20/03/2019 08:27 GMT+7

'Bức ảnh 3 tỉ đồng': Khoảnh khắc của cảm xúc hay dàn dựng?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Vài ngày sau khi bức ảnh Hi vọng của mẹ của anh Edwin Ong Wee Kee đoạt giải thưởng lớn của Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) trị giá gần 2,8 tỉ đồng, dư luận đã dấy lên những tranh luận.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Khoảnh khắc của cảm xúc hay dàn dựng? - Ảnh 1.

Bức ảnh "hậu trường" một cuộc "photo tour" xuất hiện trên mạng sau khi giải thưởng được trao cho bức ảnh Hi vọng của mẹ - Ảnh: DAILY MAIL

Hiện có xu hướng đang rất thịnh hành là các tay máy sẽ đi du lịch theo các tour chỉ sắp đặt chụp hình. Điều này sẽ đảm bảo cho họ khi về nhà có những bức ảnh đẹp để có thể nộp dự thi

Etienne Bossot (nhà sáng lập Tổ chức PicsofAsia)

Những ồn ào được "châm ngòi" từ một bức ảnh được cho là tiết lộ hậu trường của bức ảnh này. Trong đó, người ta thấy đã có cả một nhóm khoảng 12 tay máy đang vây quanh ba mẹ con người phụ nữ Mông để chụp ảnh. Và một trong những bức đó, có thể hiểu, có thể là bức đã mang lại giải thưởng lớn cho nhiếp ảnh gia người Malaysia.

Nghi vấn về sự sắp đặt

Dư luận dậy sóng kể từ sau khi anh Etienne Bossot - một nhà giáo dạy nhiếp ảnh, nhà sáng lập Tổ chức PicsofAsia, một đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch kết hợp đào tạo kỹ năng chụp ảnh tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng - đăng tải lại bức ảnh hậu trường này.

Anh kèm theo bài viết có tựa "Các bạn đang làm điều đó vì nhiếp ảnh hay vì danh tiếng?" để bày tỏ quan điểm thất vọng của anh về sự lười biếng sáng tạo của các tay máy hiện nay.

"Một bức ảnh kinh điển của một nhóm đi tour chụp ảnh đang vây quanh một nhân vật, chụp bức hình giống nhau từ gần như cùng một góc chụp", bài viết trên trang PicsofAsia bình luận.

Chia sẻ với truyền thông sau khi đoạt giải, anh Wee Kee cho biết đã chớp được khoảnh khắc của mẹ con người phụ nữ Mông khi dừng chân bên đường trong một tour du lịch tới Việt Nam, và đó là một điểm dừng chân bất ngờ.

Nhưng nhìn vào bức ảnh hậu trường được tiết lộ, anh Ab Rashid - một trong những người đầu tiên chia sẻ bức này, nhà sáng lập tạp chí Photographer and Street Photo BD Magazine - cho rằng bức ảnh đoạt giải của anh Wee Kee có vẻ không hoàn toàn ngẫu nhiên như anh mô tả.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Etienne cho biết: "Với tôi, bức ảnh hậu trường cho thấy rõ ràng một tình huống dàn dựng. Tôi thường xuyên tới miền Bắc Việt Nam và nếu có một nhóm 12 tay máy vây quanh một phụ nữ Mông, cô ấy sẽ bỏ chạy!".

Cũng theo anh Etienne, vấn đề dàn dựng trong chụp ảnh du lịch từng được anh bàn nhiều trước đây, và nay theo góc nhìn của anh, nó đang trở thành chuyện "thường ngày ở huyện", chủ yếu với các nhóm người chụp ảnh châu Á.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Khoảnh khắc của cảm xúc hay dàn dựng? - Ảnh 3.

Bức ảnh chụp 3 mẹ con người Mông tại Yên Bái - Ảnh: EDWIN ONG WEE KEE/HIPA

Việc dàn dựng một bức ảnh và thắng một cuộc thi là cách nhanh nhất để bước lên sân khấu. Đây là con đường tắt nhanh nhất để bạn được nổi tiếng. Vậy giờ hãy tự hỏi mình tại sao bạn đang chụp ảnh. Bạn có thực sự yêu thích nhiếp ảnh hay bạn chỉ muốn là một người chụp ảnh nổi tiếng. Và nếu bạn trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng rồi thì sao nữa? Tất cả những lối đi tắt mà nhiều người đang chọn này đều sai vì họ đang phản lại sự sáng tạo. Sáng tạo không đến từ việc cố gắng để nổi tiếng, và chụp những bức ảnh đang nổi tiếng. Cái này được gọi là sao chép.

Trang PicsofAsia bình luận.

Ảnh không phạm quy, nhưng...

Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) là một giải thưởng nhiếp ảnh và không phải cuộc thi ảnh báo chí. Căn cứ vào thể lệ cuộc thi, bức ảnh đoạt giải của anh Wee Kee không hề phạm quy.

PV Tuổi Trẻ đã cố gắng liên lạc với anh Wee Kee nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi. Qua những dòng chia sẻ mới nhất của anh trên tài khoản Facebook, có thể thấy có lẽ anh đã biết dư luận đang nổi sóng về bức ảnh đoạt giải của mình.

Anh viết (nguyên văn tiếng Hoa): "Gặp hoạn nạn rồi, mới biết ai là bạn bè thật sự. Cảm ơn sự khích lệ và an ủi của các anh em", sau đó 12 tiếng là một chia sẻ khác: "Trên thế giới này đúng là còn người tốt, cảm ơn trên đường đời đã gặp được các bạn!".

Trong bài viết đăng ngày 18-3 trên trang Petapixel, một trong những blog về nhiếp ảnh quen thuộc với cộng đồng chơi ảnh, tác giả Michael Zhang chia sẻ về một nguồn tin (không muốn nêu tên và có lẽ đã có mặt trong đám đông chụp ảnh hôm đó - phóng viên) cho biết người phụ nữ trong bức ảnh đã đồng ý cho chụp mẹ con cô sau khi nhóm chụp hình đề nghị.

Ảnh không phạm quy nhưng lại như giọt nước tràn ly cho những cuộc tranh luận lâu nay của giới nhiếp ảnh và người quan tâm đến nhiếp ảnh khi tác phẩm này (bị nghi vấn là sản phẩm của dàn dựng, sắp xếp) được trao giải thưởng lớn nhất về tiền mặt trong số các giải thưởng nhiếp ảnh hiện nay trên thế giới.

Rốt cuộc chúng ta luôn có những tấm hình giống nhau

Tôi là một giáo viên dạy chụp ảnh. Mục đích của tôi là giúp mọi người học nhiếp ảnh sáng tạo hơn. Chẳng hạn, tôi thấy quá nhiều người đến Việt Nam và chụp những bức hình về trẻ em và các bà lão.
Tôi không nói điều này sai, nhưng đây là chuyện mọi người đang làm, và bởi thế, rốt cuộc chúng ta luôn có những tấm hình giống nhau. Đã hơn 40 năm qua, mọi người đã tới châu Á để chụp những chân dung các bà lão, và chuyện đó thành nhàm chán.
Với tôi, việc thấy một nhóm người chụp ảnh, tất cả đều đang chụp cùng một tấm hình, để giành giải thưởng các cuộc thi, là điều rất buồn.
Thứ nhất, về phương diện sáng tạo, tất cả những người này đều đang chụp một bức hình giống nhau và không ai đang cố gắng tạo ra một cái gì đó độc đáo hơn, nguyên bản hơn.
Thứ hai, tôi lên án các cuộc thi ảnh. Trong 6 năm qua, tôi đã thấy các cuộc thi nhiếp ảnh mới mở ra trực tuyến hàng tháng. Lý do là vì đó là cách kiếm tiền rất tốt.
Người ta mở một trang web, đề nghị những người chụp ảnh thẩm định các bức hình giúp họ để đổi lấy việc "được xuất hiện" và họ kiếm được tiền. Họ không biết về nhiếp ảnh, và các giám khảo thường thiếu kinh nghiệm cả về du lịch lẫn nhiếp ảnh. Theo đó, những gì chúng ta thấy hiện nay là rất nhiều các kiểu ảnh giống nhau giành giải thưởng.

(Trích thư trả lời Tuổi Trẻ của Etienne Bossot)

Du lịch kết hợp chụp ảnh

Theo các nhiếp ảnh gia, bức ảnh Hi vọng của mẹ do tác giả Edwin Ong Wee Kee chụp có gốc gác từ những chuyến "photo tour" (du lịch kết hợp chụp ảnh).

Trò chuyện với chúng tôi, nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cho biết ở mỗi chuyến "photo tour", hướng dẫn viên sẽ lên trước kịch bản, chương trình từ đường đi, nơi đến, ánh sáng, con người. Kịch bản này sẽ lặp đi lặp lại cho nhiều nhóm du khách chơi ảnh.

Mặc dù có thể tách ra chụp tự do hoặc bố trí khác đi nhưng đa phần người tham gia "photo tour" đều chụp theo "chủ đề đã vạch". Kết quả là ảnh chụp thường giống nhau, có khi trùng nhau như hai giọt nước vì vô tình trùng một thời khắc, người chụp đứng chung một chỗ.

Mục đích của việc tham gia "photo tour" thường là kết hợp giữa đi du lịch, thăm thú cảnh sắc (nơi sản sinh ra những bức ảnh từng đoạt giải thưởng) và chụp lại một bức ảnh, dù "sao chép" ảnh đã đoạt giải nhưng là ảnh do chính mình chụp.

Cũng có người tham gia để khám phá những góc chụp khác.

MAI THỤY

Giới nhiếp ảnh Việt: Ảnh mẹ con người Mông nhận giải 3 tỉ là Giới nhiếp ảnh Việt: Ảnh mẹ con người Mông nhận giải 3 tỉ là 'ảnh sắp đặt'

TTO - Bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee vừa đoạt giải thưởng lớn (Grand Prize) của Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) với tiền thưởng lên tới gần 3 tỉ đồng đang bị giới nhiếp ảnh Việt Nam phản ứng trên mạng.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên