Dù vừa trải qua một trận mưa, bụi sơn vẫn phủ trắng cây cối trong nhà người dân - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Liên tục gần đây, người dân ở thôn Như Xuân 1 phải đi gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi vì cuộc sống đảo lộn do xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH MTV Thanh Khuê.
Tại các đơn kêu cứu, người dân cho biết phân xưởng gỗ trên đã tạo ra bụi, mùi hôi, tiếng ồn và gây ngập vào mùa mưa bão.
Nhà nằm sát vách xưởng sản xuất, chị Tống Lệ Thu Vương (thôn Như Xuân 1) cho biết nhiều năm qua gia đình chị phải đóng cửa liên tục, con cái không dám cho ra ngoài hít thở không khí vì 18 ống xả liên tục xả khí thải tỏa mùi sơn khó chịu.
Chị Hồ Bích Quy nói về tình trạng ô nhiễm - VIDEO:ĐÌNH CƯƠNG
Nhiều người dân cho biết đã mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhức đầu... Nhiều hộ gia đình thậm chí đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
Không chỉ ô nhiễm, phân xưởng trên cũng được cho là nguyên gây ngập khi mỗi mùa mưa, nước lớn đổ về nhưng lại bị bức tường rào dài hàng chục mét của doanh nghiệp chặn lại. Có thời điểm nhiều nhà dân bị ngập đến gần một nửa.
18 ống xả khí thải của xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH MTV Thanh Khuê - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Bụi bám thành từng lớp dày trên thềm nhà người dân - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Trả lời Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Phương cho biết vừa qua, Phòng Tài nguyên và môi trường TP.Nha Trang đã xuống kiểm tra chất lượng không khí.
Kết quả cho thấy các chỉ số chất lượng không khí đều nằm trong giới hạn cho phép. Chỉ có mùi hóa chất (mùi sơn) phát sinh trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, người dân lại cho rằng kết quả kiểm tra chất lượng không khí không chính xác, do thời điểm kiểm tra doanh nghiệp có thể đã thay đổi, pha loãng dung dịch sơn để qua mắt đơn vị kiểm tra.
Trả lời vấn đề trên, đại diện Phòng Tài nguyên và môi trường TP Nha Trang cũng nói chỉ làm hết chức năng nhiệm vụ là lấy mẫu không khí chứ không có chức năng kiểm tra dung dịch doanh nghiệp sử dụng tại thời điểm kiểm tra.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong một buổi tiếp xúc xử tri gần đây, cho rằng không thể có cấp phép cho một doanh nghiệp mở xưởng sản xuất nằm sát khu dân cư như vậy.
"Chúng tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra, bà con khỏi lo cái chuyện đoàn kiểm tra báo trước doanh nghiệp. Một dịp nào đó tôi cũng sẽ trực tiếp lên kiểm tra xưởng đóng gỗ đó xem ảnh hưởng ra làm sao. Ai có trước ai, nhà máy có trước hay khu dân cư có trước. Không thể nào người dân đang ở như vậy mà cấp phép cho doanh nghiệp đóng gỗ gây ô nhiễm môi trường như thế", ông Tuân quả quyết.
Để làm rõ vấn đề "ai có trước ai?", phóng viên Tuổi Trẻ Online đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã Vĩnh Phương. Lãnh đạo xã khẳng định khu dân cư thôn Như Xuân 1 có từ trước những năm 1994, còn phân xưởng gỗ của công ty TNHH MTV Thanh Khuê mới chỉ có từ năm 2002.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận