5.

Một khu tập thể kẹp giữa những tòa nhà mới trên đường Giải Phóng - Ảnh: T.ĐIỂU

PGS.TS Phạm Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) thì đặt câu hỏi thẳng thắn tại hội thảo: Trong quyết định cải tạo, phá dỡ, chuyển đổi các khu tập thể thì chính quyền thành phố đã vì người dân, vì sự phát triển của thành phố hay vì lợi ích nhóm?

Nhà văn Vũ Công Chiến rất tâm đắc với câu hỏi này. Là một cư dân sống cả đời ở khu tập thể, ông lo lắng các đại gia bất động sản đang nhòm ngó các khu tập thể (chủ yếu trên đất vàng) giống như họ đã và đang nhòm ngó các cơ sở sản xuất, các nhà máy ở nội thành Hà Nội để nhồi nhét nhà cao tầng vào nội đô kiếm lợi lớn, bất chấp bao hệ lụy cho thành phố và cư dân.

Ông Chiến cho rằng việc cải tạo các khu tập thể ở Hà Nội lâu nay thể hiện sự lúng túng của các lãnh đạo thành phố về tầm nhìn, về quan điểm, khả năng tài chính khiến có nguy cơ bị các tập đoàn lợi ích nhóm dẫn dắt.

Hà Nội tính chi hơn 65.000 tỉ xây lại 4 khu tập thể Hà Nội tính chi hơn 65.000 tỉ xây lại 4 khu tập thể

TTO - UBND TP Hà Nội dự kiến chi hơn 65.000 tỉ đồng để phá dỡ, xây dựng lại 4 khu tập thể cũ ở quận Ba Đình. Nếu mọi việc đúng tiến độ, sẽ tiến hành phá dỡ trong quý 3-2023.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên