12/05/2017 13:12 GMT+7

Ca nhạc trên truyền hình còn nhiều khoảng trống

LÊ VINH QUỐC
LÊ VINH QUỐC

TTO - Bài Cạn thí sinh, thi hát thành “chơi” hát (Tuổi Trẻ ngày 5-5) phản ánh chính xác những vấn đề của các chương trình truyền hình thực tế, game show về ca hát.

Nhưng qua đó, ta còn thấy một bức tranh toàn cảnh về ca nhạc trên truyền hình hiện nay ở nước ta.

Công chúng hâm mộ những chương trình biểu diễn có chất lượng như Những ca khúc đi cùng năm tháng, Tình khúc vượt thời gian, Giai điệu Tổ quốc, Giai điệu tự hào, các chương trình tưởng niệm Văn Cao, Trịnh Công Sơn và Sol vàng cho các nhạc sĩ khác...

Bên cạnh đó, các chương trình thi tuyển giọng hát như Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol, Thần tượng bolero... cũng được chấp nhận ở nhiều cung bậc khác nhau.

Bởi vì qua các chương trình này công chúng được thưởng thức các nhạc phẩm qua những giọng ca khác nhau, lại có dịp thẩm định khả năng cảm thụ âm nhạc của chính mình khi so sánh với cách đánh giá của ban giám khảo.

2 Tuy nhiên khi cạn nguồn thí sinh, các nhà đài phải biến các chương trình thi hát thành “chơi” hát qua các game show truyền hình thực tế thì tình hình đã khác.

Các game show đó không cho công chúng thưởng thức ca nhạc đích thực, mà có khi còn hạ thấp giá trị của âm nhạc.

Chương trình Thần tượng âm nhạc nhí có vẻ quảng bá cho những mầm non tài năng, nhưng vẫn không che khuất được việc lấy trẻ em trình diễn thay cho người lớn để câu khách bằng sự “mới lạ”.

Trong nhiều chương trình khác, công chúng buộc phải thưởng thức những màn giám khảo tâng bốc nhau hoặc chèn ép nhau để gợi trí tò mò của những người ưa chuyện hậu trường bếp núc.

Việc ca sĩ khoe các tài năng “tréo ngoe” của mình không mang lại cảm xúc thẩm mỹ nào ngoài sự “mới lạ” để câu khách.

Phải chăng kho tàng âm nhạc trong nước và quốc tế đã cạn nguồn khai thác nên các nhà đài đành phải chấp nhận “chơi” hát theo kiểu đó?

Hoàn toàn không phải như vậy. Kho tàng ấy còn cả một khối lượng chủ đề và tác phẩm khổng lồ quý báu để đáp ứng nhu cầu thưởng thức muôn màu muôn vẻ của công chúng.

Ngoài các chương trình biểu diễn có chất lượng nêu trên, còn vô số tác giả và tác phẩm khác đang chờ một chương trình nào đó để được lên sóng.

Chỉ cần phục dựng chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” cũng đủ làm hoạt động ca nhạc truyền hình trở nên phong phú. Hay một chương trình hát dân ca để nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc, tại sao không?

Điều đáng nói là: dường như các nhạc phẩm lớn có giá trị thẩm mỹ cao ở tầm kinh điển Việt Nam và thế giới lại hầu như vắng bóng trên màn ảnh nhỏ.

Muốn thưởng thức các bản hợp xướng bất hủ như Trường ca sông Lô của Văn Cao, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của Tô Hải..., khán thính giả chỉ có thể dò tìm ở các đường link trên mạng Internet. Các kiệt tác cổ điển của Bach, Beethoven, Mozart, Schubert, Schuman, Strauss, Chopin, Tchaikovsky... dường như không có chỗ đứng trên các chương trình truyền hình Việt Nam.

Một khoảng trống mênh mông đã hình thành từ lâu do sự thiếu vắng các thể loại nhạc khí (tức nhạc không lời) trong các hãng truyền hình Việt Nam, mà đó lại là loại âm nhạc tinh túy nhất.

Đặc biệt, không có một chương trình truyền hình nào dành cho các bản giao hưởng (symphony) - được coi là nền tảng lâu đài âm nhạc của mỗi quốc gia.

Nói chung, các chương trình âm nhạc và ca hát trên các đài truyền hình Việt Nam hiện nay có xu hướng chạy theo thị hiếu nhất thời của công chúng để đáp ứng các mục tiêu kinh tế, mà chưa có một đường lối phát triển cơ bản dựa trên các giá trị âm nhạc đích thực nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân.

Liệu công chúng yêu âm nhạc có thể hi vọng vào một sự thay đổi?

LÊ VINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên