25/08/2016 08:21 GMT+7

Cá chết miền Trung: Lo sinh kế bền vững cho ngư dân

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Từ sau vụ cá chết ở miền Trung, tỉnh Quảng Trị đã thông qua một đề án tạo sinh kế bền vững cho ngư dân và bắt đầu thực hiện gần một tháng nay.

Ông Nguyễn Thanh Phấn (50 tuổi, ngư dân thôn 7, xã biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) chuyển qua trồng đậu xanh vì biển không có cá để đánh bắt mấy tháng qua - Ảnh: H.T.
Ông Nguyễn Thanh Phấn (50 tuổi, ngư dân thôn 7, xã biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) chuyển qua trồng đậu xanh vì biển không có cá để đánh bắt mấy tháng qua - Ảnh: H.T.

“Phải mạnh dạn thực hiện một kế hoạch dài hơi cho ngư dân thì mới có hiệu quả bền vững được. Và tất nhiên, kế hoạch lớn sẽ cần một nguồn vốn lớn

Ông Hà Sĩ Đồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) 

Đây là một đề án “dài hơi” và cần một nguồn vốn rất lớn để thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng tỉnh đã có phương án cân đối nguồn vốn để thực hiện thành công đề án này, đưa dân vùng biển vượt qua khó khăn.

Bám biển nhưng thay đổi ngư trường

Điểm nhấn quan trọng nhất của đề án, theo ông Hà Sĩ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là vẫn hướng ngư dân bám vào biển. Toàn tỉnh Quảng Trị có 16 xã vùng ven biển với gần 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng sau vụ cá chết. Người dân ở những vùng này đã gắn bó lâu đời với nghề biển nên nếu tách khỏi nghề biển họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi.

Do đó, phương án hỗ trợ ngư dân ngay từ đầu được đề án đặt ra là thay đổi ngư trường của ngư dân.

“Ngư dân ven biển lâu nay chủ yếu đi thuyền nan, thuyền thúng nên chỉ có thể khai thác ở các vùng biển ven bờ. Nay vùng biển này bị nhiễm độc, cá không còn nhiều để đánh bắt, mà đánh bắt được người dân cũng không dám ăn, nên phương án là giúp ngư dân ra vùng biển xa hơn một chút sẽ hợp lý” - ông Đồng nói.

Để giúp ngư dân thực hiện được sự thay đổi này, đề án của tỉnh Quảng Trị đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó khuyến khích ngư dân cải hoán, nâng công suất tàu hiện có lên. Phía tỉnh sẽ hỗ trợ hết sức cho việc này.

Theo đề án, với tàu cá từ dưới 90CV lên trên 90CV, mỗi CV tăng thêm sẽ được tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số chính sách khác liên quan giúp ngư dân bám biển cũng được đề án đưa ra: hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho tàu xa bờ và đóng bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho tàu có công suất 90CV trở lên.

Ngoài ra, tàu từ 90CV trở lên nếu đóng mới sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu (nhưng mức hỗ trợ không quá 1 tỉ đồng).

Mở hướng những nghề mới

Một giải pháp khác đã được tỉnh Quảng Trị thực hiện ngay sau khi công bố nguyên nhân cá chết, đó là chuyển đổi hoặc đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân. Tức ngoài làm nghề biển, chính quyền tỉnh khuyến khích ngư dân làm thêm các nghề khác như trồng trọt, chăn nuôi những giống cây, giống con phù hợp với vùng cát.

“Hơn một tháng nay, tỉnh đã cử 16 kỹ sư nông nghiệp về 16 xã vùng biển.

Mỗi kỹ sư sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi khoa học phù hợp với điều kiện từng địa phương. Chỉ có cách này mới giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả được” - ông Đồng cho biết.

Đề án hỗ trợ chuyển đổi sinh kế còn đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ cho tất cả người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết chứ không riêng gì ngư dân.

Trong đó có việc hỗ trợ tiền điện trong một năm cho các chủ cơ sở thu mua hải sản có kho đông lạnh; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng trong một năm đối với những hộ này nếu vốn vay dùng xây kho đông lạnh; hỗ trợ 100% chi phí mua con giống cho những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70%; hỗ trợ 100% lãi suất vay để xuất khẩu lao động...

Đề án này được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, và với rất nhiều chính sách hỗ trợ như nói trên thì tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 2.100 tỉ đồng. Đây được cho là một con số không nhỏ đối với tỉnh Quảng Trị. Và câu hỏi về tính khả thi của đề án đã được rất nhiều người đặt ra.

Ông Hà Sĩ Đồng nói khi bắt đầu lập đề án thì nhiều người cũng nghi ngại về yếu tố nguồn lực.

Tuy nhiên, đây là những giải pháp mà tỉnh buộc phải làm bằng mọi cách để giúp ngư dân thoát khỏi những khó khăn do Formosa gây ra và chính quyền tỉnh cũng đã có kế hoạch cân đối nguồn vốn để thực hiện đề án này.

“Nguồn lực chủ đạo để thực hiện đề án được tỉnh Quảng Trị xác định là từ tiền đền bù của Formosa. Nguồn lực còn lại tỉnh sẽ chủ động cân đối ngân sách từng năm để thực hiện đề án này” - ông Đồng cho biết.

Dồn vốn cho dân vùng biển

Ông Nguyễn Đức Đồng, giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị, cho biết ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Trị lập đề án hỗ trợ dân 16 xã vùng biển chuyển đổi sinh kế sau vụ cá chết, ngân hàng này đã xin hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách trung ương bổ sung 30 tỉ đồng cho ngư dân ven biển vay phục vụ sản xuất.

Mới đây, Ngân hàng Chính sách cũng đã dùng toàn bộ số tiền thu hồi nợ vay của các huyện khác trong tỉnh được thêm 19 tỉ đồng nữa và cũng đã chuyển toàn bộ về cho dân vùng biển vay.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng trích ngân sách địa phương thêm 3,7 tỉ đồng thông qua ngân hàng này để cho ngư dân vay thêm. Ông Đồng cho biết tất cả số tiền hơn 50 tỉ đồng này đã được giải ngân hết cho 1.800 hộ dân vùng ven biển vay sau thảm họa cá chết (mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ).

Tận dụng tối đa vùng cát trắng

Ông Hà Sĩ Đồng cho biết cũng nằm trong kế hoạch cải thiện sinh kế cho ngư dân, vừa qua một đoàn chuyên gia của Viện Nông nghiệp Việt Nam đã vào khảo sát các vùng cát ven biển theo thư đề nghị của tỉnh này để nghiên cứu tìm giống cây phù hợp với điều kiện.

Trước mắt, nhóm này đã chọn phương án trồng 100ha dứa ở vùng cát ven biển và cam kết kêu gọi xây dựng được một nhà máy chế biến dứa ở ngay tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho dân. Công ty Thương mại Quảng Trị cũng đã trình phương án xây dựng vùng ven biển thành một vùng trồng cây sả và cam kết bao tiêu sản phẩm cho dân.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên