Phóng to |
Các doanh nghiệp VN đầu tư ra nước ngoài đang tập trung chủ yếu ở ngành khai khoáng. Lào đang là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của VN... Trong ảnh, công nhân Công ty Đường Lâm vận hành máy lọc titan tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình, Bình Thuận - Ảnh: Hữu Thành |
Các dự án của doanh nghiệp VN tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỉ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỉ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư); công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỉ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%.
Về địa bàn đầu tư, theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp VN không chỉ tập trung đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực Châu Phi, Châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như Úc, Mỹ, Singapore, Nhật Bản… với tổng số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số đó, Lào đứng vị trí thứ nhất với 227 dự án với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỉ USD, Campuchia đứng vị trí thứ 2 với 129 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,7 tỉ USD, tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 15,2% vốn đầu tư), Venezuela (11,8% vốn đầu tư) và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, Bộ Công thương thừa nhận các cơ quan đại diện của VN ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các Thương vụ chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Một số cơ quan đại diện của VN ở nhiều nước thậm chí còn không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư, trong khi đó các nhà đầu tư cũng không chủ động gặp gỡ, báo cáo tình hình hoạt động của dự án.
“Đây là nguyên nhân căn bản làm cho các nhà đầu tư lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước sở tại” - báo cáo của Bộ Công thương viết.
Theo kinh nghiệm một số nước, Chính phủ thường thành lập cơ quan có vai trò hỗ trợ về xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (như JETRO của Nhật Bản, hoặc KOTRA của Hàn Quốc) để giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài, Bộ Công thương cho rằng VN hiện mới chỉ tập trung xúc tiến thu hút đầu tư từ nước ngoài vào VN, còn việc xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa được chú trọng.
Bản thân quyết định số 4376/QĐ-BCT năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thương vụ tại nước ngoài, nhiệm vụ của các tham tán giúp lãnh đạo bộ quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa được đề cập rõ nét.
Vì vậy, Bộ Công thương xác định sẽ cần phải xây dựng cơ chế và sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan để hỗ trợ các cơ quan thương vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận