Họ không tin đó là sự thật, không chấp nhận kết luận của bác sĩ. Nhưng không thể khước từ, họ buộc phải đương đầu thực tế, bước đi trên con đường mà họ gọi là số mệnh.

Ba con người, ba hoàn cảnh, đến từ ba vùng đất. Một người là cha, một người là mẹ và một người là bác ruột. Họ có chung nỗi đau tột cùng, nỗi âu lo và cả sự ám ảnh: con cháu mình mắc ung thư. Mỗi câu chuyện là một lát cắt cuộc sống thực tại của những mảnh đời bị bủa vây bởi vòng xoáy ung thư.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 1.

Trên chuyến xe khách Bến Tre - bến xe Miền Tây một buổi sáng mùa thu cách đây 5 năm, Trương Khắc Dũng ôm đứa con gái 11 tuổi đang sốt li bì vào lòng.

Anh nông dân 40 tuổi đem con lên Sài Gòn với niềm tin rằng bác sĩ giỏi sẽ chữa dứt điểm cơn sốt của con gái đã dai dẳng mấy tuần lễ. Còn Ngọc, con gái anh dù mệt nhừ nhưng vẫn không nguôi chút háo hức, bởi dù gì cũng nhờ bệnh mà lần đầu tiên trong đời được lên Sài Gòn.

Nơi hai cha con đặt chân đến ngay không phải là Đầm Sen, Thảo Cầm Viên mà là Bệnh viện Nhi đồng 1, bắt đầu những tháng ngày lấy bệnh viện làm nhà. Phát hiện lá lách to bất thường, bác sĩ cho Ngọc chuyển sang bệnh viện Ung bướu xét nghiệm. Ngọc được đưa đến bệnh viện Truyền máu huyết học xét nghiệm thêm lần nữa.

5 năm qua, cuộc sống của cha con anh Dũng - bé Ngọc là ở bệnh viện.

Bác sĩ kết luận: Ngọc bị bạch cầu lympho cấp.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 4.

Khi bác sĩ cho đi xét nghiệm ở hai bệnh viện "để ăn chắc", người bố này vẫn cầu mong đó là nhầm lẫn của y học như vẫn thường xảy ra mà anh nghe trên đài báo. Điều đó đã không xảy ra khi cả ba bệnh viện đều cùng một kết luận.

Vợ anh bị bệnh tim, buộc lòng anh phải giấu vợ. Bác sĩ ghi trong kết quả bị bạch cầu lympho cấp, anh biết rõ là ung thư nhưng lại lắc đầu "cha cũng không biết, bác sĩ nói vậy nghe vậy" khi con hỏi, vợ hỏi. 

Vào điều trị trong bệnh viện Ung bướu TP.HCM, từ từ vợ anh cũng hiểu, dù anh chưa một lần nói thẳng.

Khi vô toa thuốc đầu tiên, Ngọc đã biết mình mắc ung thư, nhưng chỉ nói với cha một câu: "Vậy mà cha cũng giấu". Em nói với cha nhẹ tênh như cách mà chính em đối diện với những cơn đau giày vò thể xác suốt 5 năm qua.

Trong những đêm thức trắng bên hành lang bệnh viện, anh cố lý giải vì sao con gái mắc ung thư. Hai bên nội ngoại chưa từng ai mắc bệnh. Hay do ăn uống?

Nhưng nhiều năm trong viện, anh chứng kiến những trường hợp vừa lọt lòng ở bệnh viện Nhi đồng đã chuyển sang bệnh viện Ung bướu. Sữa mẹ chưa kịp bú thì ăn uống được gì?

Cuối cùng, anh đành đưa ra một lý do mà anh tạm chấp nhận để nguôi ngoai đi phần những trăn trở trong lòng. "Số mệnh nó không may mắn như những đứa khác, đành chịu, chứ biết sao giờ", anh nói.

5 năm nằm viện, da thịt của con gái "tiêu hết trơn" bởi kim tiêm, bơm tủy… Người cha gầy guộc này đau đớn như chính da thịt mình bị ai giằng xé. Nhưng có một nỗi lo khác còn lớn hơn, khi chứng kiến những bệnh nhi cùng phòng "trở về nhà".

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 5.

"Có đứa đang khỏe vậy, nhưng mệt mệt là đi luôn. Có đứa đang chơi đùa vậy mà đùng cái đi ngọt luôn. Mình không hiểu được nữa". Cứ mỗi lần có ai "trở về nhà", anh dụ Ngọc đi chơi, tránh căn phòng đó.

Nhưng được vài lần, Ngọc biết. Em nói thẳng: "Có gì đâu mà né? Đứa nào như đứa nấy, trước sau gì cũng vậy thôi". Câu nói đó như chạm vào nỗi lo lớn nhất, không ít lần anh đặt ra: "Không biết chừng nào tới mình?". Nhưng, còn nước còn tát, cả cha và con đều vẫn hi vọng có phép màu. Anh đã chờ phép màu ấy tròn 5 năm.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 6.

Huệ Dân (31 tuổi) không bao giờ quên được đêm đau đớn tột cùng khi chồng chị đột ngột qua đời ngày 9-11-2015. Hai năm sau ngày cưới, anh bị tai nạn giao thông khi đang đi mua chè cho con.

Chấn thương quá nặng, anh được chuyển từ Long An lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ngay trong đêm. Bác sĩ khuyên chở về, không thể cứu chữa được nữa. Gia đình năn nỉ, xin phẫu thuật nhưng bác sĩ nói "hãy dành tiền đó để về nuôi con". Cuối cùng, bệnh viện đồng ý phẫu thuật theo nguyện vọng của gia đình. Nhưng bác sĩ đã nói đúng, anh không qua khỏi.

Chồng mất, Huệ Dân chỉ còn một chỗ dựa tinh thần để bấu víu những lúc đơn côi, đó là cô con gái Anh Thư. Lẽ ra, bây giờ Thư đang học lớp mẫu giáo lớn. Nhưng 4 tháng nay, thay vì vui chơi ở trường, Thư lại suốt ngày quanh quẩn với con búp bê cũng trọc đầu như mình trong bệnh viện Ung bướu.

Trước khi vào đây Thư, đã có những tuần sốt liền không thuyên giảm. Vào bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bỗng dưng Thư lại than đau ở bụng. Siêu âm ba lần, cả ba tờ phiếu kết quả đều ghi "có khối u trong phổi". Bác sĩ dặn chị về nhà lấy áo quần lên nhập viện, mổ ngay cho cháu.

Trên chuyến xe trở về quê, chị vẫn nghĩ là không sao bởi bác sĩ "ăn chắc" mới mổ. Nhưng nằm viện 5 ngày, cháu vẫn sốt, bác sĩ vẫn chưa cho mổ, lại cho đi chụp CT.

Bác sĩ kết luận: u nguyên bào thần kinh, u ác tính.

Đó lại là một ngày nữa người phụ nữ bị bệnh tim thấy như rơi xuống vực thẳm, khi số phận trêu ngươi. "Lúc đó em xỉu lên xỉu xuống, chưng hửng vì ban đầu bác sĩ nói mổ được, nhưng giờ lại lắc đầu, nói cháu bị di căn rồi, mức độ 4" - chị nói.

Chị vẫn nhớ như in từng lời bác sĩ rằng 20% sống, 80% chết, khuyên gia đình mang cháu về nhà. Nhưng đem con về, nhìn con quằn quại từng giây, từng phút, có người mẹ nào chịu thấu? Chị năn nỉ để được bác sĩ cứu. Có bác sĩ nói với chị: "Bệnh này chỉ có trời mới cứu được thôi".

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 8.

Chị nhớ ngày chuyển qua bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ nói rằng khi vô thuốc, nếu cơ thể cháu đáp ứng được thì kéo dài sự sống thêm chút, còn không thì mau lắm, khối u ngày càng lớn sẽ ép vô tim.

Như bao bậc phụ huynh khác trong căn phòng này, chị cũng bắt đầu hành trình chạy chữa với tâm niệm "còn nước còn tát". Bây giờ, con gái chị đã vô toa thứ ba và đang chờ kết quả CT từ bác sĩ sau 4 tháng điều trị.

Ngồi bên con, nhìn mái đầu trọc, chị Huệ Dân khóc ngày, khóc đêm. Nhiều lần chị nghĩ bản thân cũng sống nửa đời người, cũng có vui, có buồn, thôi chết cũng được. Chị không tin con gái mới 4 tuổi lại mang án tử.

"Phải chi mình gánh được bệnh cho con, mình chết thay con cũng được rồi" - chị kể.

Không có đêm nào chị không chắp tay vái lên trời cao cầu nguyện, cầu mong khối u đừng di căn thêm nữa, cầu mong con đáp ứng thuốc.

Mới bốn tháng điều trị cùng con, nhưng một cây vàng - thứ duy nhất mà chồng chị để lại cho con - cũng tiêu tan theo toa thuốc. Kiệt quệ, chị chưa bao giờ nguôi ngoai hi vọng. 

"Vô đây, mình sợ con bỏ mình mà đi. Thấy con người ta mất, mình nghĩ đến con dữ lắm, sợ ngày đó dữ lắm. Mong sao con mình đáp ứng thuốc để sống với mình lâu lâu chút".

Chị bật khóc nức nở rồi ngồi thật lâu bên ngoài hành lang, hong khôi đôi mắt mới trở dám trở lại phòng bệnh nhìn con.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 10.

Câu chuyện anh Tiến kể đứt quãng trong nước mắt.

Năm 3 tuổi cha mất, năm 7 tuổi mẹ mất đều vì căn bệnh ung thư, đến năm 12 tuổi, Quyên cũng bị phát hiện mắc ung thư.

"Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây" - anh Tạ Văn Tiến (53 tuổi), bác ruột của Quyên bắt đầu câu chuyện bằng câu nói đó, rồi anh khóc.

"Không thể nói trước ngày mai, ngày mốt như thế nào, tôi chỉ cầu xin cho cháu hết bệnh thôi" - anh Tạ Văn Tiến nói.

Anh kể  từ ngày em ruột mất, anh nuôi cháu gái, bởi dân gian đã nói "sẩy cha còn chú". Anh Tiến chạy xe ôm ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Từ ngày có xe ôm công nghệ Grab, Uber, thu nhập của anh giảm sút trầm trọng. Nhưng anh cầm cự được, sáng ra sớm hơn, tối về muộn hơn, mưa gió cũng ráng chạy. 

Bù qua bù lại, một ngày anh cũng kiếm hơn 100.000 đồng, đủ lo cơm cháo cho một đứa con, một đứa cháu.

Vậy mà, cái tin cháu bị ung thư khiến anh suy sụp, dù anh đã từng chứng kiến nỗi đau đó với em trai, em dâu mình. 

Anh đưa cháu vào bệnh viện Ung bướu, quyết tâm chạy chữa. Nhà ở Sài Gòn, anh được bác sĩ cho đi đi, về về điều trị. Hôm nào bác sĩ cho về nhà một tuần, 10 ngày, anh mừng lắm. Biết như vậy là cháu khỏe, anh có thời gian chạy xe ôm. Nhưng hôm nào điều trị liên tục, anh âu lo vì biết cháu yếu, bác sĩ không dám cho về.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 13.

Hai bác cháu chở nhau vào viện với nước mắt hai hàng. Những lần vào viện gần đây, anh Tiến còn chở thêm Diệp, cô bạn thân của Quyên. Cuối tuần, được nghỉ học, Diệp lại sang nhà bày cho bạn học bài. Bạn vào bệnh viện, Diệp cũng đi theo bởi "bạn không có ai chơi bạn buồn".

Cũng nhờ vậy mà Quyên bớt buồn, có người bầu bạn, anh Tiến có thời gian chạy tới chạy lui xin thuốc, lo thủ tục...

"Bữa nào thấy cháu vui chơi là mình mừng lắm, bữa nào nó ngồi rầu rĩ thì không ổn rồi đó. Cháu vô thuốc ngày nào mừng cháu ngày đó. Bây giờ mình chỉ cầu xin ý trời cho cháu được hết bệnh, còn tương lai thế nào không dám nghĩ tới" - anh bật khóc.

8h tối, chở cháu về nhà, anh hối hả chạy ra ngã sáu Nguyễn Tri Phương. Dựng chân chống, anh ngồi trên yên xe, nhìn dòng người tất tả ngược xuôi chờ cuốc xe đầu tiên trong ngày. Chưa bao giờ, trong cuộc đời chạy xe ôm, anh mong chờ có thật nhiều khách như bây giờ, bởi sau cuốc xe ôm là cả sự sống của cháu gái.

Bước đi trên con đường số mệnh - Ảnh 14.
NGỌC HIỂN
NAM TRẦN
NAM HÀN
BẢO SUZU
THÙY TRANG
23/11/2017
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên