21/09/2020 10:10 GMT+7

Các dự án lớn 'đứng hình' vì giải phóng mặt bằng ì ạch: thiệt hại vô kể

NGỌC ẨN - TUẤN PHÙNG
NGỌC ẨN - TUẤN PHÙNG

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra "tối hậu thư" cho việc giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy tiến độ một số công trình trọng điểm. Nhưng nhiều dự án vẫn khó khăn…

Các dự án lớn đứng hình vì giải phóng mặt bằng ì ạch: thiệt hại vô kể - Ảnh 1.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn giao quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM phải dừng thi công vì chưa có mặt bằng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đến giữa tháng 9-2020, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (Long An, TP.HCM và Đồng Nai) dài 57,1km dù chỉ còn vướng giải tỏa hơn 1% số hộ dân nhưng ở các vị trí quan trọng nên kế hoạch thông xe 20km đầu tiên của dự án này cũng "đứng hình".

Hộ dân khiếu kiện và chủ đầu tư thiếu vốn

Đi cùng một kỹ sư vào công trường xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành từ đoạn nút giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Long An) đến đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) dài khoảng 20km, mọi người đều cảm thấy vui vì tuyến cao tốc đã có hình hài. Khoảng 12km đường cao tốc đã được láng nhựa trên mặt đường rộng 24m cho 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp.

Thế nhưng ở đoạn còn lại bị "thắt eo" 3 đoạn vì vướng đền bù giải tỏa. Một kỹ sư cho biết ở đoạn giao với quốc lộ 1 và phía bên trong quốc lộ 1 vẫn còn 5 hộ, còn đoạn giao với quốc lộ 50 còn 12 hộ, tất cả đều ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), chưa đền bù giải tỏa. Vì vậy, hạng mục xây cầu vượt thứ hai vượt quốc lộ 50 cũng chưa thực hiện được.

Tương tự, dự án này bị đình trệ ở đoạn giao với quốc lộ 51 thuộc địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vì còn 29 hộ chưa giải tỏa. Theo ban quản lý dự án, trong số hộ chưa giải tỏa, có hộ chưa nhận tiền vì đang khiếu nại đơn giá bồi thường chưa hợp lý. Có hộ mặt tiền ở quốc lộ 51 đề nghị tăng thêm một suất tái định cư...

Làm việc với chủ đầu tư dự án, tỉnh Đồng Nai dự kiến thực hiện cưỡng chế 12 hộ. Đối với một số trường hợp ban quản lý dự án đã đề nghị chuyển tiền bồi thường vào Kho bạc Nhà nước, sẽ tiến hành vận động người dân và có biện pháp hành chính để bàn giao mặt bằng thi công đối với số hộ đã được giải quyết các khiếu nại, thắc mắc.

Ông Lê Mạnh Hùng - giám đốc Ban quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (chủ đầu tư dự án) - cho biết đến tháng 9-2020, tổng vốn đền bù giải tỏa cho các hộ dân còn lại và một số hạng mục công trình cần 97 tỉ đồng. Thế nhưng việc cấp tiền đền bù giải tỏa cho dự án đang rất khó khăn. Do đó, ban quản lý dự án đề nghị trước mắt cần cấp 40 tỉ đồng để chi trả trước cho các hộ dân cần giải tỏa cấp bách.

Đường cao tốc Bắc - Nam cũng vướng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Quang Hiển - phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT - cho biết tại các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đến thời điểm hiện tại đã đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng khoảng 91,1% chiều dài tuyến (594,4km/652,77km).

Tuy nhiên, vướng mắc chính hiện nay là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (như đường điện, đường cáp quang) và xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

Trong tổng số 108 khu tái định cư phấn đấu hoàn thành xây dựng trong quý 3-2020, số đang triển khai thi công tới 50 khu, đang lựa chọn nhà thầu 4 khu, đang thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế 5 khu…

Cũng theo ông Hiển, để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT đã và đang thường xuyên làm việc với các địa phương để đảm bảo đầy đủ nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với các địa phương có văn bản báo cáo Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Nhiều thiệt hại không tính hết

Hạng mục đền bù giải tỏa tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được giao các địa phương TP.HCM, Long An và Đồng Nai thực hiện (tổng tiền đền bù 3.730 tỉ đồng).

Theo ban quản lý dự án đường cao tốc, các nhà tài trợ (các tổ chức quốc tế cho vay vốn) đã đặt ra yêu cầu mặt bằng phải được giải phóng toàn bộ trước khi triển khai dự án và không có sự khiếu kiện của người dân. Nếu giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài, có khả năng giá vật tư xây dựng không còn phù hợp, từ đó nhà thầu thi công bị lỗ dẫn đến việc khó khăn cho công tác xây dựng.

Thế nhưng sau gần 7 năm thực hiện đền bù giải tỏa dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đến tháng 9-2020 vẫn còn 44 hộ vướng giải tỏa.

Chính việc vướng giải tỏa trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM khiến chủ đầu tư không thể nào thực hiện kế hoạch thông xe 20km đầu tiên của tuyến cao tốc này vào cuối năm 2018 và kéo dài đến nay. 

Nếu thông được xe đoạn cao tốc dài 20km này sẽ giúp luồng xe từ Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè) lưu thông về các tỉnh miền Tây (hoặc ngược lại) rất thuận lợi, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1 và rút ngắn thời gian lưu thông trên tuyến đường từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây.

Tương tự, nếu toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được thông xe sớm sẽ kéo giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường trong nội đô TP. Bởi vì các tỉnh miền Tây sẽ đi theo cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành để đến du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh hơn, hàng hóa từ cảng biển Cái Mép - Thị Vải cũng về các tỉnh nhanh, thuận lợi hơn. 

Điều này cho thấy chậm giải phóng mặt bằng, công trình chậm đưa vào sử dụng đã gây thiệt hại rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ, thậm chí có những thiệt hại không thể tính bằng tiền.

Cưỡng chế để có mặt bằng

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết đã bàn giao mặt bằng cho dự án hơn 99% (tổng số hộ ảnh hưởng đến hơn 1.100), hiện tại chỉ còn 15 trường hợp chưa bồi thường xong do vướng những vụ kiện.

Trong đó, có 4 trường hợp tranh chấp về thừa kế trong gia đình với nhau, UBND huyện phải chờ kết quả giải quyết của tòa án mới xác định người được bố trí tái định cư để thực hiện những thủ tục thu hồi đất tiếp theo. 11 trường hợp còn lại người dân đang kiện UBND huyện Bình Chánh ra tòa vì không đồng ý giá bồi thường, hỗ trợ.

Các vụ án đang được tòa án có thẩm quyền xét xử, có vụ đã đến giai đoạn phúc thẩm, có vụ còn ở cấp sơ thẩm. UBND huyện đã đề nghị các tòa án sớm đưa vụ việc ra xét xử để người dân bàn giao mặt bằng.

UBND huyện cũng đã lên kế hoạch cưỡng chế bàn giao mặt bằng đối với một số trường hợp. Dự kiến đến tháng 12 năm nay, huyện Bình Chánh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án cho nhà đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. (D.N.HÀ)

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: hai lần lỡ hẹn

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 57,1km, giúp người dân miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM. Dự án cũng kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng từ Bangkok qua Phnom Penh, TP.HCM - Vũng Tàu.

Khởi công ngày 19-7-2014 với vốn đầu tư 31.320 tỉ đồng (1,6 tỉ USD), dự kiến hoàn thành năm 2018, sau đó được điều chỉnh hoàn thành năm 2020, đến nay dự án này tiếp tục lùi thời gian hoàn thành đến cuối năm 2023.

Sân bay Long Thành: giao 1.800 hecta đất sạch đúng hạn

khu vực hơn 1800 ha sẽ bàn giao trong tháng 10 làm sân bay (3) 2(read-only)

Khu vực hơn 1.800 ha sẽ bàn giao trong tháng 10 làm sân bay Long Thành - Ảnh: HÀ MI

Đó là khẳng định của tỉnh Đồng Nai, sau khi Thủ tướng Chính phủ ra "tối hậu thư" khẩn trương giao đất sạch để làm dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bởi theo cam kết, tháng 10-2020 Đồng Nai phải giao mặt bằng sạch hơn 1.800ha giai đoạn 1 để chủ đầu tư sớm khởi công dự án sân bay.

Theo ghi nhận, những ngày này ở khu vực làm dự án sân bay Long Thành, nhiều nhóm nhân công đã đến các vườn cao su tổ chức đốn hạ và chở đi để có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất mà Đồng Nai phải thực hiện thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành là hơn 5.000ha. Trong đó, khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có diện tích hơn 1.800ha. Đồng Nai đã cam kết với Chính phủ nên đến nay các thủ tục thực hiện thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ cho toàn bộ diện tích này đã được hoàn thành.

Dự kiến trong năm 2021, chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Khu vực hơn 1.800ha phần lớn là diện tích cao su. Ông Lê Văn Tiếp - phó chủ tịch UBND huyện Long Thành - nói "việc cưa, cắt các vườn cây cao su sẽ hoàn thành trước thời điểm tháng 10-2020".

Về tái định cư cho dân, đại diện Ban quản lý dự án tỉnh Đồng Nai cho hay khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã khởi công xây dựng từ nhiều tháng qua và đang được gấp rút thi công hạ tầng kỹ thuật để kịp tái định cư cho dân, lấy mặt bằng làm sân bay.

Ông Lê Văn Tiếp cho biết cuối tháng 9 này huyện bắt đầu xét duyệt tái định cư, tổ chức bốc thăm nhiều đợt. Sau khi bốc thăm, người dân sẽ biết được vị trí đất tái định cư của mình và thực hiện tiếp các thủ tục để người dân xây dựng nhà cửa.

Ông Tiếp nói: "Nếu chủ đầu tư yêu cầu phải bàn giao toàn bộ diện tích hơn 1.800ha trong tháng 10, địa phương sẽ hỗ trợ tiền tạm cư cho các hộ dân trong thời gian chờ hoàn thành xây nhà cửa tại khu tái định cư". (HÀ MI)

Thủ tướng ra tối hậu thư giải phóng mặt bằng nhiều dự án trọng điểm Thủ tướng ra tối hậu thư giải phóng mặt bằng nhiều dự án trọng điểm

TTO - Nhiều công trình trọng điểm ngành giao thông như dự án xây dựng một số đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành... được Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với thời hạn cụ thể.

NGỌC ẨN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên