18/08/2015 11:01 GMT+7

Bớt thói quen tụ tập "hóng chuyện", được không?

QUANG KIỆT
QUANG KIỆT

TT - Một người đàn ông nhậu say, ngã xuống kênh mất tích, người dân hiếu kỳ tụ tập xem gây kẹt xe kéo dài suốt hai giờ. Đó không phải là hình ảnh hiếm thấy hiện nay.

Các bạn trẻ đứng kín các con đường trung tâm Sài Gòn để theo dõi công an giải quyết vụ việc hai cô gái đánh nhau - Ảnh: Ngọc Hiển

Không khó để nhận ra bất kỳ một tai nạn giao thông dù lớn dù bé, một vụ tìm kiếm người nhảy cầu tự tử, một vụ cháy nhà… tất cả đều dễ dàng trở thành tâm điểm thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đứng xem, xì xào bàn tán.

Thói quen tụ tập "hóng chuyện" vì hiếu kỳ, tò mò có thể nói dường như đã trở thành “chuyện thường ngày” của rất nhiều người.

Mà nào đâu chỉ có tụ tập để xem, nhiều người còn bàn ra tán vào, thêm mắm giặm muối, lan truyền tin đồn khiến những vụ việc nhiều khi chỉ đơn giản lại trở thành ly kỳ, dài dòng.

Một số người có thể cho rằng việc tụ tập như đề cập ở trên xuất phát từ lối sống thuần nông, quan tâm đến cộng đồng, làng xã, đến những người xung quanh. Thế nhưng trên thực tế, phần lớn việc tò mò tập thể xuất phát từ tính hiếu kỳ, phải xem cho biết bởi không chỉ người dân xung quanh nơi xảy ra vụ việc mà có nhiều người đi xe ngang qua cũng tấp lại để xem. 

Việc tụ tập này không chỉ gây cản trở giao thông mà còn cản trở công tác của lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc tiếp cận hiện trường, ứng cứu và tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng móc túi, cướp giật.

Một số vụ ẩu đả sau va chạm đôi khi lại xuất phát từ chính những người tò mò đứng xem, như có lần tôi đã chứng kiến trên một đoạn đường gần nhà khi hai xe máy va quẹt nhau, một số người đi ngang đã dừng xe “đổ dầu vào lửa” trong khi hai thanh niên cãi nhau bằng những từ ngữ rất kích động.

Đó là chưa kể báo chí từng đưa tin còn có cả trường hợp bị tử vong do dừng lại xem hay do đám đông tụ tập quá đông gây ách tắc dẫn đến tai nạn giao thông. 

Nên chăng cần có những quy định cụ thể trong việc xử lý nghiêm những hành vi tụ tập đông người dẫn đến ách tắc, cản trở công tác điều tra, cứu nạn. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần thiết lập vùng cách ly để xử lý khi có công tác điều tra, cứu nạn, hạn chế người dân tiếp xúc.  

Như cách làm tại nhiều quốc gia khác, từ cách chỗ cháy hay tai nạn giao thông khoảng 1km là đã có lập rào chắn, hướng dẫn phân luồng giao thông đi hướng khác và chỉ có xe của cơ quan chức năng mới được ra vào giúp công tác điều tra, cứu nạn diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

Người dân cũng cần bớt dần thói quen đổ xô xem cháy nhà, xem tai nạn... Mỗi người chỉ cần bớt "hóng chuyện" một chút là sẽ giảm được cảnh tụ tập đông người có thể gây ra những chuyện buồn không đáng có.

QUANG KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên