01/01/2021 06:58 GMT+7

Các HLV, VĐV nổi tiếng của Việt Nam trò chuyện đầu năm: Hướng đến một thời đại thể thao mới

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC ghi
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC ghi

TTO - Nhân ngày đầu năm mới, các VĐV, HLV nổi tiếng trong làng thể thao VN có cuộc trò chuyện với báo Tuổi Trẻ để nói về mong muốn đặc biệt trong năm 2021 - một năm hứa hẹn sẽ đầy ắp sự kiện.

Các HLV, VĐV nổi tiếng của Việt Nam trò chuyện đầu năm: Hướng đến một thời đại thể thao mới - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thật khi thi đấu trong màu áo CLB Lotto Soudal (Bỉ) - Ảnh: Lotto

Tâm sự trước thềm năm mới, VĐV và HLV bày tỏ tầm quan trọng của khoa học thể thao nhằm hướng đến một thời đại thể thao mới thay vì chỉ biết khổ luyện như lâu nay.

Tay đua Nguyễn Thị Thật: Xe đạp VN chỉ mới làm việc theo kinh nghiệm

Xe đạp cũng như nhiều môn thể thao khác, luôn đòi hỏi người VĐV phải có tố chất cùng đam mê. Nhưng có thành công hay không lại phụ thuộc nhiều vào sự khổ luyện cộng với dấu ấn của khoa học kỹ thuật. Từng được ra nước ngoài tập luyện và thi đấu, tôi nhận thấy rõ sự thiếu thốn về khoa học kỹ thuật của thể thao VN.

Dù việc tập luyện hầu hết cũng giống VN nhưng khác biệt với VN là VĐV ở châu Âu được yêu cầu đeo một chiếc đồng hồ theo dõi trong quá trình tập. Khi về nhà, VĐV sẽ kết nối vào hệ thống các thông số như khối lượng tập luyện, nhịp tim, năng lượng tiêu hao, tình trạng sức khỏe... sẽ được báo về ban huấn luyện quản lý. 

Từ đó, họ đưa ra điều chỉnh giáo án, bài tập phù hợp và cả chế độ dinh dưỡng để bù đắp năng lượng tiêu hao cho VĐV trong những ngày tiếp theo. Đặc biệt, các VĐV luôn được các bác sĩ, nhân viên săn sóc, vật lý trị liệu quan tâm.

Chưa hết, ở các nước có công nghệ phát triển, họ sử dụng các loại máy móc tối tân để đo từng chút một, làm gì cũng phải dựa trên thông số kỹ thuật để chọn ra chiếc xe phù hợp nhất, loại thiết bị phù hợp nhất, hay cách tập luyện tốt nhất cho từng VĐV. 

Ở VN, cho đến lúc này, đa phần mọi người vẫn còn làm việc theo cảm tính, cảm thấy ổn thì cho là ổn thôi chứ không có chứng minh cụ thể. Tuy ban huấn luyện nào ở Việt Nam cũng muốn áp dụng những phương thức tiên tiến cho VĐV của mình nhưng điều kiện không cho phép.

Cựu HLV tuyển bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị: Hơn nhau là ở khoa học

Đào tạo VĐV bóng chuyền dù mỗi nơi mỗi khác nhưng hơn nhau ở việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Và điều đó sẽ đóng góp quyết định quan trọng đến thành, bại trong bóng chuyền. Trong thế giới thông tin ngày nay, chúng ta dễ dàng tiếp cận các kỹ thuật mới, lối đánh mới. Nhưng có làm được hay không lại do cái "nền căn bản" được huấn luyện từ nhỏ quyết định.

Vì vậy, khoa học nên được áp dụng ngay từ khâu tuyển chọn ban đầu dựa trên năng khiếu, hình thái cơ thể (chiều cao, sải tay, độ hõm bàn chân...) và từ phân tích nhóm cơ của VĐV (VĐV bóng chuyền cần cơ thon để có độ nhanh, bật cao...). 

Bài kiểm tra sẽ chuẩn nếu dùng máy móc hiện đại và phương pháp y sinh để phân tích hình thái cơ thể, thống kê di truyền, dinh dưỡng... từ đó đánh giá được thể hình, tiềm năng phát triển cũng như độ linh hoạt, khả năng phản xạ của VĐV. Hiện nay, một số CLB ở Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các phương pháp này nhưng chưa đủ và không đồng đều.

Khi đã lên đỉnh cao thì VĐV vẫn cần sự trợ giúp của khoa học. Từ những năm 1990, bóng chuyền chuyên nghiệp đã sử dụng máy phân tích đường bóng để phục vụ thi đấu. Ví dụ, họ sẽ tìm hiểu quả bóng Mikasa có quỹ đạo bay thế nào, rơi ra sao so với quả bóng Molten để điều chỉnh tập luyện cho VĐV trước giải. 

Rồi những thống kê để chỉ ra lỗi kỹ thuật của VĐV để khắc phục. Nhưng thông dụng nhất hiện nay là các phần mềm dữ liệu phân tích kỹ chiến thuật của đối phương để có phương án ứng phó.

Kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn: Mong năm 2021 sẽ bình thường

Suốt cả năm qua, giới VĐV chúng tôi lao đao vì dịch bệnh. Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, VĐV bơi lội chúng tôi phải sống xa hồ bơi nhiều tuần lễ. Khi đó tôi lo lắm.

Đại dịch làm cuộc sống của ai cũng bị xáo trộn nhưng các VĐV khác còn được tập luyện mỗi ngày, chúng tôi lại không. Mà những ngày đó ở Đà Nẵng rất u ám, chúng tôi không biết khi nào tình hình dịch bệnh mới chấm dứt.

kim son ngay 31-12 1(read-only)

Vượt qua một năm 2020 đầy khó khăn, Kim Sơn đang hướng đến năm 2021 với những giải đấu sôi động - Ảnh: T.Phúc

Thật ra chúng tôi cũng không hoàn toàn nghỉ tập luyện trong giai đoạn đó. Các HLV và một số đàn anh giàu kinh nghiệm như anh Hoàng Quý Phước chỉ cho tôi các bài tập trên cạn phù hợp với bơi lội, duy trì thể lực.

Nhưng nói thì nói vậy chứ khó lắm, thể lực để chạy nhảy nó khác hẳn thể lực khi xuống nước. Tập cạn chủ yếu là để các VĐV đừng quá ù lì, tăng cân, kém linh hoạt đi sau mùa dịch thôi.

Tôi kể lại một chút vậy để mọi người hiểu các VĐV gặp khó thế nào trong mùa dịch. Sau tất cả, khi những ngày u ám đã qua đi, chúng tôi vẫn chưa thể tham gia nhiều giải đấu để tăng tính cọ xát.

Không được thi đấu các giải lớn, đôi lúc tôi cảm thấy đời mình vô nghĩa lắm. Điều tôi mong mỏi nhất trong năm 2021 là đất nước mình và cả thế giới sớm kiểm soát được đại dịch để cuộc sống của VĐV chúng tôi sớm trở lại bình thường.

Kim Sơn bơi qua những ngọn sóng Kim Sơn bơi qua những ngọn sóng

TTO - Với hầu hết VĐV, tuổi 18 là lúc bắt đầu, nhưng với kình ngư từng được xem là “thần đồng bơi lội” Nguyễn Hữu Kim Sơn, anh đã trải qua không ít sóng gió trong sự nghiệp khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên