30/12/2024 14:29 GMT+7

Bớt 'đặc sản' ở sân bay, cách nào?

Là người thường xuyên đi máy bay, bạn đọc Nhất Nguyên gửi đến Tuổi Trẻ Online ý kiến góp thêm góc nhìn để sân bay Tân Sơn Nhất bớt đi những 'đặc sản'.

Bớt 'đặc sản' ùn ứ, chèo kéo ở sân bay, cách nào? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục chuyến bay quốc tế từ TP.HCM đi Nhật Bản - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau bài viết Vài góp ý đến sân bay Tân Sơn Nhất của bạn đọc RICKY HO và bài Đặc sản' của sân bay Tân Sơn Nhất!, là người thường xuyên đi máy bay, bạn đọc Nhất Nguyên đã có chia sẻ thêm ý kiến xung quanh vụ việc.

Sau đây là ý kiến của anh gửi đến Tuổi Trẻ Online.

Giảm bớt thủ tục, ùn ứ sẽ giảm

Theo quan sát của tôi, một trong những khâu cần cải tiến chính là khâu thủ tục xuất nhập cảnh, ở cả ga đi lẫn ga đến bởi tốn khá nhiều thời gian.

Nhiều lần xuất cảnh tôi gặp tình huống hành khách từ dưới vội vã xin phép cho đi nhanh lên trên; hoặc nhân viên cầm bảng chạy ra tận nơi để xin cho khách bỏ hàng để lên trên làm thủ tục vì đã đến giờ phải đóng cửa máy bay do dòng người xếp hàng quá dài, mất quá nhiều thời gian làm thủ tục.

Kể từ khi việc nhập cảnh tự động được áp dụng, tôi luôn ưu tiên sử dụng làn này cho tiết kiệm thời gian. Thế nhưng còn ít hành khách sử dụng.

Ngoài ra, có một "đặc sản" không chỉ sân bay Tân Sơn Nhất, mà cả ở một số sân bay khác là khâu soi chiếu an ninh.

Ở ga đi, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi yêu cầu khách phải bỏ giày, kể cả dép  tông (dép lào) vào khay soi chiếu.

Thông thường, chỉ có những ai mang boots hoặc khi có nghi ngờ thì mới được yêu cầu bỏ ra để đi qua máy soi, còn lại thì cứ mang giày dép đi qua cổng kiểm tra như bình thường. Bởi công nghệ hiện nay có thể nhanh chóng quét được những vật thể đáng ngờ kể cả khi vẫn mang giày dép.

Nếu bỏ được quy định này sẽ giảm được thời gian chờ đợi, giảm ùn tắc.

Cách làm ở các nước ra sao?

Vừa rồi, gia đình một người bạn của tôi đi Singapore về theo dạng tự túc và đã hào hứng khoe thủ tục xuất nhập cảnh rất nhanh của đảo quốc này.

Cả nhà 6 người, già trẻ lớn bé đều nhập cảnh tự động, mỗi người mất chưa tới một phút và xuất cảnh cũng nhanh vậy.

"Một phút ba mươi giây cả nhà qua hết nha" - anh bạn nhắn tin cho tôi, bảo giá như ở ta cũng có thể xuất nhập cảnh nhanh như vậy thì đỡ tốn thời gian rất nhiều, chứ đứng chờ làm xong thủ tục mất gần cả tiếng là hết thấy vui.

Còn hồi đầu tháng, tôi đi công tác qua Tokyo (Nhật Bản) cùng hai bạn đồng nghiệp lần đầu đến xứ phù tang.

Đến sân bay Haneda đã chiều tối nhưng thủ tục nhập cảnh rất nhanh do khách mang hộ chiếu Nhật, khách đang sinh sống, làm việc hợp pháp tại Nhật đã đi hết qua làn riêng, không phải bỏ hành lý qua soi chiếu ở cửa ra.

Từ lúc bắt đầu vào khu vực nhập cảnh cho đến khi ra khỏi cửa, toàn bộ chỉ mất chưa tới 10 phút, dù lúc đó cũng khá nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh.

Theo quan sát cá nhân tôi, những việc này Việt Nam mình cũng có thể áp dụng.

Như ở một số sân bay Singapore, họ áp dụng xuất nhập cảnh tự động cho tất cả công dân Việt Nam, quét hộ chiếu, vân tay và nhận diện gương mặt là xong. Máy quét của họ cũng rất hiện đại có hiển thị tiếng Việt sau khi quét hộ chiếu.

Còn ở sân bay Haneda (Nhật Bản), nhập cảnh vẫn phải xếp hàng nhưng do có phân luồng, khách quốc tế không đi chung với khách Nhật. Ngoài ra, ở các sân bay có nhiều bảng hướng dẫn từ xa, có nhân viên đứng kiểm tra, hỗ trợ. Khi bước vào khu vực nhập cảnh, tiếp tục có người đứng đó để điều phối.

Có lẽ nhờ vậy mà giảm đáng kể tình trạng ùn ứ, khách cứ tuần tự đi theo hàng, mọi thứ nhanh chóng, đỡ mệt mỏi, căng thẳng vì phải chờ đợi lâu.

Sắp tới, khi từ ngày 1-1-2025, việc đóng dấu xuất nhập cảnh không còn nữa, hy vọng sẽ giảm bớt thời gian chờ đợi cho khâu này và cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều người sử dụng làn nhập cảnh tự động bởi thật sự rất tiện lợi, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cũng rất mong cơ quan chức năng xem xét việc phân luồng hành khách cho cả khâu xuất cảnh và nhập cảnh, cụ thể là công dân mang hộ chiếu Việt Nam đi qua làn riêng, như cách mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng.

Đồng thời nên có nhân viên hướng dẫn, phân luồng hành khách thay vì để khách lộn xộn mạnh ai nấy di chuyển như hiện tại.

Bớt 'đặc sản' ùn ứ, chèo kéo ở sân bay, cách nào? - Ảnh 3.Bảng chỉ dẫn tiếng Anh 'xe công nghệ' tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được chỉnh sửa

Bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) gây khó hiểu đã được chỉnh sửa cho phù hợp, sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên