19/10/2020 09:37 GMT+7

Các anh sống mãi trong lòng dân

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - "Phẩm chất đạo đức và sự dũng cảm của các đồng chí luôn sống mãi trong tim của đồng đội và nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ, giữ bình yên cho nhân dân"...

Các anh sống mãi trong lòng dân - Ảnh 1.

Người dân TP Huế đứng dọc các tuyến đường tiễn đưa các chiến sĩ, cán bộ hi sinh trong đoàn cứu nạn vụ sạt lở Rào Trăng 3 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Trung tướng Đỗ Doãn Anh, tư lệnh Quân khu 4 - trưởng ban tang lễ, đọc điếu văn trong lễ truy điệu những đồng đội hi sinh ở trạm 67 - những cán bộ, chiến sĩ đến phút cuối cùng vẫn sống vì dân...

Vì nhân dân phục vụ

Huế, sáng chủ nhật 18-10 trời bất ngờ ngừng mưa dù đêm qua mưa đổ xối xả. Người dân Huế nối thành hàng dài chờ được vào thắp cho 13 liệt sĩ một nén hương. Sự kính cẩn và tiếc thương của người dân là thước đo cao nhất cho sự hi sinh. Băng rừng trong mưa và ngã xuống bởi trận lở núi ở trạm 67, 13 cán bộ chiến sĩ giữ trong mình một mệnh lệnh phải đến thủy điện Rào Trăng 3, nơi có những người dân cần mình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (69 tuổi, TP Huế) cùng con gái đến Bệnh viện Quân y 268 từ sáng sớm. Nhìn 13 linh cữu phủ kín cờ Tổ quốc khiến bà nhớ đến chồng mình. Chồng bà Lan một đời quân nhân, rời khỏi chiến trường với những vết thương. Ông từng kể cho bà Lan nghe về những người đồng đội lao về phía trước dù vết thương vẫn chưa lành. Là một người mang màu áo lính, vì nhân dân họ sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình.

Hôm nay, bà Lan đã thấu rõ những gì chồng mình từng kể. "Tôi chắc chắn nếu ông còn sống ông sẽ đến viếng. Lính thời bình hay thời chiến thì cũng vì nhân dân mà phục vụ" - bà Lan trải lòng. Bà Lan lau nước mắt khi bước ra ngoài, con gái bà phải dìu và động viên để bà không quá xúc động. Bà Lan bảo: "Tôi thắp và bái lạy cho cả chồng mình".

Các anh sống mãi trong lòng dân - Ảnh 2.

Nỗi đau của người thân tại lễ truy điệu 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh tại tiểu khu 67 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người lính chẳng ngại hi sinh

Khăn tang phủ kín từ sân vào tận bên trong nhà tang lễ, vây quanh 13 linh cữu phủ kín cờ Tổ quốc là những người mặc áo lính. Ai nấy mắt đỏ hoe, trong mỗi người có những cảm xúc khác nhau nhưng có lẽ cùng chung nỗi xót xa. Cảm xúc đã ngự trị trong thời khắc lễ viếng tang và lễ truy điệu.

Những người lính già, từng bước qua trận mạc chiến tranh, được người thân đưa đến viếng 13 người vừa mới ngã xuống vì nhân dân. Đại tá Phạm Văn Tăng, nguyên hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, đã gần 80 tuổi, ngồi giữa những người lính già như mình đầy tâm trạng. 

Khi linh cữu thiếu tướng Nguyễn Văn Man được di chuyển ra ngoài, đại tá Tăng bảo: "Lính là vậy đó, có hi sinh cũng không ngại, thời chiến hay thời bình gì cũng sẵn sàng ra tiền tuyến để cuộc sống người dân bình yên".

Ông Tăng cho biết lâu rồi ông mới mặc lại bộ quân phục này, ngày thường ông để trong tủ, khi có các dịp lễ tết mới mang ra mặc. Người lính không muốn bi lụy, phải kiên định và mạnh mẽ, nhưng hôm nay đại tá Tăng trải lòng: "Thú thật tôi khó kềm nén cảm xúc của mình. Sáng nay khi chuẩn bị đi viếng thì hay tin hơn 20 đồng đội khác gặp nạn ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Những tổn thất thời bình thật sự quá xót xa".

Tiếng nhạc lễ truy điệu khắc khoải và trang nghiêm, khiến nhiều người lính mạnh mẽ là thế nhưng khi viếng xong đồng đội, bước ra khỏi nhà tang lễ nước mắt cứ lăn dài. Ban tổ chức tang lễ đọc những đoàn viếng cứ nối dài với những binh chủng, lực lượng quân đội... Có lẽ ông trời cũng muốn các anh được bình yên về với đất mẹ.

Trong tiếng khóc của gia quyến các liệt sĩ, những người lính rưng rưng khi nhìn linh cữu đồng đội được đưa lên xe trong giờ khắc về nhà trong giờ phút sau cuối nơi nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268. Nhiều người dân đã đứng dọc các tuyến đường ở TP Huế tiễn đưa 13 liệt sĩ. Sự hi sinh của các anh còn mãi trong lòng nhân dân, đồng đội...

Từ tâm lũ tới tiễn đưa người vừa cứu trợ mình

20201018_074428 1(read-only)

Người dân vào viếng các chiến sĩ - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Những người từ tâm lũ, dù gương mặt vẫn hằn sự mệt mỏi, cũng đã không quản ngại để đến đưa tiễn những cán bộ, chiến sĩ mà có người mới hôm nào vừa đến trao quà cứu trợ mình.

Trong tang lễ 13 cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi thấy cả những người dân từ tâm lũ huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), tâm lũ huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

10 ngày chống chọi 3 trận lũ, người dân dọc sông Ô Lâu khuôn mặt in hằn vẻ mệt mỏi nhưng không ngăn được họ vượt lũ đến tiễn đưa những người ngã xuống nơi tuyến đầu. Ông Trần Thanh Phong (79 tuổi, huyện Hải Lăng) được người cháu nội chở đến, ông được bố trí cho một chiếc ghế để ngồi. Nghe đọc điếu văn, nước mắt ông đổ dài. "Tôi vào viếng thiếu tướng Nguyễn Văn Man, đợt lũ vừa rồi ông có vào nhà tôi cứu trợ" - ông Phong nói.

Còn ông Tư Minh cùng sáu người từ tâm lũ xã Bình Hòa, nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Bình đến cứu trợ trước khi lên đường vào Rào Trăng 3, lặng lẽ đứng phía sau cuối trong số những người dân đến viếng, ống quần vẫn còn ướt. Cả nhóm chờ mãi cho đến khi liệt sĩ cuối cùng được đưa về nhà.

Ông Minh bảo rằng sống ở vùng năm nào cũng có lũ và năm nào cũng được bộ đội giúp đỡ, nên người dân những vùng khó khăn như ông rất yêu quý bộ đội. "Bộ đội tốt lắm, mấy ngày qua, chỗ tôi không có điện nhưng vẫn ráng sạc pin một cái điện thoại để theo dõi thông tin vụ Rào Trăng 3. Biết hôm nay làm lễ truy điệu nên nhóm chúng tôi đại diện người làng đến thắp hương và tiễn đưa".

Những người dân đến viếng khiến chúng tôi nhận ra một điều: 13 người ngã xuống nơi tuyến đầu hi sinh là mất mát không chỉ của quân đội, Đảng, Nhà nước mà đó cũng là mất mát lớn của nhân dân. Có yêu quý họ mới vượt qua lũ để đến nhà tang lễ hôm nay.

Đưa anh về quê

11 người lính sau lễ truy điệu đã được đưa về quê nhà để người thân mai táng. Riêng đối với phóng viên Phạm Văn Hướng - trưởng phòng thông tin tuyên truyền, cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - sẽ không đưa về nhà mà gia đình có nguyện vọng đưa linh cữu anh ra Thanh Hóa để hỏa táng. Tiếp sau đó, người thân sẽ mang tro cốt về quê nhà Thái Bình. Một người thân của liệt sĩ Hướng cho biết: "Trong này Hướng chẳng có người thân nào. Chúng tôi muốn đưa tro cốt em ấy về quê. Các cháu sau khi học xong gia đình cũng sẽ đưa về quê nội sinh sống".

Còn đối với ông Nguyễn Văn Bình - chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau lễ truy điệu gia đình sẽ đưa về nhà tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà. Nhưng gia đình cũng đã dựng sẵn một rạp tang lễ tại đài liệt sĩ huyện Phong Điền. Người nhà cho biết hôm qua nước lũ sông Bồ dâng tràn vào nhà cao ngang đầu gối. Sáng hôm nay nước rút. Tuy nhiên mưa lũ ở Huế còn diễn biến phức tạp nên gia đình phải chuẩn bị hai phương án để lo tang lễ liệt sĩ Bình được chu toàn.

Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực cứu nạn tại Rào Trăng 3, Đoàn 337, chia sẻ với thân nhân Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực cứu nạn tại Rào Trăng 3, Đoàn 337, chia sẻ với thân nhân

TTO - Tiếp tục tập trung các lực lượng, nguồn lực và phương tiện để cứu hộ, cứu nạn nạn nhân mất liên lạc tại thủy điện Rào Trăng 3 và các cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp tại Đoàn kinh tế - quốc phòng 337.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên