11/10/2017 15:37 GMT+7

Bóng ma nội chiến đe dọa Tây Ban Nha

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Vấn đề Catalonia tuyên bố độc lập có nguy cơ đưa đất nước Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua. Sắp tới Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ phản ứng thế nào?

Bóng ma nội chiến đe dọa Tây Ban Nha - Ảnh 1.

Hàng ngàn người tập trung trước nghị viện Catalonia bày tỏ thất vọng khi Thủ hiến Carles Puigdemont đề nghị ngừng thực hiện tuyên bố độc lập để đàm phán - Ảnh: Twitter

Trong diễn văn đọc trước nghị viện Catalonia tối 10-10 (giờ địa phương), Thủ hiến Carles Puigdemont đã chọn giải pháp trung dung. 

Đầu tiên ông thông báo đã ký tuyên bố độc lập và cam kết Catalonia sẽ trở thành một nhà nước cộng hòa độc lập. Kế đến ông tuyên bố ngừng thực hiện tuyên bố độc lập để tiến hành đàm phán với chính quyền Madrid và Liên minh châu Âu (EU) trong những ngày tới.

Về pháp lý, tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia không có giá trị. Ngày 5-10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã phán quyết đình chỉ phiên họp của nghị viện Catalonia dự kiến tổ chức ngày 9-10 để tuyên bố Catalonia độc lập. Phán quyết minh định mọi hành vi, nghị quyết hay thỏa thuận ban hành bất chấp lệnh cấm này được xem như vô hiệu.

Khởi động điều 155 Hiến pháp

Trước sự kiện Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, chính phủ Tây Ban Nha có thể tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có khởi động điều 155 Hiến pháp năm 1978 vốn đến nay chưa từng được thực hiện.

Điều 155 quy định: "Nếu một cộng đồng tự trị (vùng) không hoàn thành các nghĩa vụ Hiến pháp quy định hoặc nếu hành động gây tổn thương nghiêm trọng đến lợi ích chung của Tây Ban Nha, chính phủ Tây Ban Nha sau khi đã yêu cầu chủ tịch cộng đồng tự trị cam kết và biện pháp này không có kết quả, có thể thực hiện các biện pháp cần thiết với sự chấp thuận của đa số tuyệt đối trong Thượng viện để bắt buộc cộng đồng tự trị tôn trọng nghĩa vụ hoặc để bảo vệ lợi ích chung đã nêu. Để thực hiện tốt các biện pháp đã nêu ở đoạn trước, chính phủ có thể tham vấn chính quyền của các cộng đồng tự trị".

Điều 155 tuy vậy được cho là rất mơ hồ bởi Hiến pháp không quy định cụ thể "các biện pháp cần thiết" là gì và cách thức ngừng hoạt động của chính quyền vùng tự trị hay giải tán nghị viện vùng tự trị như thế nào.

Do đó theo các chuyên gia về luật Hiến pháp Tây Ban Nha, đầu tiên Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ yêu cầu thủ hiến Catalonia khôi phục trật tự hiến pháp trong thời gian quy định. Nếu thủ hiến không thực hiện, thủ tướng sẽ trình Thượng viện "các biện pháp cần thiết". 

"Các biện pháp cần thiết" có thể bao gồm tạm ngưng thực hiện quy chế tự trị của Catalonia, đình chỉ và thay thế các viên chức, trực tiếp kiểm soát Catalonia về trật tự công cộng và hành chính, tổ chức bầu cử vùng tự trị.

Chắc chắn đề xuất của Thủ tướng Mariano Rajoy sẽ nhanh chóng được thông qua vì phần lớn các thượng nghị sĩ đều thuộc đảng Nhân dân của thủ tướng.

Bóng ma nội chiến đe dọa Tây Ban Nha - Ảnh 3.

Thủ hiến Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập tối 10-10 - Ảnh: AFP

Khủng hoảng có nguy cơ bùng nổ


Trước khi áp dụng điều 155 hiến pháp, trong trường hợp xảy ra biểu tình quy mô lớn hay đường sá bị phong tỏa, chính phủ cũng có thể thực hiện điều 116 Hiến pháp về ban bố tình trạng khẩn cấp, tình trạng báo động và thiết quân luật. 

Các biện pháp này đều ảnh hưởng đến tự do đi lại và tự do hội họp. Quyết định này phải được Quốc hội thông qua với kết quả đa số tuyệt đối. 

Mọi ý định giải tán chính quyền địa phương và nghị viện Catalonia chắc chắn sẽ dẫn đến thêm nhiều vụ biểu tình và bạo lực"

Nhà phân tích Federico Santi ở tổ chức tư vấn Eurasia Group

Thủ tướng Mariano Rajoy chắc chắn sẽ gặp khó trong cuộc bỏ phiếu này nếu đảng Xã hội công nhân Tây Ban Nha (PSOE) không ủng hộ. Đến nay PSOE kiên quyết phản đối áp dụng điều 155 với lý do biện pháp này quá cực đoan.   

Đạo luật về an ninh quốc gia ban hành năm 2015 cũng cho phép thủ tướng Tây Ban Nha ban hành sắc lệnh tuyên bố đất nước đang trong tình trạng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Với quy trình này, thủ tướng sẽ điều hành đất nước bằng sắc lệnh để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như trực tiếp kiểm soát lực lượng cảnh sát Catalonia.

Nếu chính quyền trung ương áp dụng biện pháp trực tiếp chỉ đạo Catalonia, động thái này có thể kích động gia tăng căng thẳng. 

Bóng ma nội chiến đe dọa Tây Ban Nha - Ảnh 5.

An ninh được thắt chặt gần trụ sở nghị viện Catalonia - Ảnh: REUTERS

Phe đòi độc lập và phe phản đối độc lập sẽ giáp chiến trên đường phố. Xung đột có thể xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình như trong cuộc trưng cầu ý dân của Catolonia hôm 1-10 (cảnh sát được điều từ thủ đô Madrid về Catalonia đã dùng gậy ma trắc đánh dân).

Nếu xung đột xảy ra, khủng hoảng sẽ dẫn đến hai hậu quả. Hoặc phe đòi độc lập lùi bước, rút lại quyết định độc lập để đàm phán nhằm đạt được nhiều quyền tự trị hơn. Hoặc phe đòi độc lập leo thang, cảnh sát vùng Catalonia có thể sẽ bất tuân mệnh lệnh trung ương, nghị viện Catalonia vẫn cứ nhóm họp... 

Đến lúc này, bóng ma nội chiến có nguy cơ quay trở lại Tây Ban Nha!

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên