17/04/2017 11:05 GMT+7

Ca khúc trước 1975: có thể đòi Cục NT-BD bồi thường

HOÀNG NGUYÊN ghi
HOÀNG NGUYÊN ghi

TTO - Nhiều bạn đọc vẫn rất quan tâm câu chuyện làm sao ứng xử đúng đắn với ca khúc trước 1975. Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu các ý kiến đề xuất với cơ quan quản lý và cả trách nhiệm trước những quyết định chưa hợp lý.

* Luật sư Nguyễn Tư Thúc: 

Các tác giả có thể đòi bồi thường

Trong phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước, mỗi một đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Chuyện của Cục Nghệ thuật biểu diễn là quản lý về mặt nội dung, về biểu diễn chứ không phải chuyện quyền tác giả.

Thế nên vin vào lý do bản quyền mà buộc dừng lưu hành 5 ca khúc thì Cục Cục Nghệ thuật biểu diễn đã vươn tay quá xa khỏi lĩnh vực của mình.

Luật sư Nguyễn Tư Thúc.
Luật sư Nguyễn Tư Thúc.

Từ sự vươn tay quá xa ấy, Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể đã gây thiệt hại cho các tác giả (và nhiều người khác nữa), đặc biệt khi những ca khúc ấy lại từng do chính Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép lưu hành.

Từ đây, các tác giả hoặc thân nhân của họ có thể yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn phải bồi thường cho những tổn thất về tinh thần hoặc thiệt hại vật chất họ phải chịu trong thời gian các tác phẩm bị dừng lưu hành.

Từ một góc độ khác, nghị định 79/2012/NĐ-CP không phải mới ban hành và có hiệu lực dăm ngày ba bữa mà đã tồn tại mấy năm qua.

Quá trình đi vào đời sống của nó nếu phát sinh vấn đề thì chúng ta cần xem lại việc liệu có nên tiếp tục áp dụng nó (phải có sự điều chỉnh), hay sử dụng lại những quy định cũ.

Nếu vẫn tiếp tục tập trung quyền quản lý các ca khúc trước 1975 về Cục Nghệ thuật biểu diễn, cục cần chính thức hóa các ca khúc từng được các sở địa phương cấp phép, chứ không thể bắt người dân phải đi xin phép lại cái đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép rồi.

Quản lý nhà nước là để mọi việc thông thoáng, minh bạch chứ không phải để tạo thêm việc hay làm khó người dân. Nếu cơ quan quản lý, trong hoạt động của mình, gây thiệt hại cho dân thì dân có quyền đòi bồi thường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình.

* Bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (nguyên giám đốc Trung tâm băng đĩa nhạc Lạc Hồng):

Tầng tầng lớp lớp xin - cho

Quy trình cấp phép phổ biến các tác phẩm trước 1975 và của các tác giả hiện sống ở hải ngoại thực sự là nỗi khiếp đảm của giới làm băng đĩa, sản xuất chương trình, bởi nói chính xác là tầng tầng lớp lớp xin - cho mà ở mỗi khâu đều có thể phát sinh tiêu cực.

Ví dụ với một tác phẩm hoàn toàn không có vấn đề gì về nội dung nhưng vẫn có thể bị truy chuyện nhân thân tác giả. Thời gian hạn định để thẩm định ca khúc và những lý do trời ơi quanh nó cũng có thể khiến kế hoạch sản xuất kéo dài.

Thế nên thay vì giữ phương thức ai muốn làm phải đi xin, chúng tôi chỉ mong cơ quan quản lý làm một việc: lập hội đồng thẩm định và cấp phép hàng loạt ca khúc có nội dung tốt, có chất lượng để chúng tôi chiếu theo đó mà làm.

Cục Nghệ thuật biểu diễn bảo không thể biết hết các tác phẩm thì rất nhiều tác giả hiện vẫn còn đó. Hãy đề nghị họ gửi tác phẩm đến cục để cục thẩm định.

Bài nào cấm thì báo người ta biết. Bài nào được thì cấp phép luôn. Khi có danh mục tác phẩm được phép phổ biến, ta nên đơn giản việc buộc nhà sản xuất phải nộp kèm văn bản ca khúc, nộp bản thu nháp và việc nộp lưu chiểu, mà chỉ nên yêu cầu nộp bản hoàn chỉnh sau cùng.

Ngay cả chuyện con tem, các thông tin ấy hoàn toàn có thể được in thẳng trên bìa đĩa chứ không phải in con tem để dán lên.

Bớt xin, bớt cho, bớt những thứ rườm rà sẽ giúp một thị trường lành mạnh và hiệu quả hơn là những nặng nề, bức bối như trước nay.

HOÀNG NGUYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên