28/11/2015 09:45 GMT+7

​Bức xúc tình trạng câu kết nâng giá thuốc chữa bệnh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Độc quyền, mua bán lòng vòng nhiều tầng nấc trung gian, tình trạng mua chuộc, bắt tay với bác sĩ để ăn hoa hồng, chiết khấu đã làm giá thuốc chữa bệnh tại Việt Nam tăng cao.

Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) - Ảnh: Việt Dũng

Cuối giờ chiều 27-11, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 10 sau hơn một tháng làm việc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp với nhiều quyết định quan trọng.

Trước đó, trong phần thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi) trước khi bế mạc, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước tình trạng nhiều tầng nấc phân phối, bác sĩ câu kết để “ăn” hoa hồng, bắt chẹt người bệnh.

Dân VN phải mua thuốc chữa bệnh với giá cao

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị dự luật cần có một chương riêng để điều chỉnh mạng lưới lưu thông, phân phối thuốc nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động này, hạn chế số lượng quá nhiều như hiện nay có khoảng 2.000 công ty phân phối, gây rối rắm thị trường và nâng cao giá thuốc.

Phân tích sâu về tình trạng đang gây bức xúc này, bà Lan khẳng định: “Thực tế kiểm soát giá thuốc của doanh nghiệp tự kê khai giá như thời gian vừa qua chưa phải là giải pháp hiệu quả.

Tôi đề nghị phải xác định, khắc phục ba nguyên nhân chính gây bất ổn trong thời gian vừa qua, đó là: thứ nhất, độc quyền và câu kết tăng giá (vì chúng ta chưa quản lý được công đoạn xây dựng giá thuốc nhập khẩu vào VN);

Thứ hai, mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian làm đẩy giá lên; thứ ba là việc mua chuộc bác sĩ, bắt tay giữa công ty và bác sĩ để ăn hoa hồng, chiết khấu”.

Xin thêm thời gian để phát biểu, đại biểu Phong Lan đề nghị dự luật “cần quy định công khai các giấy tờ tại nhà thuốc để nhân dân giám sát, cũng như công khai danh sách cấp bằng tốt nghiệp dược sĩ hằng năm trên mạng để bớt tình trạng bằng giả.

Cần quy định hệ thống nhà thuốc trong khu dân cư, bán thuốc 24/24 giờ, bán thuốc qua mạng, bán thuốc sau khi sinh..., và điều quan trọng nhất đối với hệ thống nhà thuốc là làm thế nào để truy xuất được nguồn gốc thuốc khi đến tay nhân dân”.

Nhiều đại biểu đồng cảm với ý kiến trên khi cho rằng người dân VN phải mua thuốc chữa bệnh với giá cao hơn nhiều nước khác trong suốt thời gian dài.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho biết Luật dược năm 2005 quy định phải đảm bảo giá thuốc không cao hơn giá thuốc các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế, thương mại như VN.

“Dự luật cần thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lý giá thuốc, đồng thời làm rõ tiêu chuẩn khả thi để đảm bảo các biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá. Quy định in giá thuốc trên bao bì để các cơ quan chức năng giám sát, công khai niêm yết giá tại các cơ sở phân phối thuốc

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh)

Tinh giản 10% biên chế

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan “trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, các luật, nghị quyết mới được thông qua;

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này thật sự là ngày hội lớn của toàn dân”.

Quốc hội đã ban hành nghị quyết “tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu: “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh”.

Trong nghị quyết đề cập toàn diện nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và tư pháp này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan “tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ hơn về cải cách hành chính nhà nước.

Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng...”.

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.

Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương “đề ra giải pháp, xây dựng lộ trình đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính”...

Buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Trong ngày hôm qua, Quốc hội còn thông qua nghị quyết về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, yêu cầu phải nâng tổng số các vụ án tham nhũng bị phát hiện năm sau cao hơn năm trước.

Tại nghị quyết này, Quốc hội nêu rõ: “Cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỉ lệ trên 60%”.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, quan trọng. Trong đó, điều 40 quy định: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người từ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Người được miễn hình phạt tử hình thì chuyển thành tù chung thân.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Quốc hội nhất trí quy định “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Giải thích về quy định buộc ghi âm, ghi hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: “Việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên