31/01/2004 13:10 GMT+7

Ca ghép gan đầu tiên ở VN: Thành công tốt đẹp!

LAN ANH - TUẤN THÀNH - THY LÊ
LAN ANH - TUẤN THÀNH - THY LÊ

TTO - 22h37', GS Lê Thế Trung, chủ tịch Hội đồng chỉ đạo ghép gan, Học viện Quân y cho biết cuộc phẫu thuật gần như hoàn tất, các bác sĩ đang đóng thành bụng của Diệp. Công đoạn đóng thành bụng Diệp sẽ kéo dài đến 00 giờ. Như vậy sau gần 16 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công!

PIb6EkuF.jpgPhóng to
Hai miếng gan đã được ghép và khâu liền nhau. Ca phẫu thuật đã thành công - Ảnh Việt Dũng.

TTO - Sáng nay (31-1), ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam sẽ bắt đầu với ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam là bé Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định. Người cho gan là cha của bé: anh Nguyễn Quốc Phòng, 31 tuổi.

Thời gian dự định cuộc phẫu thuật kéo dài 12 giờ.

7h sáng, cháu Nguyễn Thị Diệp và bố là Nguyễn Văn Phòng được đưa từ phòng cách ly sang khu mổ tại Khoa phẫu thuật tạo hình, Học Viện Quân Y.

8h5' người hiến tạng được gây mê và chuẩn bị lấy gan

9h10' cháu Diệp được đưa lên bàn mổ để gây mê. Diệp khá sợ và la khóc. Ca mổ chậm 40 phút so với dự kiến.

9h45', bác sĩ mổ chính người Nhật Masatoshi Makuuchi đưa nhát dao đầu tiên vào người bố. Lúc này, mỗi phòng mổ có 12-14 bác sĩ. Trong đó có 2-3 bác sĩ mổ chính, còn lại là phục vụ và quan sát. Các bác sĩ chỉ trao đổi bằng tay và những câu ngắn bằng tiếng Nhật.

Lúc 11h15, các bác sĩ đã mở được thành bụng của bé Diệp để tiếp cận với gan. Các bác sĩ đã mất khá nhiều thời gian để thắt cuống gan cho cháu.

t1QF1aEA.jpgPhóng to
Quang cảnh ca phẫu thuật qua màn hình TV trực tiếp - Ảnh Việt Dũng
13h20, các bác sĩ bắt đầu cắt gan người bố bằng dao chuyên dụng kusa sau khi hoàn thành việc phẫu tích mạch máu đường mật ở vùng cuống gan để lấy mảnh ghép.

2 kíp phẫu thuật vẫn tiếp tục làm việc thông trưa.

Các bác sĩ đã cắt 33% gan của người bố để ghép cho cháu Diệp vào chiều nay. Theo bác sĩ Hoàng Hữu Lương, Học viện Quân y, việc cắt gan từ người hiến tạng là công đoạn đơn giản hơn cả trong quá trình ghép gan.

2 kíp phẫu thuật vẫn làm việc liên tục. Các bác sĩ phục vụ thay phiên nhau tranh thủ ăn cơm hộp. Nhóm hậu cần đã chu đáo gọi cơm từ phố Huế, Hà Nội vào. phòng truyền hình trực tiếp dành cho các bác sĩ chuyên môn cũng đã vắng hơn do mọi người đi ăn trưa.

U50rtWrF.jpgPhóng to

Ảnh Việt Dũng

13h30: quá trình mổ cắt gan của cháu Diệp cũng gặp khó khăn. Tiến trình bóc tách gan của bố Diệp lâu hơn dự kiến. Quá trình cắt gan hỏng của cháu Diệp cũng gặp khó khăn vì các tổ chức trong ổ bụng bị dính do trước đây, cháu Diệp đã phải mổ để nối đường mật với ruột.

13h50': quá trình bóc tách gan của người bố gần như hoàn thành. Tiếp theo đó, gan sẽ được chuyển sang rửa bằng dung dịch đặc biệt. Đây là khâu quan trọng vì nếu gan không được rửa sạch có thể dẫn đến tình trạng đào thải trong cơ thể của cháu Diệp. Quá trình cắt gan hỏng của cháu Diệp cũng gặp khó khăn.

14h00: các bác sĩ đang làm những động tác cuối cùng tách gan người bố sau khi hoàn thành việc phẫu tích mạch máu đường mật ở vùng cuống gan để lấy mảnh ghép. Ở phòng bên, kíp phẫu thuật cũng sắp hoàn thành phẫu tích gan cháu Diệp.

14h30': các bác sĩ vẫn đang cắt những mạch máu cuối cùng nối hai phần gan của người bố, vừa cắt bằng dao Kusa, vừa thắt các mạch máu lớn để chống mất máu.

15h25': các bác sĩ khâu kín vết mổ trên phần gan còn lại của người bố. Phần gan tách đã chuyển sang phòng bên để ghép cho cháu Diệp. Tuy nhiên, gan của bé Diệp bị xơ cứng teo lại thành một cục xung quanh bám đầy phúc mạc và chưa tách hết được phần gan hỏng của cháu Diệp.

djU5ymid.jpgPhóng toGan của người bố đã được tách16h28': Các bác sĩ đã lấy thành công phần gan của ông Phòng. 16h33 phút ca mổ cắt bỏ gan của bé Diệp cũng đã hoàn tất. Các bác sĩ sẽ bắt đầu ghép gan của người bố cho con gái. Dự kiến đợt phẫu thuật này sẽ kéo dài từ 3 đến 4 giờ.

17h5: hoàn tất việc tạo hình "đầu nối" động mạch, tĩnh mạch ở phần tiếp nhận gan của bé Diệp.

17h20': Ổn định vết khâu cho người bố trước khi đưa vào phòng hậu phẫu. Bên phòng mổ bên cạnh, các bác sĩ bát đầu tạo tĩnh mạch cửa trên gan cho cháu Diệp và ở phần gan cho cấy ghép của người cha.

Các bác sĩ đóng ổ bụng của người bố.

18h10': Các bác sĩ bắt đầu đặt mảnh gan ghép vào chỗ ghép gan. Mảnh gan này được lấy từ thùy trái gan của bố bé Diệp. Chủ trì ekip ghép gan là PGS TS Lê Thanh Hải, PGS TS Nguyễn Thanh Liêm và một giáo sư người Nhật. Trước đó, các bác sĩ tiến hành làm sạch ổ bụng và dùng các ống xông để định vị các động và tĩnh mạch.

Q92IKjYB.jpgPhóng toÔng Nguyễn Quốc Được, ông nội Diệp lo lắng theo dõi màn hình về ca phẫu thuật của con trai và cháu nội - Ảnh Việt Dũng18h20': Các bác sĩ đang tiến hành khâu động mạch gan của bé Diệp. Đây là công đoạn khó khăn nhất của quá trình ghép gan. Anh Phòng, bố của Diệp hiện đã tỉnh và đang được chăm sóc tại khâu hậu phẫu. Ngân hàng mô chuẩn bị hai mạch máu để hỗ trợ cho ca phẫu thuật này.

Ông Đặng Tất Hùng - chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình cho biết: "Đây là một tín hiệu tốt ở người cho gan vì thông thường những người tỉnh sau khi cho gan là điều rất tốt. Hiện anh Phòng đang được chăm sóc và theo dõi sức khỏe".

Khâu ghép gan cho bé Diệp bao gồm 3 công đoạn: nối động mạch, nối tĩnh mạch và nối ống mật. Mỗi công đoạn kéo dài khoảng 1 giờ, trong đó khó khăn nhất là công đoạn nối động mạch. Bởi vì khi nối động mạch thì áp lực trong máu rất lớn (gần bằng một máy bơm nước), nếu không cẩn thận thì động mạch sẽ bị vỡ.

Ở khâu tách gan, đường kính động mạch gan của bố Diệp khi tách gan là 2mm. Như vậy, trong công đoạn nối động mạch này thì các chuyên gia cũng sẽ nối vào động mạch gan của bé Diệp có đường kính là 2mm. Mỗi mm sẽ mất khoảng 9 mũi khâu. Các chuyên gia đang khâu những mũi đầu tiên.

18h57': Khâu ghép gan vẫn đang tiếp tục. Bên ngoài phòng mổ, anh Khuất Duy Thái ở ngân hàng mô mang theo hai mạch máu để khi cần thì hỗ trợ cho ca phẫu thuật. Anh Thái đang cầm 2 mạch máu (một mạch có chiều dài 6 cm và một dài 18cm) đang được bảo quản trong Nitơ lỏng. Hai mạch máu này dùng trong công đoạn nối tĩnh mạch và nối ống mạch nếu chiều dài mạch máy không đủ nối.

JFQyw0wd.jpgPhóng to
Phóng viên Lan Anh đang theo dõi ca phẫu thuật - Ảnh Việt Dũng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Thái cho biết trường hợp của Diệp có thể không cần dùng đến các mạch máu này vì phần gan tách từ anh Phòng là phần gan bên trái, mạch máu khá dài. Và gan của bố Diệp là gan của người lớn, khá to cho nên sẽ đủ để ghép cho bé Diệp.

19h10': Sau gần hai giờ đặt trong ổ bụng, phần gan ghép của Diệp đã "động đậy". Khâu ghép gan vào bé Diệp vẫn đang tiếp tục. Tình trạng sức khỏe của anh Phòng, bố Diệp đang rất tốt. Cả hai bố con Diệp sẽ được theo dõi đến sáng mai. Ngân hàng mô chuẩn bị mạch máu để hỗ trợ cho ca phẫu thuật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào lúc 19 giờ, một thành viên của Ban điều hành ca mổ cho biết tình hình sức khỏe anh Phòng, bố Diệp đang tiến triển tốt. Anh Phòng đã an toàn. Cả Diệp và bố sẽ tiếp tục được theo dõi đến sáng hôm sau.

Các bác sĩ cho biết nếu anh Phòng bị đau thì sẽ được tiêm thuốc ngủ để anh ngủ nhân tạo trong thời gian 3 ngày. Nhưng theo quan sát của PV Tuổi Trẻ thì hiện giờ anh Phòng vẫn còn rất tỉnh.

Trong lúc này, khâu ghép gan vẫn đang tiếp tục. Các bác sĩ đang ghép động mạch gan của bố cho Diệp. Để thực hiện công việc này, các chuyên gia phải dùng một dung dịch để chống đông máu và một loại dung dịch khác giúp động mạch giãn to, dễ dàng cho việc khâu.

NFGwXw5c.jpgPhóng toAnh Phòng đang được chăm sóc sau khi cho gan19h42': Các mạch máu lớn đã được nối xong, các bác sĩ đang sắp xếp lại các mạch máu và sử dụng kính vi phẫu để khâu các mạch máu nhỏ. Sau hơn hai giờ đặt trong ổ bụng, phần gan ghép của Diệp đã "động đậy". Tình trạng sức khỏe của anh Phòng, bố Diệp đang rất tốt và vừa được đưa sang phòng hậu phẫu. Khoảng nửa giờ nữa ca phẫu thuật sẽ kết thúc.

TS Phạm Văn Hoàng - chỉ huy điều hành ngoài phòng mổ cho biết, hiện giờ (19h45') trong phòng mổ có 4 kỹ thuật viên, 2 người gây mê, một nhân viên đưa đạo cụ và 18 chuyên gia phụ trách điều khiển máy móc. Vai trò của 2 người gây mê rất quan trọng, họ phải giữ để Diệp không hôn mê quá sâu.

Các chuyên gia phải dùng kính vi phẫu (phóng to 80 lần) để hỗ trợ cho việc khâu động mạch gan. Đến giờ này, Diệp vẫn chưa cần dùng tới mạch máu của ngân hàng mô.

Anh Phòng đang được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại phòng hậu phẫu. Khoảng nửa giờ nữa ca phẫu thuật sẽ kết thúc.

GBwslKoe.jpgPhóng to
PV Tuấn Thành đang phỏng vấn bác sĩ Đặng Tất Hùng về diễn biến ca ghép gan - Ảnh Việt Dũng
Các bác sĩ đang dùng kính vi phẫu để nối các mạch máu nhỏ. Đây là công đoạn vô cùng khó khăn, đòi hỏi tập trung cao độ.

Lúc 21 giờ kém 20', một số y bác sĩ đã rời khỏi phòng mổ. Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng cho biết đã nối gần xong các động và tĩnh mạch của Diệp. Các công việc cuối cùng như nối mật ruột và đóng ổ bụng đang được tiến hành thuận lợi. Nếu không có gì thay đổi, trong khảong 30 phút nữa, ca mổ sẽ kết thúc tốt đẹp. Cháu Diệp mất máu ít, chỉ phải tiếp chưa tới 1l máu.

Tình hình sức khỏe của anh Phòng vẫn tiến triển tốt. Phần gan hư cắt bỏ của Diệp nặng khoảng 700gr và cứng như một cục đá mài. Trọng lượng phần gan lấy từ bố Diệp khoảng 450gr.

Như vậy, cho đến giờ phút này thì cuộc đại phẫu thuật diễn ra khá suôn sẻ, không gặp nhiều khó khăn như các chuyên gia lo lắng ban đầu.

21h23', đã hoàn tất nối động mạch và tĩnh mạch. Các bác sĩ đang bắt đầu nối ống mật từ gan ghép vào ruột của Diệp. Đây là một khâu rất phức tạp và khó khăn vì đường kính ruột của Diệp to gấp 3 lần đường kính ống mật của bố Diệp. Ống mật của cả hai bố con Diệp nhỏ hơn bình thường nên các bác sĩ cũng gặp khó khăn.

Ông Lê Nam Thắng, Viện Nhi trung ương, người đã tham gia vào ekip trực tiếp lấy gan cho biết sau khi hoàn tất công đoạn nối động mạch và tĩnh mạch, các bác sĩ đang nối ống mật từ gan ghép vào ruột của Diệp. Và sau đó sẽ tiếp tục nối ruột với ruột, mở thông hỗng tràng để đưa thức ăn và theo dõi lượng dịch tiết ra từ gan. Ông Thắng cho biết thêm nếu ngày mai gan tiết dịch thì chứng tỏ gan đã hoạt động tốt.

Tuy nhiên, vì đường mật của hai bố con bé hơn bình thường cho nên việc nối ống mật khá khó khăn. Không những vậy, đường kính của ruột Diệp to gấp 3 lần đường kính ống mật của anh Phòng cho nên công việc sẽ khó khăn gấp bội.

Công đoạn nối vi phẫu hoàn toàn do 3 bác sĩ Việt Nam, Vũ Quang Vinh, Trịnh Cao Minh và Vũ Nhất Định đảm nhiệm. Cũng theo tiến sĩ Lượng,sau ca mổ, điều đáng ngại nhất đối với cháu Diệp là chảy máu sau mổ và tắc động mạch nối. Sau hai tuần hậu phẫu mới có thể nói được chính xác tình hình sức khoẻ của cháu.

Tiến sĩ Lượng cho biết hầu như anh Phòng không phải tiếp máu.

22h12', đã hoàn tất nối ống mật với ruột. Các bác sĩ đang bắt đầu nối ruột với ruột của Diệp. Tiếp đó, các bác sĩ sẽ mở thông hỗng tràng để đưa thức ăn và theo dõi lượng dịch tiết ra từ gan. Ông Lê Nam Thắng, Viện Nhi trung ương cho biết thêm nếu ngày mai gan tiết dịch thì chứng tỏ gan đã hoạt động tốt.

22h37', Với một sự cảm động, GS Lê Thế Trung, chủ tịch Hội đồng chỉ đạo ghép gan, Học viện Quân y cho biết cuộc phẫu thuật gần như hoàn tất, các bác sĩ đang đóng thành bụng của Diệp. Công việc này có thể kéo dài đến 00 giờ.

GS Trung cho biết thêm là chúng ta có thể nói cuộc phẫu thuật đã thành công, không như những lo lắng ban đầu của nhiều chuyên gia. Thời gian tới sẽ có khoảng 5 bệnh viện ở Việt Nam tiến hành ghép gan.

GS Trung cho biết vì gan của bé Diệp đã phẫu thuật cho nên bị dính rất nhiều thứ, rất dễ chảy máu khi tiến hành phẫu thuật. Vì lo sợ điều này nên ekip đã chuẩn bị 20l máu. Nhưng rất may là khi phẫu Diệp không mất nhiều máu và chỉ cần khoảng 1l máu. Trong cuộc phẫu thuật các bác sĩ đã cung cấp cho Diệp 1l máu, 250ml huyết tương, 300 ml tiểu cầu. Tất cả những thứ này đều do các tình nguyện viên ở Học viện Quân y hiến.

Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỷ đồng. Trong đó, Học viện Quân y trích quỹ 1,5 tỷ đồng, Cục Quân y 300 triệu đồng, Bộ Khoa học - Công nghệ chi cho đề tài ghép gan 800 triệu đồng.

Khoảng một tháng sau, anh Phòng, bố của Diệp sẽ xuất viện. Riêng Diệp thì bé sẽ xuất viện sau ba tháng. GS Trung cho biết thêm việc đào thải gan trong khi ghép gan đã không xảy ra và việc còn lại là xem sau khi phẫu thuật gan có bị đào thải hay không.

Thời gian tới, ở Việt Nam sẽ có khoảng 5 bệnh viện tiến hành ghép gan. Riêng ca ghép gan thứ hai ở Việt Nam dự tính vào ngày 12 tháng 02 tới sẽ không tiến hành vì tình hình sức khỏe bệnh nhân không cho phép.

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5.000 ca ghép gan.

LAN ANH - TUẤN THÀNH - THY LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên