04/07/2020 11:14 GMT+7

Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam và các nước xung quanh bắt đầu tìm thấy sự thống nhất trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp - Ảnh 1.

Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords xuất hiện gần nhau hôm 1-7 trên Biển Đông Ảnh lớn: US NAVY - Ảnh nhỏ: Một tàu kiểm ngư lớp KN-750 của Việt Nam

Trong vòng 72 tiếng đầu tiên của tháng 7-2020, câu chuyện Biển Đông chứng kiến những diễn biến đáng chú ý từ bàn đàm phán cho đến thực địa.

Mỹ hoan nghênh việc các lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Trung Quốc không thể được phép xem Biển Đông là đế chế hàng hải của mình...

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh UNCLOS 1982 khi hoan nghênh kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 36.

Mặt trận pháp lý

Trung Quốc đã thông báo về cuộc tập trận của hải quân nước này từ ngày 1-7 tới 5-7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng phi pháp của Việt Nam. Hành động này nhanh chóng vấp phải sự phản ứng từ phía Việt Nam, Mỹ và cả Philippines.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định việc Trung Quốc tiến hành tập trận đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

"Việc làm của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)... Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành vi tương tự trong tương lai" - bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó cũng ra một thông điệp chỉ trích hành động tập trận của Trung Quốc nêu trên. 

Lầu Năm Góc khẳng định các cuộc tập trận này nằm trong một loạt những hành động của Trung Quốc trong việc áp đặt tuyên bố chủ quyền phi pháp và gây bất lợi cho những nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông. 

Gần như ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tối 2-7 cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc "vô cùng khiêu khích" khi tập trận tại những vùng nước vượt quá lãnh hải của Trung Quốc.

Những động thái lên tiếng nhất loạt của Việt Nam, Mỹ và Philippines đã gợi lên sự thống nhất trong cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông: lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở pháp lý phản đối hành động của Trung Quốc. 

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã thúc đẩy lời kêu gọi thượng tôn pháp luật, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. 

Công ước đã xuất hiện gần như trong toàn bộ các tuyên bố chính thức về quan điểm của Việt Nam, và cũng được trích dẫn trong các tài liệu chính thức từ Indonesia, Philippines và Hội nghị cấp cao ASEAN 36 vừa qua.

Không để Trung Quốc câu giờ

Bên cạnh cuộc tập trận bị chỉ trích nêu trên, Trung Quốc cùng thời gian này cũng triển khai tàu khảo sát Hải Dương 4 (HD4), được cho đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2-7, khi được hỏi về hoạt động của HD4 ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp UNCLOS 1982. Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới".

Trước đó, hải quân Mỹ cũng công bố các bức ảnh cho thấy màn "chạm trán" giữa tàu chiến USS Gabrielle Giffords và HD4 tại một khu vực chưa xác định ở Biển Đông hôm 1-7.

Màn "chạm trán" trên phản ánh thực tế rằng tần suất đối đầu giữa hoạt động của tàu Mỹ ở các nơi xuất hiện tàu Trung Quốc ngày càng dày đặc, và điều này góp phần cho thấy Lầu Năm Góc nhiều khả năng đã thống nhất trong cách nhìn nhận về mưu đồ của Trung Quốc và đưa ra cách phản ứng thích hợp.

Trong suốt thời gian qua, nhiều quan chức Mỹ thuộc các nhánh khác nhau trong chính quyền đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi, trong đó có Biển Đông. 

Những diễn biến gần đây cho thấy chính quyền Mỹ có lý do trong việc thường xuyên nói Trung Quốc "lợi dụng đại dịch". Chi tiết này nằm ở các cuộc đàm phán COC, vốn đã ngưng trệ từ lâu cũng vì đại dịch COVID-19.

Nói như quan chức Jose Tavares bên phía Indonesia ngày 17-6, đàm phán COC yêu cầu các quan chức từ cả hai bên (Trung Quốc và ASEAN) phải gặp mặt trực tiếp: "Rất khó để đàm phán COC theo hình thức trực tuyến, nên chúng tôi phải đợi khi tình hình cải thiện và khi đó có thể tái lập các cuộc thảo luận trực tiếp".

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2-7 cho biết sau Hội nghị tham vấn quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc (ACSOC) lần thứ 26, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết đàm phán COC và sớm nối lại đàm phán khi điều kiện cho phép.

Ngay khi đang gặp gỡ các nước ASEAN ngày 1-7 để bàn về việc nối lại đàm phán COC, Trung Quốc vẫn ngang nhiên hành động trên thực địa, làm phức tạp tình hình và tổn hại tới việc đàm phán. 

Cách ứng xử của Bắc Kinh trong đại dịch đã khiến niềm tin giữa các bên bị tổn thương, và tình hình này chắc chắn không được phép kéo dài.

Ngưng trệ COC có lợi cho Trung Quốc

GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Úc) cho rằng khi COC ngưng trệ, Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất.

"Vì họ đã liên tục áp đặt chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian đại dịch và hình thành "những thực tế trên thực địa" như tạo ra hai quận hành chính quản lý ở Biển Đông, sửa tên nhiều thực thể ở vùng biển này và thách thức việc thăm dò dầu khí của Malaysia.

Nói cách khác, Trung Quốc đã không tự kiềm chế mà lại tận dụng COVID-19 để tăng cường vị thế nhằm kiếm lợi thế trên bàn đàm phán" - GS Thayer nhận định với Tuổi Trẻ.

Mỹ điều 2 tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới Biển Đông gần nơi Trung Quốc tập trận Mỹ điều 2 tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới Biển Đông gần nơi Trung Quốc tập trận

TTO - Mỹ sẽ điều hai tàu sân bay USS Reagan và USS Nimitz tới Biển Đông từ hôm nay 4-7 như một thông điệp thách thức với những động thái quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên