05/01/2012 08:15 GMT+7

Các CLB ủng hộ VPF

K.XUÂN ghi
K.XUÂN ghi

TT - Khi cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VFF, VPF, AVG vẫn chưa ngã ngũ, các CLB tại Super League - cổ đông của VPF - đã lên tiếng ủng hộ cách làm của ông Nguyễn Đức Kiên và hội đồng quản trị Công ty VPF.

TT - Khi cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VFF, VPF, AVG vẫn chưa ngã ngũ, các CLB tại Super League - cổ đông của VPF - đã lên tiếng ủng hộ cách làm của ông Nguyễn Đức Kiên và hội đồng quản trị Công ty VPF.

Khá nhiều CLB đều cho rằng cách làm của VPF nhằm tăng giá trị hợp đồng, giảm thời gian của hợp đồng bản quyền truyền hình là hợp lý, phù hợp với thông lệ và tăng quyền lợi của các CLB về lâu dài. Dưới đây là một số ý kiến.

Ông Nguyễn Minh Sơn (chủ tịch CLB Becamex Bình Dương):

VFF làm mất quyền lợi các CLB

Trong khi bản quyền truyền hình vẫn chưa ngã ngũ giữa VFF, VPF và AVG, việc tường thuật trực tiếp các trận đấu ở sân Gò Đậu (Bình Dương) vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên các bên nên sớm ngồi lại với nhau bàn bạc và đưa ra cách giải quyết để tất cả trận đấu của Super League đều được truyền hình trực tiếp. Đây là điều các CLB mong muốn nhất bởi giúp nhiều người có thể theo dõi các trận đấu, CLB có điều kiện bán được nhiều quảng cáo trên sân và nhà tài trợ cũng sẽ mặn mà hơn đối với đội bóng. Vì vậy B.Bình Dương rất ủng hộ cách làm của anh Kiên và VPF hiện nay khi tìm cách ký lại hợp đồng với giá trị cao hơn, thời hạn rút ngắn hơn.

Ông Lê Tiến Anh (chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa):

Hãy để CLB được bán cái họ có

Sản phẩm của bóng đá cuối cùng là để phục vụ người hâm mộ qua việc xem trên sân cùng trên truyền hình. Và sản phẩm bán được từ bóng đá là quảng cáo. Các CLB phải đầu tư nhiều tỉ đồng cho bóng đá nhưng họ lại không được bán cái mà họ có. Giờ đây nên trả cái của các CLB về cho các CLB là quyền được bán bản quyền truyền hình các giải đấu mà họ tham gia. Điều quan trọng của bóng đá là làm sao đến được đông đảo quần chúng.

Tôi không quan tâm đến việc VFF hay VPF sẽ bán lại bản quyền truyền hình cho ai mà quan tâm đến việc giá bán phải là giá trị thật của giải đấu. Giá mà VFF bán cho AVG một năm không bằng giá tiền mua một cầu thủ thì không chấp nhận được. 28 CLB hiện nay trung bình đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm cho bóng đá, thế mà giá trị thu về chỉ là 6 tỉ đồng/năm cho bản quyền truyền hình là sự bất hợp lý. Ở các nước châu Âu, bản quyền truyền hình phải chiếm tối thiểu 60-70% nguồn thu của các CLB. Hợp đồng mà VFF ký với AVG vừa không đáp ứng được yêu cầu về tài chính, không đáp ứng sự phát triển của bóng đá VN và thời gian của hợp đồng là vô lý.

Ông Hồ Văn Chiêm (giám đốc điều hành CLB SLNA):

Sự chịu đựng cũng có giới hạn

Mỗi trận đấu chỉ cần một đài trực tiếp đã có khoảng 30 người ra, vào sân để tác nghiệp. Nếu ba đài truyền hình trực tiếp, phải có khoảng 100 người ra, vào sân để làm công tác truyền hình. Việc này hết sức khủng khiếp trong việc quản lý của ban tổ chức các sân. Tôi không đồng ý với cách làm này. Nếu sự việc vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ có phản ứng lên ban tổ chức giải. Sự chịu đựng của các CLB cũng có giới hạn và có thể chúng tôi không chấp nhận các đài tác nghiệp trên sân gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức trận đấu.

Ông Phạm Văn Lệ (giám đốc điều hành CLB Ximăng The Vissai Ninh Bình):

Nên giải quyết êm thấm

Chúng tôi ủng hộ cách làm của VPF trong việc tìm cách nâng giá trị và giảm thời gian bản quyền truyền hình. Làm sao để có nhiều người theo dõi Super League là điều quan trọng nhất. Vì vậy VFF, VPF, AVG nên ngồi lại để thống nhất mọi chuyện cho êm thấm.

Ông Huỳnh Mau (giám đốc điều hành CLB HAGL):

Cổ đông kỳ vọng vào VPF

Các CLB rất kỳ vọng vào VPF sẽ có phương pháp, cơ chế làm mới để mọi việc tốt hơn. Việc truyền hình trực tiếp có ý nghĩa rất quan trọng đối với các trận đấu. Trận đầu tiên trên sân Gia Lai có khoảng 6.000 khán giả là tín hiệu tốt và tạo thuận lợi trong việc bán biển quảng cáo trên sân.

K.XUÂN ghi

 VPF “kéo” các bộ vào cuộc

Sau khi AVG gửi văn bản đến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị bộ kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan đến hợp đồng đã ký với VFF vào ngày 3-1, ngày 4-1 VPF đã có công văn do ông Nguyễn Đức Kiên phó chủ tịch hội đồng quản trị, ký gửi Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Thông tin - truyền thông đề nghị xem xét tính hợp pháp hợp đồng về bản quyền truyền hình của VFF với AVG.

Công văn nêu rõ dù VPF luôn mong muốn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ VFF nhưng VPF nhận thấy nếu thực hiện hợp đồng nói trên sẽ không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành như khoản 2 điều 53 Luật TDTT năm 2006 và điều 12 nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ quy định về sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp...Mặt khác, trong thời điểm AVG ký hợp đồng mua bản quyền truyền hình từ VFF, AVG vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực truyền hình.

“Để tạo điều kiện được hiểu và thực thi đúng quy định pháp luật, VPF kiến nghị quý bộ xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG. Rất mong quý bộ sớm xem xét và kết luận để VPF có cơ sở pháp lý thực hiện đúng quyền hạn của mình, đảm bảo quyền lợi của các CLB bóng đá và vì sự phát triển của bóng đá VN”, công văn viết. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết VPF sẽ thực hiện mọi chỉ đạo của VFF trên cơ sở đúng luật. Riêng vấn đề bản quyền truyền hình vì chưa có sự đồng ý của các CLB nên theo ông Kiên, đây là hợp đồng vô hiệu.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, đã thay mặt thường trực VFF ký công văn gửi VPF với nội dung không thừa nhận quyền sở hữu bản quyền các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp VN thuộc về VPF.

Trong công văn, VFF dẫn giải nhiều quy định trong điều lệ VFF để quy định về quyền sở hữu của VFF đối với các giải đấu này và về vấn đề bản quyền truyền hình. Về việc VFF ủy quyền cho VPF điều hành, tổ chức, quản lý các giải bóng đá quốc gia từ mùa giải 2012, công văn ghi: “VPF phải hoàn thành các thủ tục để trở thành thành viên chính thức của VFF và VPF phải hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN từ VFF. Đến hôm nay 4-1, VPF vẫn chưa đáp ứng được cả hai điều kiện này nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý”.

Từ những luận điểm trên, VFF cho rằng: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp VN của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao VN cũng như không tôn trọng VFF... Thường trực ban chấp hành VFF đề nghị hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua. VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh”.

K.XUÂN

K.XUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên