Chồng tôi là GS.TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam bị đột quỵ và vào Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) chữa trị tính đến nay đã gần một tháng. Ông ấy phải chịu đựng đủ thứ bệnh khác từ đau khớp, thoát vị đĩa đệm đến viêm thần kinh tọa.
Biết chồng tôi bị đau nhức vào mùa lạnh do bệnh tật hành hạ, học trò ông ở Luxembourg (Bỉ) gửi bảo đảm về cho ông thùng thuốc. Dù phía bưu điện Luxembourg cho biết thùng thuốc đã tới Việt Nam lâu rồi nhưng chờ đợi mãi gia đình tôi vẫn không nhận được.
Sốt ruột, học trò của chồng tôi chuyển phát nhanh giấy gửi của bưu điện bên đó về để tôi ra bưu điện tìm kiếm. Đến khoảng ngày 9-2, tôi nhận được giấy báo gửi đến nhà mời chồng tôi ra Bưu điện trung tâm Nam Sài Gòn (1441 Huỳnh Tấn Phát, quận 7) để nhận bưu kiện.
Gia đình tôi rất neo đơn, chồng nằm viện, tôi túc trực chăm sóc, nhà đóng cửa. Ngày 11-2, tôi phải bỏ chồng nằm ở viện để sang Bưu điện quận 7, mang theo bốn loại giấy tờ: giấy mời của bưu điện đến nhận bưu phẩm, giấy gửi hàng của bưu điện Luxembourg, chứng minh nhân dân của chồng tôi và của tôi.
Trình hết giấy tờ ra nhưng phía bưu điện không cho nhận mà nhất quyết chỉ giao bưu phẩm tại nhà. Tôi phải ở bệnh viện túc trực nuôi chồng, làm sao có mặt ở nhà mà nhận thuốc về cho chồng uống? Tôi giải thích, đưa mọi giấy tờ nhưng người của bưu điện không xem, chỉ quyết: “Chị phải về nhà, chúng tôi mới giao hàng cho chị”.
Tôi đồng ý về nhà và hỏi khi nào bưu điện giao được thì được trả lời bưu tá đang đi ngoài đường. Lúc đó đã sắp tới giờ nghỉ trưa, tôi không biết bưu tá lúc nào đến nhà để tôi chờ, trong khi chồng tôi đang cần tôi chăm sóc ở bệnh viện nên tôi phải vào bệnh viện.
Sau đó tôi có nghe hàng xóm cho biết anh bưu tá mang thùng thuốc đến nhờ họ nhận giúp nhưng họ không dám nhận.
Không biết đây có phải là nguyên tắc của bưu điện không? Trong khi tôi rất nôn nóng nhận được thùng thuốc để về chữa trị cho chồng.
Đại diện Bưu điện trung tâm Nam Sài Gòn trả lời:
- Ngay khi kiện hàng tới, bưu tá đã đi giao tại địa chỉ nhận với tên người nhận là Nguyễn Văn Nam trên bưu kiện. Tuy nhiên cả hai lần đến, nhà ông Nam đều không có người nên bưu tá gửi giấy báo cho gia đình đến bưu điện nhận hàng theo quy định.
Khi bà Huỳnh Mẫn Chi - vợ ông Nam - mang giấy tờ đến nhận thì các nhân viên đã nghe lầm bà Chi trình bày là cháu ông Nam.
Bưu tá phụ trách khu vực nhà ông Nam biết rõ nhà ông chỉ có hai người, nay lại là cháu đến nhận, không có căn cứ xác minh là người nhà nên chỉ đồng ý giao hàng tại nhà để bảo vệ tối đa quyền lợi của người nhận, tránh phát sinh khiếu nại sau này.
Họ cũng đã cung cấp số điện thoại cho bà Chi để hai bên có thể thống nhất giờ giao nhận nhưng vẫn không thỏa thuận được nên sau đó đến nhà vẫn không gặp.
Lãnh đạo bưu điện không được báo trường hợp cụ thể cũng như hoàn cảnh ngặt nghèo của ông Nam để có thể linh động sắp xếp.
Nhân viên bưu điện thực hiện theo đúng quy định nhưng có lỗi vì đã không giải thích thỏa đáng với khách hàng và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc tạo điều kiện tối đa cho khách hàng.
Trong trường hợp này, họ có thể trực tiếp xin ý kiến lãnh đạo để giải quyết linh động theo hướng giao hàng tại nhà theo giờ yêu cầu của bà Chi hoặc giao tại bệnh viện cho ông Nam.
Bưu điện đã gửi lời xin lỗi gia đình ông Nam về nhầm lẫn của nhân viên và đã liên hệ với gia đình ông Nam để khắc phục, chuyển thùng thuốc đến trong sáng 28-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận