Thầy Nguyễn Văn Mười (giáo viên Trường THPT Lưu Văn Liệt, Vĩnh Long) - người thầy dạy sử bằng... thơ, ôn tập nội dung chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 cho học sinh - Ảnh: T.H. |
Xung quanh việc Bộ GD-ĐT đề xuất tích hợp môn lịch sử vào môn học khác, hàng loạt câu hỏi như vậy đã được đặt ra.
Để góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của thầy giáo Lê Quang Hưng (TP.HCM).
"Mấy ngày qua, nhiều hội thảo khoa học diễn ra để thể hiện sự không đồng tình về dự thảo tích hợp môn lịch sử. Tôi cho rằng khi sử đứng độc lập còn bị học sinh thiếu quan tâm, còn bị xem là môn phụ thì khi tích hợp các em sẽ càng dễ dàng quên đi môn học mà đáng lẽ phải là bắt buộc hàng đầu.
Đã là môn cơ bản, quan trọng thì phải khó. Khó thì phải học, như chính các em giải một bài toán khó mà thôi. Các nước phát triển họ càng rất coi trọng lịch sử, cớ sao ta lại bớt, lại bỏ, lại ghét, lại tích hợp làm chi?
Mỗi thế hệ Việt Nam cứ phải “tường gốc tích nước nhà” thì mới ý thức được niềm tự hào dân tộc và phải bảo vệ tự hào, tự tôn cho dân tộc Việt Nam độc lập.
Muốn “tường gốc tích” không còn con đường nào khác, phải học thôi! Nếu yêu nước, bạn không nên ca thán lịch sử thật nhàm chán được đâu…!".
"Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ nói rằng môn lịch sử thật sự nhàm chán. Họ không chịu nổi vô vàn những con số khô khan và một mớ kiến thức khổng lồ cả lịch sử trong nước lẫn ngoài nước… Có người lại còn tự tin hơn khi phát biểu “tôi thích môn sử, muốn học môn sử lắm, nhưng tôi không thể chịu nổi cách học nhồi nhét toàn sự kiện như vậy…”.
Khi đọc đến ý này tôi lại nghĩ khác, không biết bạn này có thực sự yêu môn lịch sử thật hay không?
Tôi nhớ có một bài báo hay phóng sự nói về căn phòng của giáo sư Lê Văn Lan, một nhà giáo lịch sử uy tín của nước ta, người nhiều năm đồng hành cùng chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Trong căn phòng nhỏ bé đi lại khó khăn, lại càng kẹt cứng bởi cả trăm cuốn sách. Rõ ràng, với niềm đam mê sử học, sách và sự kiện lịch sử là tình yêu, là nỗi nhớ, là sự lôi cuốn bất tận đối với giáo sư đáng kính.
"Một nền giáo dục không thể coi nhẹ sử học. Cho nên, để học sinh thấm nhuần và yêu mến lịch sử, theo tôi không còn con đường nào khác ngoài việc xem trọng lịch sử và không coi đó là môn phụ. |
Lê Quang Hưng |
Thế nên, nếu bạn nói bạn yêu sử, bạn phải chấp nhận để hàng trăm cuốn sách với cả ngàn sự kiện đè lên sự đam mê như thế! Có chăng mới là lời nói thật được.
Khi nhiều người nói yêu lịch sử nhưng tại nó nhàm chán nên không học, tôi cho rằng câu nói đó không thật lòng. Bác Hồ từng dạy “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nếu thực sự bạn yêu sử, mến sử và muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mọi sự vật hiện tượng, để cho “tường gốc tích” thì không còn con đường nào khác bạn phải nhớ lấy con số, nhớ lấy sự kiện. Dù đó là bức tranh lịch sử, hòn đá vô tri của lịch sử đi chăng nữa…chúng ta nói đến nó phải tuân thủ nguyên tắc “không gian - thời gian”.
Nó phải có thời gian ra đời và nơi xuất hiện chứ?
Cho nên, nhiều ý kiến nói sách giáo khoa lịch sử toàn sự kiện, một đống thời gian nhìn vào thấy mờ cả mắt, có chăng bạn đã không khách quan với môn sử rồi…
Tôi nhớ rõ ngày còn học phổ thông. Bạn bè hầu như không bao giờ thèm nhìn vào cuốn sách lịch sử. Chỉ đến khi thi tốt nghiệp, mọi người đều cố gắng học thuộc đề cương, rồi cũng vượt qua kỳ thi với số điểm xấp xỉ trung bình.
Vâng! Với các bạn ấy thế là đủ.
Trong quá trình học phổ thông lúc bấy giờ, những người bạn của tôi đa số thi vào khối A, B nên trong giờ học có khi lấy toán, lý, hóa ra nghiên cứu. May thay, các bạn ấy đều là những người giàu chất xám. Đến ký kiểm tra, chỉ cần xem lại cuốn vở vài phút, họ giành 5 điểm không mấy khó khăn.
Và giờ này đây, bạn tôi nói với tôi rằng, học sử thật là ngán, chẳng thú vị gì cả!
Chao ôi! Đâu riêng gì sử, cuộc sống này bạn đã không thích cái gì thì bạn không bao giờ thấy nó thú vị được. Hiển nhiên!
Thiết nghĩ, cách học của chúng ta đang tồn tại theo kiểu học để thi, cái gì không thi thì khỏi học. Định hướng nghề nghiệp và kinh tế - xã hội đang rời xa môn học lịch sử. Để rồi, học sinh không muốn học sử làm gì, không có thời gian để theo với sử do phải chú trọng vào bộ môn chính. Vô tình, sử bị xem là môn phụ, không quan trọng trong nhà trường.
Khi trong đầu học sinh không ý thức học lịch sử, người lớn, phụ huynh không cổ vũ các em học sử thì mỗi ký thi điểm số thấp, kém… mọi người báo động về sự nhàm chán của sử, có oan cho lịch sử lắm không?
Cùng với chú trọng là việc đổi mới phương pháp truyền đạt. Tránh giáo án khô khan và nhàm chán. Kết hợp dạy học theo sách và tham quan thực tế. Học sinh chủ động, sáng tạo tìm hiểu và học tập nhóm trong các sự kiện, nhân vật lịch sử… Bớt dần đi cái kiểu đọc - chép đã lỗi thời lạc hậu.
Bạn có đồng ý với quan điểm của bạn đọc Lê Quang Hưng? Theo bạn, để học sinh hào hứng với môn lịch sử và trân trọng môn học này, chúng ta nên làm gì? Thân mời bạn hãy chia sẻ ý kiến, hình ảnh, clip với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận