02/10/2019 09:00 GMT+7

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 1: Tôi là ai?

NGUYỄN HỮU HẠNH
NGUYỄN HỮU HẠNH

TTO - Sau sự kiện 30-4-1975, người ta mới được biết chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng Việt Nam cộng hòa là người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại sao? Hãy nghe chính ông giải thích…

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 1: Tôi là ai? - Ảnh 1.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Ảnh tư liệu

Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc (tổng tham mưu trưởng, vắng mặt) yêu cầu tất cả các quí vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam cộng hòa về ngưng bắn…

Nhật lệnh được phát liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn từ 9h30 sáng 30-4-1975 sau tuyên bố ngưng bắn của Tổng thống Dương Văn Minh

Nguyễn Hữu Hạnh là ai?

Lời ông nội dạy

Tôi sinh ngày 26-8-1924 (theo trích lục tòa thì sinh ngày 10-7-1926) tại xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (bây giờ là tỉnh Tiền Giang). Ông nội là Nguyễn Quang Phát, bà nội là Phạm Thị Trà. Cha là Nguyễn Hữu Điệt. Mẹ là Nguyễn Thị Có (Tư Hiền).

Gia đình nông dân có khoảng 4 mẫu ruộng tự khai thác.

Ông nội là một nhà nho có trình độ, không chịu tham gia làm hương chức hội tề và thường nói "làm dân tốt hơn làm làng". Ông thường giảng dạy cho con cháu về "Nhân - nghĩa - lễ - trí - tín", "Đạo làm người".

Năm 1949, được 72 tuổi, ông nội thắt cổ tự vận chết. Ông buồn vì thời đó quân Pháp thường đi ruồng bố, và có lần một tên lính Marốc đã dùng cây khỏ lên đầu ông. Ông nói lúc đó ông muốn tát tay lại để nó bắn chết cho rảnh,nhưng ông lại nhẫn nhịn.

Lúc còn nhỏ, tôi đi học tại College Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học thêm. Trình độ tú tài.

Tôi có người bà con bên bà nội tên Nguyễn Tấn Thành (Tám vô tư) lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi. Lúc tôi được trên 10 tuổi, tôi có ở nhà bác Tám để đi học. Tôi rất kính nể bác Tám.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, bác Tám lo về quân sự và phụ trách mặt trận Kinh Xáng, xã Phú Phong. Những người lính tập cũ được giấy gọi đến Vĩnh Kim trình diện với bác Tám.

Năm ấy tôi 21 tuổi, làm thư ký cho thôn bộ Việt Minh tại xã Phú Phong. Những người trong thôn bộ là những bà con hương chức cũ trong làng.

Khi Pháp tái chiếm Mỹ Tho, nhiều người đã bỏ chạy sang Bến Tre. Tôi bơ vơ ở nhà với ông nội. Lúc bấy giờ quân Pháp thường đi ruồng bố ngang xã nên tôi lên Sài Gòn tìm việc làm. Chưa tìm được việc thì có người bạn giới thiệu tôi vào quân đội Pháp.

Nhập ngũ xong, tôi được chuyển về cùng đại đội với ông Dương Văn Minh.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 1: Tôi là ai? - Ảnh 3.

Nguyễn Hữu Hạnh ngày chịu tang cha, năm 1963 - Ảnh tư liệu

Từng bước trong quân lực Việt Nam cộng hòa

Nhập ngũ tháng 4-1946 trong đại đội với ông Dương Văn Minh, tôi làm ở văn phòng, sau đó đi học và được phong thiếu úy. Đến 1954, tôi đã đảm nhận nhiều chức vụ hành chính của nhiều cấp đơn vị, làm tiểu đoàn phó và tiểu đoàn trưởng.

Đầu năm 1954, tôi học khóa liên đoàn trưởng Liên đoàn lưu động (GM) tại Hà Nội. Cuối 1954, với cấp bậc thiếu tá trung đoàn phó trung đoàn 11, tôi nhận tiểu khu Long Xuyên do Pháp giao lại.

Đầu năm 1955, tôi được gọi về làm tham mưu trưởng cho ông Dương Văn Minh để nhận lãnh phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn (gồm Rừng Sác, tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn), phần đất cuối cùng mà Pháp giao lại.

Làm tham mưu trưởng cho ông Dương Văn Minh (với cấp bậc trung tá), tôi đã tham gia chiến dịch Hoàng Diệu (1955), chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu (1956).

Đầu 1957, tôi được chỉ định làm tham mưu trưởng Liên quân khu 1 - thủ đô và khu 5 (Nam bộ).

Năm 1958 - đấu 1959, tôi được chỉ định đi học khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Fort Leaven Worth - Kansas (Mỹ), trở về làm trong Bộ tham mưu của ông Dương Văn Minh tại Bộ tư lệnh hành quân (Bộ tư lệnh lộ quân dã chiến).

Đầu năm 1962, ông Minh gửi tôi đi học khóa tình báo, chiến thuật, chiến lược và phản gián tại Fort Hollabird - Maryland (Mỹ). Tôi không phải chuyên viên tình báo nhưng học để mở rộng kiến thức về tham mưu.

Năm 1963, tôi làm tham mưu trưởng (cấp đại tá) Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật (từ Long An đến Cà Mau).

Tháng 7-1964, làm chỉ huy phó trường Đại học Quân sự tại Đà Lạt.
Tháng 7-1967, làm tư lệnh phó sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu.
Năm 1968, làm tư lệnh biệt khu 44 (tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường).

Năm 1969, làm tư lệnh phó Quân đoàn 4 và Quân khu 4 (cấp chuẩn tướng) vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1971-1972, làm tư lệnh phó Quân đoàn 2 và Quân khu 2 (tại Pleiku và Nha Trang).
Cuối 1973, làm tổng thanh tra Quân đoàn 1 và Quân khu 1 (Đà Nẵng).

Từ 1-5-1974 tôi về hưu.

Ngày 29-4-1975, tôi trở vào quân đội trong chính phủ Dương Văn Minh với chức vụ phụ tá tổng tham mưu trưởng.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 1: Tôi là ai? - Ảnh 4.

Bản chụp tập bút ký của ông Nguyễn Hữu Hạnh - Ảnh: PHẠM VŨ

Nhích gần đến cách mạng

Năm 1956, khi tôi làm tham mưu trưởng chiến dịch Thoại Ngọc Hầu (Ban chỉ huy tại Cần Thơ), bác Tám vô tư lúc đó là huyện ủy viên huyện Châu Thành, Mỹ Tho vị bắt và bị giam tại Công an Nam Việt (Sài Gòn). Tôi cho Phòng 2 lãnh về để "khai thác" vì nhà của bác Tám ở Mỹ Tho, nằm trong phạm vi hoạt động của chiến dịch.

Thực ra, tôi đã giữ và nuôi nấng bác Tám trong khám. Khi chiến dịch chấm dứt, tôi thả và đem bác Tám về che giấu tại nhà ở Sài Gòn.

Ban đầu bác Tám chưa thổ lộ gì với tôi, nhưng thỉnh thoảng bác đi Cà Mau hoặc có người ở Cà Mau đến thăm. Tôi nghĩ bác Tám còn hoạt động nhưng vẫn kính nể. Thỉnh thoảng bác nhờ tôi giúp đỡ một số người, tôi đã giúp những ai có thể giúp được.

Năm 1958, tôi đi học ở Mỹ. Bác Tám lại bị bắt giam ở Phú Lợi. Năm 1963, tôi gặp lại bác và từ đây tôi và bác Tám thường tranh luận với nhau về chủ nghĩa xã hội và đường hướng quốc gia mà tôi đang đi.

Bác Tám cũng nắm vững về chủ nghĩa xã hội nên đã làm tôi suy nghĩ khá nhiều mặc dù có những thắc mắc tôi chưa được trả lời thỏa mãn.

Trước đây tôi đã nghĩ Mỹ trước kia cũng bị trị, có lẽ sẽ giúp đỡ Việt Nam cộng hòa phát triển nền độc lập hơn Pháp. Nhưng dần dần tôi nhận thấy Mỹ xen vào nội bộ Việt Nam cộng hòa quá nhiều, tổng thống nào không hợp thì bị đảo chính.

Cố vấn quân sự Mỹ cũng xen nhiều vào việc của các cấp chỉ huy Việt Nam, thậm chí có người có vẻ hách dịch và ỷ lại vào tiền họ viện trợ. Trong khi hành quân, họ sử dụng bừa bãi vũ khí và hỏa lực, coi thường mạng sống của người dân Việt Nam.

Đối với đảng phái và tôn giáo, họ tìm cách chia rẽ. Họ bỏ đôla để mua chuộc, chia rẽ nội bộ Việt Nam cộng hòa (chính sách chia để trị, làm chính trị bằng mua bán).

Không có một ý kiến nào hoặc đường lối nào được tiến hành khi Mỹ không đồng ý. Ai có hành động chính trị gì mà không được Mỹ chấp nhận sẽ bị diệt ngay từ trong trứng.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 1: Tôi là ai? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh những ngày cuối đời - Ảnh: TỰ TRUNG

Tôi thường đọc báo nước ngoài, trong lối hành văn, tôi thấy rõ họ kính nể Chủ tịch Hồ Chí Minh, trái ngược lại họ xem thường các tổng thống miền Nam. Có lúc tôi ngồi tâm sự với ông Dương Văn Minh, ông Minh nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới kính nể, ông đã làm được nhiều việc cho Việt Nam. Còn ở miền Nam, không ai làm ra trò trống gì cả".

NGUYỄN HỮU HẠNH

Quá trình để tôi xích lại gần với cách mạng đã phải trải qua thời gian thử thách, tranh luận, tìm hiểu, giúp đỡ. Có rất nhiều sự việc, xin kể ra đây một vài việc điển hình:

Năm 1963, ba tôi chết tại Cần Thơ. Tôi đem về chôn tại đất nhà ở ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, Châu Thành, Mỹ Tho. Đây là khu giải phóng. Tôi nhờ bác Chín Quá (ông ngoại của Hai Kiểu, nguyên ủy viên thư ký quận I) xin phép với cách mạng để đem ba tôi về chôn cất. Sau này tôi mới biết cách mạng đã đánh giá tôi từ ngày ấy.

Đầu năm 1968, khi tôi làm tư lệnh Biệt khu 44, có người bà con là cậu Mười Huê từ xã Bàng Lọng (xã giải phóng) đến gửi tôi trung úy Xuân, nói là cháu. Trung úy Xuân là đại đội trưởng đại đội địa phương quân từ Ba Xuyên biệt phái cho Biệt khu 44.

Tôi đã nhận giúp đỡ và che chở, xin giữ ở lại Biệt khu 44 mặc dù tôi nghĩ anh Xuân có thể là người của cách mạng cài vào. Sau đó anh Xuân đưa vũ khí vào khu và bị bắt, còn người tải vũ khí đi lọt được.

Lúc anh Xuân bị bắt, tôi làm tư lệnh phó Quân khu 4, tôi đã can thiệp với an ninh quân đội nhưng không được vì có bằng cớ. Tôi nói anh Xuân đã giúp tôi ở Biệt khu 44 có kết quả và đổ lỗi cho người đã đi lọt ra khu. Anh Xuân được trả tự do.

Lúc tôi làm tư lệnh Biệt khu 44, cố vấn Mỹ thường gọi tôi là "Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu" vì khi xáp chiến, tôi cho cầm cự đến tối khi quân cách mạng rút, hôm sau tôi cũng rút quân về.

Tôi đã từ chối không bỏ B-52 vào mật khu trên kinh Tháp Mười, viện lẽ quá đông dân.

Lúc tôi làm tư lệnh phó sư đoàn 21, trong những cuộc hành quân, tôi cho lệnh trực thăng võ trang phải thận trọng, khi nào dưới đất bắn lên mới được bắn lại. Cố vấn Mỹ trong sư đoàn thường phản đối, cho rằng khi nào có tôi là có "thận trọng".

Tôi nói với thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh sư đoàn (Minh trước kia làm việc dưới quyền và rất kính nể tôi): "Sư đoàn đã sử dụng hỏa lực bừa bãi. Thấy cảnh chết chóc nhiều tôi không chịu nổi, có lẽ tôi sẽ không làm việc lâu với anh".

Khoảng một tuần lễ sau, có lẽ Nguyễn Văn Minh nghi ngờ nên nói: "Tôi không dám nói đại tá là Việt cộng, nhưng vì đại tá đạo đức nên mới nói với tôi như vậy".

Nói chung, những việc làm của tôi không để phạm lỗi, nhưng cũng không "tiêu diệt cách mạng" như người ta muốn. Càng hiểu cách mạng, tôi càng tìm cách giúp đỡ theo khả năng, nhất là theo yêu cầu của bác Tám.

Cuối năm 1968, bác Tám có nói chuyện với tôi về anh Tư Chi (anh Tư Chi khi công tác ở Sài Gòn thường ở nhà anh Ba Tịnh, người Bến Tre, thân nhân thường tới lui khăng khít với tôi). Đến cuối 1970 tôi mới có nhiệm vụ.

Theo yêu cầu của binh vận Trung ương Cục miền Nam do bác Tám chuyển tới, bác Tám yêu cầu tôi đứng vào lực lượng 3 cho cách mạng. Tôi đã chấp nhận.

Có lần bác Tám yêu cầu tôi ra khu, nhưng tôi muốn được ở lại hoạt động công khai. Tôi yêu cầu không liên lạc thẳng với cách mạng mà chỉ qua bác Tám. Bác Tám cũng không bao giờ nói đến tên tôi mà chỉ dùng bí số.

Bác Tám thường vào khu gặp anh Bảy Lương và anh Sáu Rết. Sau có lúc bác Tám bị cảnh sát Định Tường bắt, tôi lập tức gọi điện thoại lãnh ra. Trong công tác, tôi thường tìm cách giúp đỡ hoặc lo cho anh em theo yêu cầu của bác Tám.

Phần lớn, tôi cung cấp những tin tức chiến lược: Khi Phước Long thất thủ, tôi nói không có quân tiếp viện. Buôn Mê Thuột bị bỏ ngỏ, quân Việt Nam cộng hòa không có chuẩn bị, khi thất thủ không có tổ chức nào ở lại hậu phương.

Khi quân giải phóng tiến về miền Nam, tôi cho bác Tám biết quân xung kích cần tiến nhanh, không sợ bị phản công, ở hậu phương khi cần giao lãnh thổ lại cho địa phương quân.

Đối với nội bộ, tôi tìm cách kích động những sĩ quan chống lại chính sách của Thiệu, chống tham nhũng. Về chỗ dựa, tôi đứng trong hàng ngũ của ông Dương Văn Minh. Có lẽ Thiệu nghi ngờ nhưng không bằng cớ nên đã cho tôi giải ngũ năm 1974 với lý do trên 25 năm quân vụ.

Khi quân giải phóng tiến vào Nam, Binh vận Trung ương Cục phái bác Tám gặp tôi bàn về việc ông Dương Văn Minh lên nắm chính quyền. Chừng đó tôi phải tìm cách nắm quân đội, tìm mọi cách thuyết phục ông Minh đầu hàng. Trường hợp không được sẽ phối hợp với quân cách mạng chiếm lấy phần lãnh thổ còn lại (phần kế hoạch này sẽ tính sau).

Tôi có đưa ý kiến với bác Tám: muốn thúc đẩy người ta giao nhanh cho ông Minh, quân cách mạng phải cắt đứt các đường lộ dẫn vào Sài Gòn cỡ cấp sư đoàn. Việc liên lạc của tôi với anh Tư Chi, Bảy Lương, Sáu Rết đều qua bác Tám. Những chỉ thị từ Binh vận Trung ương Cục hoặc của các anh đều do bác Tám chuyển đến.

Khi được làm phụ tá tổng tham mưu trưởng, tôi đã tạo động cơ để thúc đẩy ông Dương Văn Minh đơn phương tuyên bố bàn giao quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, từ đó tôi mới chỉ thị quân đội buông súng được.

Nội dung của chỉ thị yêu cầu các quân đoàn, sư đoàn, địa phương quân, nghĩa quân, lực lượng vũ trang, nhân dân tự vệ hãy triệt để thi hành lệnh của tổng thống. Từng đơn vị trực tiếp liên hệ với lực lượng của Chính phủ cách mạng, đối diện để buông súng và bàn giao lãnh thổ mà mình chịu trách nhiệm, cố gắng tránh đổ máu.

"Tôi rất vui mừng khi làm xong nhiệm vụ mà Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam Việt Nam chỉ đạo. Đóng góp phần nhỏ bé của mình cho công tác binh vận, một trong ba mũi giáp công mà Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, hướng dẫn cho cách mạng Việt Nam chiến thắng, miền Nam và thành phố Sài Gòn còn nguyên vẹn".

NGUYỄN HỮU HẠNH

* Tít và tít phụ do Tuổi Trẻ Online đặt.

-----------------------------------

>> Kỳ tới: Phải giữ Sài Gòn

NGUYỄN HỮU HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên