Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (bên phải) gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn - Ảnh: T.T.D
Bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Việt Nam - cho biết ở góc độ vĩ mô, mấu chốt hiện nay là TP.HCM cần đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực, không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn tăng trưởng đầu tư hiện có ở đây.
Các doanh nghiệp AmCham quan tâm việc tạo ra một hệ thống quy định pháp luật công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới. Điều đó có nghĩa TP cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản các quy định, nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, chính sách có tính ổn định và nhất quán hơn.
"Chúng tôi muốn hợp tác về cải cách hành chính và các giải pháp thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Ngoài ra, AmCham muốn phát triển thêm khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam bằng việc tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở địa phương, bao gồm thông qua chuyển đổi số và các chương trình nâng cao năng lực khá", bà Mary Tarnowka đề xuất.
Các doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM đã đề xuất nhiều ý kiến đóng góp vào quá trình phát triển của TP - Ảnh: T.T.D
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng đưa ra một số kiến nghị và góp ý để cải thiện môi trường đầu tư của thành phố. Trong đó, khuyến nghị Chính phủ và những cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ... Đây là biện pháp để khơi thông, phát triển du lịch.
Theo ông Jean Jacques Bouflet - phó chủ tịch EuroCham, dưới tác động của đại dịch COVID-19, giờ đây du khách đi du lịch với tần suất ít hơn song lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch.
"Chúng tôi kiến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày để bắt kịp với xu hướng mới trong du lịch, từ đó nâng cao khả năng thu hút du khách đến Việt Nam nhằm tối đa hóa lợi nhuận có thể đạt được từ du khách quốc tế. Các tour du lịch tại Việt Nam thường bị cắt ngắn để tương thích với thời gian 15 ngày miễn thị thực, điều này là tổn thất với du khách khi không đủ thời gian khám phá Việt Nam và cũng là tổn thất về lợi nhuận cho ngành du lịch", ông Jean Jacques Bouflet nêu.
Ông Mr Hirai Shinji - trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP.HCM - lại bày tỏ những ý kiến đóng góp về môi trường đầu tư của TP và định hướng cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM đến năm 2030.
Trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã từng xem Việt Nam là địa điểm sản xuất có nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, theo khảo sát của JETRO gần đây, điểm hấp dẫn nhất trong môi trường đầu tư của Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường. Theo kết quả khảo sát này thì TP.HCM đang và sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, ông Shon Young Il - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) - cho rằng TP.HCM được dự đoán sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng giao thông, bắt đầu từ việc khai trương tuyến metro số 1 sắp tới. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện hệ thống kho vận của cảng Cát Lái, đơn vị phụ trách kho vận của TP.HCM và khu vực phía Nam dường như vẫn còn chậm chạp.
"Chúng tôi mong thành phố quan tâm hơn đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầng cao hơn, chẳng hạn như vận hành hệ thống giao thông linh hoạt thông qua hệ điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thay vì hệ thống giao thông thống nhất. Mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp", ông Shon Young Il nêu ý kiến.
Ông Trần Phước Anh, giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM (bìa phải), trao đổi với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: T.T.D
Trao đổi với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận qua ý kiến góp ý của các đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề nổi lên là TP phải hành động nhiều hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số…
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết từ tháng 6-2022, TP sẽ triển khai nền tảng số để có kết nối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên hơn. Theo đó, ngoài các cuộc gặp gỡ định kỳ, TP sẽ tổ chức thêm những cuộc gặp gỡ trực tuyến để trao đổi thông tin về chính sách, định hướng cũng như giải quyết kịp thời các vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài gặp phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận