Nhiều ca khúc được sáng tác trước 1975 có sức sống bền bỉ trong lòng khán giả mộ điệu. Trong ảnh: khán giả nghe nhạc sĩ Vũ Thành An hát ca khúc Đời đá vàng tại Đường sách TP.HCM tối 3-8-2017 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong khi dự thảo cho nghị định mới về quy định biểu diễn (thay thế cho nghị định 79 còn nhiều bất cập) vẫn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn soạn thảo, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến của những người trong cuộc.
Cục Nghệ thuật biểu diễn không tiến hành cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975 như trước đây nữa, các địa phương sẽ tự nhận định ca khúc nào "có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng" mỗi khi cấp phép biểu diễn. Chủ trương quản lý như vậy có thật sự là "cởi trói" cho ca khúc xưa chưa?
Nhiều lo ngại vẫn còn đó. Và không hẹn mà gặp, như nhiều đề xuất trước đây của chuyên gia và bạn đọc, hầu hết ý kiến đều ủng hộ một phương án nên làm nhưng cục vẫn kêu "khó" lâu nay: lập danh sách các ca khúc bị cấm phổ biến.
Nhà báo Hồ Bất Khuất:
Cục Nghệ thuật biểu diễn nên nhận cái khó về mình
Tôi hoan nghênh chủ trương bỏ việc cấp phép ca khúc trước 1975 cũng như các ca khúc được gọi là "nhạc tiền chiến". Được tự do lựa chọn món ăn tinh thần cho mình là tuyệt vời. Tuy nhiên, trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, người ta không chỉ chọn những tác phẩm nghệ thuật cho mình, mà là chọn cho đông đảo quần chúng. Vì vậy, sự lựa chọn ở đây phải phù hợp với số đông.
Theo tôi, việc bỏ cấp phép các ca khúc là tốt rồi, nhưng đi kèm với nó cần có danh sách những ca khúc bị cấm biểu diễn. Những ca khúc bị cấm biểu diễn không cứ là "nhạc tiền chiến", nhạc trước 1975, mà ngay cả những ca khúc mới được sáng tác nhưng không đạt về nội dung lẫn nghệ thuật thì cũng nên cấm.
Đúng là việc lập danh sách những ca khúc bị cấm phổ biến là việc khó nhưng rất cần thiết. Việc này đòi hỏi có nhận thức tốt, trình độ thẩm định cao, bản lĩnh chính trị - tư tưởng vững vàng trên nền kiến thức sâu rộng về văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và thời đại.
Cục Nghệ thuật biểu diễn nên nhận việc khó này về mình chứ đừng đẩy cho các địa phương hay là những người thẩm định và cấp phép cho từng chương trình biểu diễn cụ thể. Đây chính là trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm, trong đó Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vị trực tiếp phụ trách về chuyên môn.
NSND Thanh Hoa (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam):
Ủng hộ việc phân quyền cho địa phương
Tôi ủng hộ quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn phân quyền cho các sở văn hóa địa phương. Vì không cơ quan chức năng nào có đủ "ba đầu sáu tay" đi quản lý từng chương trình, từng ca sĩ, từng bài hát.
Việc phân quyền sẽ buộc các sở văn hóa, các đơn vị tổ chức biểu diễn, đặc biệt là những người làm bầu sô, phải có ý thức hơn. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn là quản lý các đơn vị tổ chức biểu diễn, chứ không phải quản lý từng ca khúc. Những đơn vị này có trách nhiệm hằng quý tập hợp các lãnh đạo chuyên ngành về tổ chức, biểu diễn để tập huấn.
Âm nhạc phần lớn là các tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu mẹ cha..., phản ánh khát vọng sống của mỗi người dân từng vùng miền, hoặc người dân của cả dân tộc trong từng thời kỳ. Những ca khúc phản động không khó để phân biệt. Không có một người làm văn hóa nào nghe một ca khúc phản động lại không cảm nhận được. Do đó nên lập một danh sách các ca khúc cấm, không nhất thiết phải công khai, mà gửi về các sở văn hóa địa phương để họ có cơ sở duyệt ca khúc.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Không thể có chuyện mỗi tỉnh một kiểu
Bỏ cấp phép ca khúc là một hướng tiếp cận tốt, rất đáng hoan nghênh. Nhưng giải pháp mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đang hướng tới chính là "đá" trách nhiệm về cho địa phương. Pháp luật thì phải được áp dụng thống nhất trên cả nước, không thể có chuyện mỗi tỉnh một kiểu. Đó là yêu cầu về tính thống nhất của luật pháp. Nếu pháp luật không được áp dụng thống nhất thì là pháp luật gì?
Yêu cầu thứ hai của luật pháp là tính tiên liệu. Với phương án mà Cục v đang hướng tới - tức phương án giao quyền thẩm định về cho địa phương - với các tiêu chí khó được hiểu thống nhất và như nhau giữa các nơi thì tính tiên liệu này sẽ thất bại.
Theo tôi, dù không có danh sách cấm, chỉ đưa ra các tiêu chí về bài hát không được phép phổ biến rộng rãi như Cục Nghệ thuật biểu diễn đang hướng tới thì các bài hát nên được phổ biến bình thường, chỉ khi một bài hát bị phản ánh "có vấn đề" thì lúc đó Cục Nghệ thuật biểu diễn cần thành lập một hội đồng gồm những chuyên gia uy tín để thẩm định ca khúc đó.
Đây phải là một hội đồng thầm định của quốc gia và quyết định cấm hay không cấm phải được thực hiện thống nhất trên cả nước chứ không thể đẩy trách nhiệm đó về cho địa phương. Đẩy về cho địa phương là cách quản lý đầy rủi ro, bởi làm tăng rủi ro gây ra tiêu cực, tham nhũng.
Tóm lại, về góc độ pháp lý, khi xây dựng chính sách pháp luật cần phải đảm bảo theo các tiêu chí: tính thống nhất, tính tiên liệu và giảm rủi ro hối lộ, "bôi trơn". Nhưng giải pháp mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đang hướng tới không đảm bảo được các yêu cầu này.
Ông Huỳnh Văn Hùng (giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng):
Tôi thống nhất cao chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, nhưng không thống nhất giao cho địa phương việc không cấp phép các ca khúc ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, thuần phong mỹ tục... Bởi làm như vậy thì mỗi địa phương sẽ có quyết định khác nhau, dẫn đến một ca khúc, địa phương này thì cho, địa phương khác lại cấm.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cần ban hành một danh mục chung những ca khúc không được biểu diễn trong phạm vi cả nước để tất cả địa phương đều áp dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận