Tế bào ung thư. Ảnh: medicalnewstoday.com
Các nhà khoa học tại Nhật Bản đã tạo ra bộ dụng cụ sinh học độc nhất vô nhị có thể phát hiện 15 dạng ung thư khác nhau với độ chính xác 85%, chi phí chưa đến 90 USD (khoảng 2 triệu đồng) từ một loài ký sinh trùng.
Bộ dụng cụ trên sử dụng giun tròn – loài ký sinh sống trong ruột chó, mèo và con người sau khi ăn thịt, cá chưa được nấu chín. May thay, phương pháp này không đòi hỏi sự tương tác giữa bệnh nhân và các ký sinh trùng. Trên thực tế, bệnh nhân chỉ cần nộp một mẫu nước tiểu để xét nghiệm.
Tiến sĩ Taakaki Hirotsu, Chủ tịch công ty Hirotsu Bio Science tiến hành thí nghiệm trên, đã giải thích về ý tưởng đằng sau công nghệ tiên phong trên. Ông cho biết phương pháp này dựa trên phản ứng chuyển động của giun tròn đối với chất kích thích hóa học. Chúng sẽ di chuyển hướng về mùi hương mà chúng thích cũng như tránh xa khỏi thứ chúng không thích. Về cơ bản, việc giun di chuyển gần về phía nước tiểu của bệnh nhân có thể giúp xác định họ mắc ung thư hay không. Đó là một dạng phân tích ung thư hoàn toàn mới, chưa từng được biết trước đây.
Nhà khoa học sinh học này lý giải rằng khả năng đánh hơi ung thư của loài chó chính là bước khởi đầu cho nghiên cứu của công ty Hirotsu Bio Science. 'Nếu chó có thể đánh hơi phân biệt người mắc ung thư và người không mắc ung thư, loài giun tròn với khứu giác nhạy bén gấp 1,5 lần chó và có thể nhận ra mùi hôi mà nhiều thiết bị không thể phát hiện được, chúng cũng sẽ phân biệt được một người bệnh với một người khỏe mạnh', ông Taakaki Hirotsu nói.
Giả thuyết trên của ông Hirotsu đã được chứng minh là đúng đắn. Kết quả thử nghiệm cho thấy giun tròn có khả năng đáng kinh ngạc khi tụ tập xung quanh nước tiểu của người bệnh, trong khi ít quan tâm đến nước tiểu của người khỏe mạnh. Nghiên cứu lâm sàng đã được tiến hành tại 17 cơ sở trên khắp Nhật Bản trong hai năm qua.
Theo Hirotsu Bio Science, phương pháp thử nghiệm của họ không chỉ phát hiện 15 loại ung thư khác nhau mà còn cho kết quả sớm các biện pháp thông thường. Tỷ lệ chính xác trung bình của bộ dụng cụ giun tròn này là 86,8%, trong đó có 85% cho các phát hiện sớm.
Hiện tại, bộ dụng cụ giun tròn có thể nhận thấy sự hiện diện của tế bào ung thư song chưa thể xác định loại bệnh. Ông Hirotsu cho biết việc xác định loại bệnh chính là mục tiêu tiếp theo trong nghiên cứu.
'Chúng tôi đang tạo ra một loài giun đặc biệt bằng cách thay đổi gen của chúng, cho phép xác định một dạng ung thư cụ thể. Chúng tôi đã đặt mục tiêu tạo ra loài giun tròn có thể xác định bệnh khó chẩn đoán như ung thư tuyến tụy, đồng thời triển khai các dạng phân tích trong giai đoạn 2 năm', nhà khoa học này lưu ý.
Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm có đến trên 8 triệu người chết vì ung thư và con số này dự kiến tăng 50% trong các thập kỷ tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận