Một buổi chiều sương phủ quanh núi rừng trùng điệp miền tây Quảng Trị, tôi ngược lên vùng cao trong tâm trạng háo hức muốn thêm một lần cận cảnh Vân Kiều, mắt thấy tai nghe chuyện lạ sau dãy Trường Sơn.
Kỳ 1: Chiếc lá tránh thaiKỳ 2:Thầy lang núi và phương thuốc lạ
Phóng to |
Cây rựa và lá thuốc dùng để cà răng - Ảnh: Xuân Dũng |
Tục cà răng và chiếc vòng tình ái
Rít một hơi thuốc dài bên bếp lửa nhà sàn ở bản Khe Vấn, xã Hướng Hiệp,huyện Đakrong, ông Hồ Văn Chiến, tuổi quá 80, trầm tư như cây gỗ rừng già bên suối. Chúng tôi ngồi cạnh già làng lắng nghe đại ngàn kể chuyện. Trước đó, ông hé lộ sẽ nói ra một điều thú vị mà ít người biết gắn liền với tục căng tai.
Nếu tục căng tai diễn ra khi con gái mới lọt lòng vừa nhìn thấy ông mặt trời mấy bữa thì tục cà răng dành cho hết thảy mọi người khi đã gần đến tuổi trăng tròn, khoảng 13-14 tuổi. Lứa tuổi người đã lớn, trí óc đã biết khôn. Ông Chiến kể rằng người được cà răng nằm dài trên sàn.
Cạnh đó có một hai người thạo việc này sẽ dùng dao, liềm hoặc rựa nhỏ với hòn đá mài rồi cà từng chiếc răng cửa hàm trên cho mòn dần đến sát lợi, máu ra lênh láng, đau tưởng chừng đứt ruột.Thường có bốn hoặc sáu chiếc răng phải ”ra đi” trong lễ tục này. Người nhà và bạn bè trong bản ngồi quanh động viên người được cà răng.
Họ dùng bông gạo lau sạch máu cho người ấy và giúp việc súc miệng, rồi cầm máu bằng thứ nhựa đen được lấy từ một loại cây rừng. Đây là loại thuốc hiệu nghiệm dùng để sát trùng và làm chắc răng. Cà răng là lễ tục hệ trọng của đồng bào Vân Kiều nên bà con dân bản tụ hội đông đúc. Vào dịp này trai gái vùng sơn cước tìm hiểu nhau nhân ngày đau - ngày vui có một không hai vì làm thủ tục “đóng dấu” son cho sự trưởng thành.
Nhìn những người già xem chừng móm mém, tôi nghĩ đến tục cà răng bỗng xa lắc xa lơ như cổ tích, có còn chút gì lưu dấu nơi đây.Tôi buột miệng nói giá như có cây rựa cà răng thì hay biết mấy. Cũng là buột miệng nói thế thôi vì tôi biết tục cà răng đã mai một từ lâu, nay đã thuộc về dĩ vãng...
Thật không ngờ, tôi đã bé cái nhầm. Mấy phút sau, ông Chiến đã mang một chiếc rựa đặt trước mặt khách miền xuôi. Cả tôi và Lập đều mân mê cây rựa cà răng đặc quánh nhựa cây rừng hai bên lưỡi. Nó như là một kỷ vật gia bảo còn lại từ ngày xưa.Vật dụng này đã gắn bó với biết mấy đời người khi đánh dấu sự trưởng thành của họ bằng lễ tục đớn - đau - khôn - lớn. Cây rựa này cứa vào răng mình thì sao?
Tôi rùng mình, óc tưởng tượng của tôi không dám nghĩ thêm. Ông Chiến nói rằng chiếc rựa này bây giờ là của hiếm, là bảo bối của rừng già. Tôi cũng nghĩ vậy khi tục cà răng hầu như chỉ còn trong ký ức ngàn xanh.
Chỉ nghe kể thôi cũng đã toát mồ hôi, ớn lạnh sống lưng trước tập tục kinh dị này.Tôi vội hỏi:”Thế nếu có ai không chịu cà răng thì sao?”, ông Chiến điềm nhiên trả lời:”Thì không được mọi người công nhận là đã trưởng thành, ai cũng chê cười”.
Cũng do tò mò nên chúng tôi theo ông Chiến vào rừng để tận mắt thấy cho được loại lá cây dùng để lấy nhựa nhuộm răng đen. Leo qua một con dốc dài, khi chúng tôi còn đang thở dốc, ông Chiến chỉ vào đám cây rừng trước mặt giải thích loại cây này người Vân Kiều gọi là tằng e cà rẻ a te.
Đang hổn hển, mồ hôi ra như tắm nhưng tôi vẫn reo lên như phát hiện một điều mới lạ. Đây là thảo dược giữa đại ngàn xanh thẳm.Loại cây này thấp, thân mềm, gân lá song song, lá màu xanh tươi, mềm và hơi dày, bứt lá đưa lên mũi có mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu. Loại cây này hình như tôi đã gặp đâu đó.
Đưa tay vuốt mồ hôi trán, tôi sốt ruột gặng hỏi: ”Thế tục cà răng còn điều gì đáng nói nữa không? “. Ông cười đáp:”Sau lễ này, người được cà răng sẽ được trao một chiếc vòng bằng đồng có đánh dấu bí mật để đi tìm người yêu.Được chưa?”.
Ông nheo mắt hóm hỉnh. Một người đã kinh qua mấy mươi năm quân ngũ nói ra điều cơ mật của núi rừng như lời vang vọng của hồi âm quá khứ. Tôi bắt đầu hiểu ra rồi, phần thưởng xứng đáng cho sự lớn khôn khi bước qua bước ngoặt của cả một đời người.
Phóng to |
Lỗ tai sau hàng chục năm được căng -Ảnh tư liệu |
Căng tai: không chỉ làm đẹp
Đi với tôi vào bản Khe Vấn, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông là một thanh niên tên Lập. Lập cũng thường lên vùng cao mua bán nên khá quen thuộc dân tộc Vân Kiều. Dọc đường đi, tôi hỏi: ”Chú hay lên vùng này, có biết vì sao đồng bào Vân Kiều cà răng, căng tai không?”. Lập đáp: ”Làm sao em biết được, phong tục của họ, họ thích thì họ làm. Em dân buôn bán hỏi làm gì mấy chuyện rắc rối ấy. Lỡ vui miệng có nói gì sai thì chết”.
Đến nơi, Lập bảo dừng chân trước một ngôi nhà sàn giữa bản. Mấy đứa trẻ Vân Kiều đang chơi đùa thấy khách lạ liền ùa ra vừa nói liến thoắng vừa chỉ trỏ. Chủ nhà, bà Hồ Thị Lào, rót nước mời khách và hỏi chuyện. Tôi nhìn bà mẹ Vân Kiều đã sống qua 70 mùa rẫy.
Những nếp nhăn tuổi tác đã in hằn lên năm tháng của gương mặt núi rừng qua gian lao, chiến tranh tao loạn. Bà bảo ngày trước phụ nữ vùng cao ai cũng phải căng tai, vì như thế mới duyên dáng và gặp nhiều may mắn! Một tục lệ quan trọng bậc nhất và gây nhiều đau đớn về thể xác nhưng không thể bỏ qua.
Ngồi trên nhà sàn, bà Lào tỉ tê kể chuyện. Khi mới ra đời, bé gái được làm lễ thổi tai. Vừa nói bà vừa chỉ vào tai của mình minh họa. Thì ra thủ tục này được tiến hành rất sớm.Khi mới sinh ra người ta đã làm lễ thổi tai cho bé gái. Bà Lào đóng vai bà mụ, bụm miệng hà hơi thổi vào tai đứa cháu, vừa thổi vừa lầm rầm khấn vái đọc những câu thần chú cầu mong cho trẻ sơ sinh ăn nhiều chóng lớn, sau này giỏi làm nương làm rẫy, biết bắt cá, hái rau. Nhìn bà làm động tác diễn tả lễ thổi tai và lầm rầm khấn vái bằng những câu thần chú Vân Kiều, tự nhiên không khí u tịch trong ngôi nhà sàn càng trở nên huyền bí, thiêng liêng một cách khó tả.
Lát sau bà Lào cho biết thêm khoảng chừng năm bảy ngày sau khi sinh người lớn sẽ xâu lỗ tai cho bé gái. Người Kinh cũng có phong tục này nhưng hầu hết đều tiến hành khi con cháu đã lớn được vài ba tuổi vì đây là một thủ tục chịu nhiều đau đớn. Nhưng người Vân Kiều lại thực hiện điều này khi trẻ sơ sinh. Khỏi phải nói khi tuổi thơ phải vượt qua thử thách này. Hình như với người vùng cao, tính can trường phải được rèn luyện từ tấm bé. Không chịu nổi đớn đau không phải là người!
Nhưng chưa hết. Bé gái Vân Kiều khi lớn lên thường phải giắt cọng tranh vào lỗ xâu tai làm cho lỗ này to ra để đeo vòng mới đẹp. Bà Lào kể nhiều đứa trẻ giắt cọng tranh đêm đến vừa nằm vừa khóc. Nhưng họ nghiến răng chịu đau vì muốn tai to, dài thì mới duyên dáng xinh đẹp khi mang đồ trang sức, sau này mới được nhiều chàng trai để ý và gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Căng tai là sự làm đẹp quan trọng bậc nhất và cũng là bùa hộ mệnh theo suốt cuộc đời phụ nữ Vân Kiều.
Có lẽ chính vẻ đẹp nữ tính mang đậm chất sơn khê đã làm rung động tâm hồn lãng mạn của chàng nhạc sĩ trẻ Trần Hoàn hơn nửa thế kỷ trước trong một chiều hôm heo hút Trường Sơn. Nó thăng hoa nên những câu hát mơ hồ,đắm đuối: ”Một đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích,ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng...”.
______________________
Kỳ tới: Huyền thoại “ngải độc”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận