Ai có thể yên tâm cho con ăn loại kẹo mà đến 34-39% trong đó là bột đá, một thứ chưa rõ về tác hại nhưng nghe thì ai cũng sợ, còn lợi ích với sức khỏe rõ ràng là không có. Giả như bột đá được phép sử dụng với tư cách là phụ gia thì cũng chỉ được “phết phẩy” thôi, không thể nào chiếm hơn 1/3 chiếc kẹo!
Xem lại những tư liệu về đợt thanh tra này, người ta thấy các nhà sản xuất đã đổ nguyên liệu xuống một chiếc bao tải đặt trên nền đất để làm nguội sản phẩm; những dụng cụ sản xuất hết sức cáu bẩn, hầu hết các công đoạn sản xuất đều làm bằng tay, mặc dù vỏ sản phẩm ghi rõ là kẹo sữa, sản xuất trên dây chuyền được Bộ Y tế khuyến cáo! Tại khu vực Hoài Đức, Hà Nội, tình trạng sử dụng bột đá để làm kẹo cũng khá phổ biến. Người ta mua bột đá ngay tại địa phương với giá chỉ 1.900 đồng/kg và bột đá cũng không có trong danh mục nguyên liệu được nhà sản xuất công bố với cơ quan quản lý là Sở Y tế tỉnh Hà Tây cũ.
Trong tình huống chưa rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của CaCO3 với sức khỏe, việc Bộ Y tế công bố những “ý kiến chính thức” như trên có nên chăng? Bởi nó có thể khiến người dân từ tẩy chay kẹo đá lại sử dụng trở lại vì cho rằng nó vô hại, trong khi người sử dụng chúng phần lớn là trẻ em!
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề dân sinh được người dân quan tâm nhất. Có thể nói chưa ở đâu và chưa lúc nào có nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tồn đọng như lúc này. Trong đó có vấn đề thực phẩm có xuất xứ từ các làng nghề, như làng nghề sản xuất kẹo chứa bột đá kể trên. Trước khi có khuyến cáo này, đã có những ý kiến cho rằng nên có một cuộc thanh tra toàn diện việc sản xuất thực phẩm ở các làng nghề. Bởi thử nghĩ xem, 2/3 cơ sở sản xuất kẹo chứa bột đá được thanh tra đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh, trong khi xem thực tế thì không hề vệ sinh chút nào!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận