25/02/2020 14:59 GMT+7

Búa thoát hiểm trên xe để đâu?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Rất nhiều bạn đọc phản ảnh: đa phần các xe chở khách hiện nay không trang bị búa thoát hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc hành khách khó có thể thoát hiểm khi xe gặp sự cố.

Búa thoát hiểm trên xe để đâu? - Ảnh 1.

Nhân viên bến xe Miền Tây kiểm tra búa thoát hiểm trên xe khách trước khi xuất bến - Ảnh: VĂN BÌNH

Việc trang bị búa thoát hiểm trên ôtô là quy định bắt buộc nhưng thực tế bị phớt lờ mà lỗi không chỉ là nhà xe, một phần còn do ý thức của khách đi xe.

Đối phó

Giữa tháng 1-2020, chúng tôi đến một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) và nghe được câu chuyện "gay cấn" về chiếc búa thoát hiểm. Vị cán bộ Cục Đăng kiểm hỏi nhân viên đăng kiểm: "Vì sao cậu không chụp hình phía sau xe - nơi đặt chiếc búa thoát hiểm? Cậu có biết như vậy là sai không?". Nhân viên đăng kiểm cúi mặt không trả lời.

Vị cán bộ Cục Đăng kiểm nói tiếp: "Trong trường hợp chiếc xe này gặp tai nạn, cơ quan công an điều tra không thấy có búa thoát hiểm gắn trên xe, họ sẽ truy cứu trách nhiệm đến trung tâm đăng kiểm này. Bởi vì ở đây đã không chụp hình để lưu vào hồ sơ xác định trên xe có gắn đầy đủ búa thoát hiểm. Cậu đã làm sai quy trình kiểm định xe".

Ông Nguyễn Hồng Quang - phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50-07V (Q.Bình Tân, TP.HCM) - cho biết theo quy định, xe từ 17-30 khách phải có 4 búa thoát hiểm đặt tại vị trí gần 4 cửa kính thoát khẩn cấp. Còn xe từ 31-45 khách phải có 5 búa, xe từ 46-60 khách có 6 búa, xe từ 61-75 khách có 7 búa, xe từ 76-90 khách có 8 búa và xe trên 90 khách có 9 búa thoát hiểm.

Thế nhưng, thực tế cho thấy không ít xe vào kiểm định mà trên xe không gắn búa thoát hiểm. Khi được nhân viên đăng kiểm thông báo tạm dừng kiểm định với lý do thiếu búa thoát hiểm, lúc đó lái xe mới lăng xăng mở thùng dụng cụ sửa xe lấy ra những chiếc búa thoát hiểm để gắn lên xe.

Các đội thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiểm tra xe đò ở bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, bến xe An Sương cho biết khi kiểm định đột xuất mới phát hiện rất nhiều xe không gắn búa thoát hiểm. Khi được hỏi, các chủ xe hoặc lái xe mới mở thùng dụng cụ sửa xe đặt trong cabin hoặc ở thùng xe lấy búa thoát hiểm gắn lên xe. Chưa kể có xe gắn đầy đủ búa thoát hiểm nhưng người bình thường không tài nào lấy chiếc búa ra khỏi vị trí được lắp đặt vì chiếc búa đã bị siết ốc chặt cứng vào thành xe.

Ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng việc gắn chặt búa thoát hiểm trên xe cũng như cất búa trong thùng xe sẽ làm mất tác dụng cứu nạn khi xe gặp sự cố. Bởi khi xảy ra tai nạn, trong lúc hoảng loạn hành khách không thể biết chỗ đựng búa hoặc không thể lấy búa vì đã bị siết ốc chặt. Trong khi đó quy định vị trí đặt búa thoát hiểm là phải gần vị trí cửa kính thoát khẩn cấp để hành khách dễ thấy và dễ lấy để đập vỡ cửa kính, thoát hiểm.

Lỗi cả nhà xe và hành khách

Một số doanh nghiệp vận tải xe khách đi các tỉnh ở bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây cho biết sở dĩ nhiều xe không lắp đặt búa ở các vị trí gần cửa kính thoát khẩn cấp mà cất trong thùng đựng đồ nghề sửa xe là do hành khách đi xe lấy mất búa. Thậm chí có nhà xe than phiền việc gắn búa thoát hiểm còn gây thiệt hại vì có hành khách táy máy lỡ tay gõ búa làm vỡ kính xe.

Tương tự, nhiều đơn vị xe buýt ở TP.HCM cho biết tình trạng hành khách đi xe buýt thường xuyên "chôm" búa thoát hiểm cũng xảy ra. Ông Trần Đăng Tạo - giám đốc Hợp tác xã xe buýt Quyết Tiến - cho biết nhiều nhà xe hôm trước mới gắn búa thoát hiểm thì ngày hôm sau đã mất búa. Do đó, cứ mỗi lần Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM kiểm tra là nhà xe bị phạt tiền vì thiếu búa thoát hiểm. 

Hiện nay giá búa thoát hiểm cho ôtô khoảng 50.000-100.000 đồng/chiếc. "Nhiều nhà xe chọn cách ra chợ Dân Sinh (Q.1) để mua hàng trôi nổi" - ông Tạo cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Quang thì cho rằng việc không lắp đầy đủ búa thoát hiểm hoặc việc lấy mất búa cho thấy ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của không ít nhà xe và hành khách chưa cao. 

Hiện nay ở một số nước khi bắt đầu khởi hành một chuyến xe, nhà xe đã tổ chức thông tin trên màn hình về những điều cần thiết về an toàn giao thông như trên máy bay. Trong đó, nhà xe nhắc nhở hành khách đeo dây an toàn, cách sử dụng búa thoát hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn... "Việc trang bị đầy đủ búa thoát hiểm là trách nhiệm của nhà xe" - ông Quang nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng quản lý giao thông vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khuyến nghị các nhà xe cần suy nghĩ để có cách tuyên truyền phù hợp cho hành khách đi xe. Chẳng hạn có thể dán dòng chữ hướng dẫn cách sử dụng và hiệu quả của búa thoát hiểm. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của hành khách về búa thoát hiểm, thay vì nhà xe bắt ốc siết chặt chiếc búa hoặc cất búa vào thùng xe. Như vậy, nhà xe vừa chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, vừa hạn chế các thiệt hại, rủi ro khi xe gặp tai nạn.

Cương quyết xử phạt nhà xe không gắn búa thoát hiểm

Ông Lê Văn Thường - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra xử lý các nhà xe vi phạm không lắp búa thoát hiểm, kiên quyết xử phạt vi phạm nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Theo nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định nhà xe phải lắp đặt đầy đủ các thiết bị trên xe, trong đó có búa thoát hiểm.

Do đó, việc nhà xe có búa thoát hiểm nhưng cất trong cốp xe hoặc trong thùng đựng dụng cụ sửa xe, không lắp đặt tại vị trí quy định đều bị xử phạt với mức tiền 300.000-400.000 đồng.

Trang bị búa thoát hiểm trên xe chỉ để đối phó Trang bị búa thoát hiểm trên xe chỉ để đối phó

TT - Qua một số vụ ôtô đang chạy bị rơi xuống sông, xuống vực hoặc bị cháy, người ta đều thấy chiếc búa thoát hiểm trang bị trên xe cần thiết như thế nào.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên