27/03/2017 11:45 GMT+7

Bớt sở, ngành được không?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến sẽ tác động thế nào tới hoạt động của các cơ quan chức năng và có giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân?

Theo dự thảo nghị định của Chính phủ, sẽ hợp nhất sở tài chính và sở kế hoạch - đầu tư thành sở kế hoạch - tài chính. Tại TP.HCM, việc hợp nhất hai sở này đã được đưa ra bàn để
nghe ý kiến các bên. Trong ảnh: doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Theo dự thảo nghị định của Chính phủ, sẽ hợp nhất sở tài chính và sở kế hoạch - đầu tư thành sở kế hoạch - tài chính. Tại TP.HCM, việc hợp nhất hai sở này đã được đưa ra bàn để nghe ý kiến các bên. Trong ảnh: doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Cho rằng tổ chức bộ máy hành chính hiện nay khá cồng kềnh, PGS.TS Nguyễn Minh Phương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ - cho rằng cần cơ cấu lại theo hướng thu gọn, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, theo ông, tiên quyết là phải thuận lợi việc cho dân, phục vụ người dân.

Đụng lợi ích, nhập sẽ khó hơn tách

Hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý các lĩnh vực gần nhau, liên thông nhau là chủ trương cần thiết và đúng đắn.

Đây cũng là một bước triển khai thực hiện yêu cầu của nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

“Hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất này là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công

PGS.TS Nguyễn Minh Phương

Tuy nhiên ở nước ta, khi cơ cấu lại các cơ quan, bao giờ tách ra cũng dễ hơn là nhập vì việc sắp xếp này đụng đến lợi ích.

Người ta dễ có tâm lý cho rằng vai trò chuyên môn của mình đang bị xem nhẹ nên mới bị nhập, rồi vị thế của mình bị giảm đi vì vị trí quản lý lãnh đạo không nhiều như trước nữa.

Song, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy việc hợp nhất như vậy đã từng diễn ra, những trở ngại tương tự cũng từng xuất hiện như hợp nhất các lĩnh vực công nghiệp với thương mại, thủy sản với nông nghiệp... Sau cùng, hiệu quả thực tiễn đã chứng minh chủ trương đã làm là đúng.

Hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất này là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công.

Mặt khác, chính việc hợp nhất, thu gọn đầu mối cũng làm cho các đầu mối hành chính tập trung lại, tăng hiệu quả giao tiếp và phục vụ nhân dân.

Có điều phải lưu ý trong hợp nhất cần cố gắng theo hướng không máy móc cộng gộp các tổ chức, đơn vị hiện có mà cần có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy.

Cấp huyện đã sắp xếp gọn lại

Cách đây gần 10 năm (trước năm 2008), mỗi địa phương có đến 22-26 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy, thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay thì không nhất thiết trung ương có bộ nào thì địa phương phải có sở chuyên môn tương ứng.

Thực tế ở cấp huyện, tổ chức bộ máy cũng đã sắp xếp gọn lại, chỉ còn 10-12 đơn vị cấp phòng. Ở cấp tỉnh hiện đang có 19-22 sở, vì thế cần phải xem xét cơ cấu lại cho phù hợp.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự định sẽ nhập lại với Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự định sẽ nhập lại với Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cấp tỉnh sẽ được cơ cấu lại còn 12 sở “cứng” thống nhất trong toàn quốc và 6 sở “mềm” để từng địa phương tùy điều kiện quyết định có thể thành lập hoặc không.

Việc hợp nhất sở tài chính và sở kế hoạch - đầu tư thành sở kế hoạch - tài chính, sở giao thông vận tải và sở xây dựng thành sở hạ tầng và phát triển đô thị có cơ sở từ chính thực tiễn.

Một bên lập ra kế hoạch, một bên chi ngân sách thì kế hoạch ấy phải dựa trên nguồn lực tài chính hiện có mới hiệu quả.

Trước đây, ở thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chỉ tiêu pháp lệnh nhiều, việc gì cũng giao kế hoạch, nhưng kinh tế thị trường hiện nay đòi hỏi công tác kế hoạch đổi mới, chủ yếu mang tính định hướng và vĩ mô.

Ở quy mô Chính phủ, cũng còn rất ít nước như Việt Nam có Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Cũng như vậy, nếu quản lý công tác xây dựng mà không quan tâm đến hạ tầng thì hạ tầng quá tải, tắc đường là đương nhiên.

Đơn giản như một khu đất cho phép xây 10 tòa nhà vài chục tầng phải tính ngay cơ sở hạ tầng đảm bảo cho việc xây dựng đó: bao nhiêu người sẽ sống ở khu dân cư mới, họ đi lại thế nào, chỗ đỗ xe của cư dân ra sao...

Nếu hợp nhất thành một sở thì khi tham mưu cho UBND tỉnh, TP phê duyệt kế hoạch xây dựng tại một địa bàn cụ thể sẽ có sự cân nhắc, tính toán hạ tầng phù hợp.

Cứ tranh luận còn lâu mới làm được

Sẽ có thắc mắc trước khi đưa ra chủ trương này thì việc đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của các sở sẽ hợp nhất thế nào, tác động của việc hợp nhất ra sao...

Đúng là về nguyên lý, khi xây dựng đề án tổ chức phải đánh giá về hiện trạng hoạt động các sở, dự báo thuận lợi, khó khăn và tác động kinh tế - xã hội của mô hình mới... Tuy nhiên, nếu cứ nghiên cứu, tranh luận sẽ rất lâu mới triển khai được vào thực tế.

Trong khi thực tiễn cấp huyện đã hợp nhất, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã rất rõ ràng.

Tại các nước phát triển, thường chỉ có 13-17 bộ quản lý các lĩnh vực, như Mỹ có 15 bộ, Nhật Bản có 13 bộ... Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, nếu địa phương không hợp nhất các sở có chức năng gần nhau, trên có bộ nào, dưới có sở đó thì không hợp lý.

Để cải cách triệt để thì thậm chí còn phải xem xét đến các sở khác có chức năng gần nhau và lâu dài còn phải tính toán xem xét đến việc hợp nhất tương tự ở các cơ quan trung ương...

Các lần hợp nhất

* Năm 2008:

- Sáp nhập ban thi đua - khen thưởng và ban tôn giáo vào sở nội vụ.

- Hợp nhất sở công nghiệp với sở thương mại (có địa phương là sở thương mại - du lịch) thành sở công thương.

- Hợp nhất sở thể dục thể thao, sở du lịch và sở văn hóa - thông tin thành sở văn hóa - thể thao và du lịch.

- Hợp nhất sở thủy sản với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Thành lập sở thông tin - truyền thông trên cơ sở sở bưu chính, viễn thông và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ sở văn hóa - thể thao và du lịch.

- Giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em.

* Năm 2014: Chính phủ ban hành nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương nhưng số lượng các sở lúc này không thay đổi so với năm 2008 và đang tồn tại đến nay.

* Dự thảo năm 2017: Theo dự thảo, trong số các sở hiện nay sẽ có hai sự hợp nhất mới gồm sở tài chính hợp nhất với sở kế hoạch - đầu tư thành sở kế hoạch - tài chính;

Sở xây dựng, sở giao thông vận tải (và sở quy hoạch - kiến trúc tại TP.HCM, Hà Nội) hợp nhất thành sở hạ tầng và phát triển đô thị.

Ngoài ra có 3 sở đang thuộc diện phải có ở các địa phương sẽ được đưa vào danh sách có thể thành lập hoặc không thành lập tùy vào điều kiện của địa phương, gồm sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở khoa học - công nghệ, sở thông tin - truyền thông.

K.HƯNG

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên