Phóng to |
Quản lý chặt vay nợ nước ngoài
Cho đến nay, việc Chính phủ, doanh nghiệp vay nợ nước ngoài là bình thường. Riêng với cá nhân, dù pháp lệnh ngoại hối năm 2005 đã cho phép nhưng chưa được áp dụng trên thực tế do Ngân hàng Nhà nước không có hướng dẫn thực hiện nên chủ trương chỉ tồn tại trên giấy.
Dù không được phép nhưng việc vay mượn của cá nhân từ nước ngoài vẫn diễn ra. Nhiều người trong nước đã vay tiền của người thân ở nước ngoài để gửi tiết kiệm, mua chứng khoán, nhà đất, đầu tư làm ăn. Khoản vay này chẳng đăng ký để tính vào nợ quốc gia và việc chuyển tiền thường thực hiện chui hoặc thông qua chuyển tiền kiều hối. Theo các ngân hàng, trong số hàng tỉ USD kiều hối chuyển về hằng năm, như năm 2012 là khoảng 10 tỉ USD, có nhiều khoản tiền của người Việt ở nước ngoài chuyển về cho người trong nước vay mượn, nhờ đầu tư.
Thế nhưng, theo pháp luật thì kiều hối là chuyển tiền một chiều: người từ nước ngoài chuyển ngoại tệ về cho người trong nước. Trong khi vay nợ thì tiền có về (khi cho vay), sau đó phải có đi (khi trả nợ). Mọi thứ vướng ở đây khi người trong nước không thể đến ngân hàng mua hay mang ngoại tệ tiền mặt nộp vào và yêu cầu ngân hàng chuyển ra nước ngoài để trả nợ. Ngân hàng không bán ngoại tệ, cũng chẳng thể chuyển tiền nếu không thuộc diện hợp pháp. Vì vậy, bên vay phải chuyển ngân lậu ra nước ngoài để trả nợ hoặc cấn trừ tiền giữa bên trong nước với người ở nước ngoài.... Hoạt động này đều ít nhiều có rủi ro và không phải ai cũng móc nối được đường dây chuyển ngân lậu đủ tin tưởng để giao số tiền lớn nhờ chuyển ra nước ngoài trả nợ.
Cũng do không được pháp luật thừa nhận nên bên cho vay thường rơi vào cảnh “nắm dao đằng lưỡi”, tiền đi nhưng không có ngày về. Đã xảy ra nhiều trường hợp bên vay không trả, người cho vay kiện cáo thì cũng chẳng mấy nơi giải quyết vì việc vay mượn không hợp pháp. Nhiều kiều bào là chủ nợ khẳng định nhà đất X, công ty Y, chứng khoán Z... mà người trong nước đang sở hữu chính là từ tiền vay mượn từ nước ngoài. Thậm chí họ có cả giấy vay nợ viết tay nhưng bên cho vay cũng không cách nào đòi lại tài sản.
Những rắc rối trên sẽ bớt đi khi pháp luật cho cá nhân được vay mượn từ nước ngoài. Khoản vay sẽ được chuyển tiền hai chiều thông qua ngân hàng: tiền về (khi vay), tiền đi (khi trả nợ). Người vay được mua ngoại tệ tại ngân hàng trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ để thanh toán nợ gốc, lãi và phí từ khoản vay. Với khoản vay hợp pháp, nếu con nợ chây ì, bên cho vay ở nước ngoài có quyền nhờ pháp luật bảo hộ quyền lợi của mình, tòa án sẽ thụ lý và xét xử, cơ quan thi hành án cưỡng chế để thu hồi nợ...
Có lo ngại rằng khi cho cá nhân vay mượn hợp pháp sẽ làm kiều hối sụt giảm, làm tăng nợ quốc gia... Vấn đề này thuộc về “nghệ thuật điều hành” của Ngân hàng Nhà nước. Bởi cá nhân vay nước ngoài hợp pháp cũng phải có điều kiện như đã ràng buộc với Chính phủ và doanh nghiệp. Với cá nhân, đó là tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ; tuân thủ điều kiện vay, trả nợ nước ngoài; phải đăng ký khoản vay, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay; khoản vay nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm...
Chuyện cá nhân được vay nợ nước ngoài một lần nữa được xới lên. Lần này, không thể để trôi đi như trước. Bài học từ lần ban hành pháp lệnh ngoại hối năm 2005 cho thấy nếu ngại ngần, chưa cho thực hiện thì người dân vẫn cứ vay mượn nhưng để lại những hệ lụy chẳng ra gì. Đó là chuyển ngân lậu, ngân hàng không quản được ngoại tệ, những vụ tranh chấp tài sản làm mất lòng tin giữa người trong nước và ở nước ngoài... Mở ra, ngoại tệ về, rồi đi. Nhưng chắc chắn tiền về và ở lại sẽ nhiều hơn, tạo thêm nguồn vốn cho làm ăn, bởi người cho vay tin rằng tài sản của họ được pháp luật VN bảo hộ.
● Ông Trương Văn Phước (tổng giám đốc Eximbank): Giúp tăng nguồn ngoại tệ Theo tôi, việc cho cá nhân VN vay nợ nước ngoài trên nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm là phù hợp và mở ra xu hướng tiếp cận, hội nhập quốc tế, giúp cho giao lưu vốn giữa VN và quốc tế thông thoáng hơn. Tuy nhiên ở đây Nhà nước không có nghĩa vụ phải trả nợ cho cá nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân VN vay tiền mà bên vay và bên cho vay tự thỏa thuận với nhau. Đây là một ý tưởng tốt, dù không mới vì đã có trong pháp lệnh ngoại hối 2005. Nếu quy định này đi vào thực tế sẽ giúp nguồn ngoại tệ vào VN nhiều hơn. Tuy nhiên, cần vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua hình thức đăng ký cho khoản vay này để NHNN theo dõi số lượng cá nhân VN vay tiền nước ngoài, số lượng bao nhiêu, kỳ hạn bao lâu. NHNN cũng cần quy định cá nhân vay ngoại tệ của nước ngoài phải bán số ngoại tệ này cho NHNN, giúp tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Khi đến kỳ hạn trả nợ thì NHNN lại tạo điều kiện để họ chuyển VND thành ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Về ý kiến lo ngại việc cho cá nhân vay tiền nước ngoài sẽ làm tăng nợ quốc gia, tôi cho rằng cá nhân người VN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm chứ Nhà nước không có nghĩa vụ bảo hộ cho khoản nợ này. Khoản nợ vay này không thống kê vào nợ công, do vậy đừng lo rằng cá nhân vay nước ngoài làm cho nợ quốc gia tăng, ngược lại cần khuyến khích phát triển hình thức này. ● Ông Trịnh Hoài Nam (phó giám đốc Công ty kiều hối Đông Á): Cần có hướng dẫn chuyển tiền hai chiều Nhiều năm qua, kênh kiều hối đã trở thành nơi chuyển dẫn vốn kinh doanh giữa người trong nước với kiều bào. Tiền kiều hối không chỉ còn vài trăm USD mang tính chất trợ cấp sinh hoạt mà lẫn trong đó có nhiều món tiền lên đến hàng triệu USD, thực chất đó là tiền làm ăn, cho vay mượn giữa người thân với nhau khi người trong nước có nhu cầu vốn kinh doanh, mua nhà, đổi nhà... Tuy nhiên do chưa được pháp luật bảo vệ nên khi có tranh chấp xảy ra, bên cho vay thường chịu thiệt. Chưa kể chuyển tiền kiều hối là kênh chuyển tiền một chiều, không thể chuyển ngược ra để trả cho người ở nước ngoài. Do vậy khi muốn chuyển trả cho người thân ở nước ngoài, người trong nước phải sử dụng nhiều hình thức khác nhau, rất phức tạp, trong đó có cả những kênh ngầm phí rất cao lại rủi ro. Do vậy theo tôi, một khi quyền vay nợ nước ngoài của cá nhân được khẳng định, NHNN nên hướng dẫn hình thức chuyển tiền hai chiều để đảm bảo nguyên tắc tiền có đi có về, từ đó việc vay mượn sẽ dễ dàng hơn, và không chỉ gói gọn trong phạm vi người thân với nhau mà còn mở rộng ra nhiều đối tượng khác. ● Ông Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính): Có cơ chế kiểm soát sẽ tốt hơn để ngoài luồng Quy định cho cá nhân vay tiền nước ngoài đã có từ tám năm trước nhưng không đi vào thực tế do thiếu hướng dẫn. Trong thời gian đó, việc cá nhân trong nước có quan hệ vay mượn với người nước ngoài vẫn diễn ra nhưng không theo con đường chính thức. Lần này, nếu quy định trên đi vào thực tế chỉ là hợp pháp hóa những hoạt động đã tồn tại trong thực tế và bằng cách này cơ quan quản lý có thể nắn dòng vốn chảy theo đường chính thức. Hiện nay mọi cơ sở pháp lý, kỹ thuật, nhân lực, khả năng kiểm soát vốn ra vào đều đã có, do vậy việc triển khai không có gì khó khăn. Về ý kiến cho rằng vay nợ nước ngoài chỉ nên dành cho các pháp nhân để kiểm soát được luồng vốn ra vào, và việc cá nhân vay ngoại tệ nước ngoài thì khả năng không trả được nợ rất cao, khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, tôi cho rằng không thuyết phục vì cá nhân tự vay tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa đây là hoạt động tài chính, có cơ chế kiểm soát vẫn tốt hơn là để ngoài luồng. Nếu Nhà nước không hợp pháp hóa, hoạt động này sẽ vẫn tồn tại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận