07/11/2008 03:12 GMT+7

Nhiều sở ngành TP.HCM lúng túng!

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Chuyện đường sá tại TP.HCM biến thành sông sau mỗi trận mưa không còn là chuyện lạ. Nhưng sau “trận mưa lịch sử” vừa rồi ở Hà Nội, nhiều đơn vị mới giật mình vì chưa từng xây dựng phương án ứng cứu với tình huống xấu này - ngay cả những đơn vị được giao trọng trách chống ngập.

kz1Na431.jpgPhóng to
Người dân TP.HCM ngày càng lo hơn với tình trạng ngập nước. Trong ảnh: đường Hai Bà Trưng đoạn chợ Tân Định, Q.1, ngập hơn nửa bánh xe sau cơn mưa khoảng 30 phút ngày 3-10-Ảnh: Q.KHẢI
TT - Chuyện đường sá tại TP.HCM biến thành sông sau mỗi trận mưa không còn là chuyện lạ. Nhưng sau “trận mưa lịch sử” vừa rồi ở Hà Nội, nhiều đơn vị mới giật mình vì chưa từng xây dựng phương án ứng cứu với tình huống xấu này - ngay cả những đơn vị được giao trọng trách chống ngập.

Ông Nguyễn Phước Thảo, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho rằng trận mưa ở Hà Nội vừa rồi là một thiên tai. Qua đó không chỉ để lại cho các đơn vị ban ngành thủ đô bài học sâu sắc về công tác đối phó với tình huống tương tự, mà ngay cả ở TP.HCM cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Chưa có phương án đối phó

Theo ông Thảo, TP.HCM có xây dựng các phương án trong việc điều hành, đối phó với thiên tai như bão lũ... Tuy nhiên phương án này thiên về công tác phòng chống lụt bão là chủ yếu. Đơn vị được giao trọng trách điều hành lĩnh vực này là Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM. Riêng phương án đối phó với trường hợp mưa kéo dài, với lượng mưa lớn liên tục như ở Hà Nội thì hầu như chưa có đơn vị nào nghĩ tới.

Mặt khác, TP.HCM không chỉ ảnh hưởng ngập do mưa mà còn ảnh hưởng của chế độ thủy triều, nên khi xảy ra tổ hợp bất lợi (mưa kết hợp triều cường) thì khả năng ngập úng còn nặng hơn ở Hà Nội. Theo tính toán, hệ thống cống thoát nước tại TP.HCM (cấp 1, 2, 3) chịu lượng mưa khoảng 80-100mm nhưng hiện còn đang thi công chắp vá chưa hoàn chỉnh. Hệ thống kênh rạch cũng chịu được lượng mưa 113-116mm. Do đó không thể đáp ứng khả năng thoát nước do mưa lớn và triều cường xảy ra cùng thời điểm. Tuy nhiên, cũng do bị ảnh hưởng chế độ bán nhật triều nên dù ngập nước tại TP.HCM có thể nặng hơn ở Hà Nội nhưng khả năng thoát nước sẽ nhanh hơn. Khi thủy triều rút, ngoài nước thoát theo đường cống thì tiến hành bơm để hỗ trợ, nhất là những nơi chưa có hệ thống thoát nước.

Theo thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, hiện có 28 trạm bơm cố định và một số máy bơm di động nhỏ đặt tại địa bàn các quận, huyện nhưng hiện chưa có đơn vị nào thống kê được tổng công suất từ các máy bơm này có đáp ứng được lượng mưa lớn xảy ra như ở Hà Nội hay không, kể cả phương án vận chuyển máy bơm trong tình huống ngập nước, vị trí đặt các trạm bơm để thoát nước sao cho hiệu quả...

Ngay cả ngành điện cũng lúng túng khi chúng tôi đặt ra kịch bản TP.HCM bị ngập như Hà Nội. Ông Nguyễn Kim Thanh, phó phòng kỹ thuật an toàn lưới điện Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết mỗi năm Công ty Điện lực TP đều xây dựng các phương án về phòng chống lụt bão nhưng các phương án này xây dựng chủ yếu cho các khu vực ngoại thành, khu vực có nguy cơ sạt lở chứ chưa nghĩ TP.HCM sẽ bị ngập như Hà Nội thì phải phản ứng như thế nào.

Ảnh hưởng đến công trình ngầm

Sẽ gom thành một điểm ngập!

Thạc sĩ Hồ Long Phi, giảng viên bộ môn tài nguyên nước Đại học Bách khoa TP.HCM, cảnh báo: “Hệ thống cống thoát nước đang chắp vá như hiện nay sẽ trở nên quá tải trong vài năm tới khi các nhà khoa học dự báo lượng mưa ở mức 150mm trở nên phổ biến, nước triều ngày càng dâng cao hơn... do biến đổi khí hậu. Khi đó, tại TP.HCM từ 100 điểm ngập do nước mưa, 34 điểm ngập do triều cường sẽ gom thành một điểm ngập - ngập toàn thành phố”.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hệ thống thoát nước tại TP không chỉ chắp vá mà còn quá ít. Theo thống kê, TP.HCM có hơn 3.000km đường thì phải có 6.000km ống cống thoát nước. Tuy nhiên hệ thống cống thoát nước hiện nay chỉ chiếm 1.600km (chỉ đáp ứng hơn 1/4 so với nhu cầu). Trong khi đó, kênh rạch bị lấn chiếm, hệ thống bờ bao chống triều cường xây dựng chưa hoàn chỉnh.

Trước những thực tế trên cộng với những gì mà ngành khí tượng thủy văn dự báo, sắp tới bắt buộc những đơn vị chống ngập và cả các nhà quy hoạch, xây dựng phải ngồi lại để tính toán hướng phát triển thích ứng, thậm chí điều chỉnh cả quy hoạch. Theo xu hướng phát triển, thời gian tới TP.HCM và các đô thị khác ngày càng phát triển theo hướng tận dụng không gian ngầm.

Riêng tại TP.HCM đã có những quy hoạch ngầm được phê duyệt như các tuyến metro (tàu điện ngầm), bãi đậu xe ngầm tại trung tâm TP, các công trình ngầm phục vụ công cộng khác... Các cao ốc hiện nay cũng đang tận dụng tối đa tầng ngầm. Nếu không tính toán ngay từ bây giờ mà xảy ra trận mưa lịch sử như Hà Nội thì hậu quả sẽ khó lường.

Thay đổi quy hoạch, sớm lập phương án ứng phó

Ông Nguyễn Phước Thảo cho biết đang đề xuất với TP.HCM cho thay đổi thiết kế dự án thoát nước khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho phù hợp với tình hình chống ngập nước và triều cường. Ông Thảo giải thích: dự án thoát nước khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có khả năng hoàn thành cuối năm 2009. Dự án này có khả năng giúp tiêu thoát nước cho lưu vực khoảng 3.000ha trên địa bàn nhiều quận: Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Q.5, Q.10... Lòng cống của dự án này có khả năng chứa đến 2 triệu m3 nước nhưng mục tiêu của dự án chỉ giúp giải quyết thoát nước mưa.

Vì vậy, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đề xuất lắp đặt một cống kiểm soát triều tại cửa sông Thị Nghè (hình thức giống như Bình Lợi). Cống này có nhiệm vụ hỗ trợ dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè hạn chế ngập do triều kết hợp với mưa khi lượng mưa lớn. Khi đó, cống sẽ không cho triều xâm nhập và làm “hồ chứa” nước mưa ở một thời điểm, khi nước triều hạ sẽ mở cửa cho nước mưa thoát ra.

Ngoài ra, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM sẽ thực hiện nhanh đề án cống tiêu ngăn triều và hệ thống đê bao đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời mời các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục quy hoạch tổng thể bài toán chống ngập và biến đổi khí hậu nhằm kết nối đồng bộ các công trình thoát nước lớn đang thực hiện.

Đó là những giải pháp lâu dài. Trước mắt Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP sẽ đề xuất với TP bổ sung phương án ứng phó trường hợp xảy ra mưa lớn cộng với triều cường có thể gây ngập nặng tại TP.HCM. Trong đó quy định rõ cơ quan điều hành, cơ chế trực ban, xác định thế nào là mưa to, rất to, tính toán khả năng thoát nước của TP. Từ đó, cơ quan điều hành nhận định tầm ảnh hưởng khi xảy ra mưa lớn, xác định lực lượng ứng cứu và trang thiết bị chuyên vùng theo từng khu vực.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên