Em Vi Thị Yến Nhi (bìa phải) thường xuyên được cô giáo Tào Thị Yến động viên, giúp đỡ em vượt qua khó khăn để học tập tốt - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bát Mọt, xã vùng cao, biên giới Bát Mọt, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa), hỏi về những học trò nghèo, vượt khó, hiếu học, chúng tôi được cô giáo Tào Thị Yến - phó hiệu trường nhà trường giới thiệu gặp em Vi Thị Yến Nhi (dân tộc Thái, trú tại bản Dưn, xã Bát Mọt).
Năm học 2017-2018 này, Yến Nhi bước vào lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bát Mọt cũng là 7 năm ròng em tự đi bộ vượt gần 7km đường rừng núi đến lớp học cái chữ.
Học có cái chữ, có kiến thức mới về xuôi thi vào trường đại học, cao đẳng để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo được. Nhớ lời căn dặn của ông bà, nên mỗi lần cuốc bộ đi học, vượt qua bao con dốc đường rừng, dù đôi chân em mỏi nhừ nhưng em vẫn bước tiếp đến trường."
Vi Thị Yến Nhi
Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, Yến Nhi ở với ông bà nội, lớn lên bằng củ sắn, bắp ngô, măng rừng nơi vùng cao còn nhiều gian khó. Cái nghèo bủa vây bản làng - nơi cuộc sống của Yến Nhi hàng ngày.
Bữa ăn nhiều hôm còn đói lương thực, thiếu chất dinh dưỡng, nhưng không bao giờ làm chùn bước chân của em, khi lòng quyết tâm đến trường học cái chữ luôn có trong cô học trò bé nhỏ này.
Để đến trường kịp giờ học buổi sáng, Yến Nhi phải cuốc bộ từ nhà lúc 5 giờ sáng, khi con chim rừng còn nằm ấm trong tổ. Trong chiếc cặp đến trường của Yến Nhi, ngoài sách vở còn có nắm cơm, ít măng rừng và chút đồ ăn mặn mà ông bà chuẩn bị để em ăn bữa trưa.
Sau buổi học ở trường, Yến Nhi vội trở về nhà để cùng ông bà lên nương rẫy chăm thửa lúa nương, đồi ngô làm lương thực. Cuối ngày làm nương, trên gùi sau lưng trở về nhà của em không thiếu được cái măng, bó rau rừng.
Em Yến Nhi tâm sự: "Học có cái chữ, có kiến thức mới về xuôi thi vào trường đại học, cao đẳng để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo được. Nhớ lời căn dặn của ông bà, nên mỗi lần cuốc bộ đi học, vượt qua bao con dốc đường rừng, dù đôi chân em mỏi nhừ nhưng em vẫn bước tiếp đến trường."
Nói về học trò "cưng" của mình, cô giáo Tào Thị Yến - phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bát Mọt phấn khởi, cho biết: "Gia đình em Yến Nhi thuộc diện khó khăn so với nhiều bạn cùng trang lứa ở trường, nhưng trong em luôn có nghị lực vượt khó, vươn lên trong học tập".
Theo cô Yến, dù hàng ngày phải đi bộ gần 7km đến trường, không có cả bữa ăn sáng, còn bữa trưa em ăn cơm nắm và chút đồ ăn mặn do ông bà chuẩn bị, nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ học giữa chừng. Lòng ham học, sự quyết tâm vươn lên trong học tập của Yến Nhi là tấm gương cho nhiều bạn trong trường noi theo.
Suốt những năm học vừa qua, Yến Nhi luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Những hôm trời mưa gió, Yến Nhi không thể về nhà trong ngày được, tôi thường động viên em vào ăn cơm, nghỉ lại cùng gia đình, vì tôi luôn xem em là người thân của mình.
Thầy cô giáo của trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Yến Nhi trong việc học hành, mong em vượt qua khó khăn để học tập tốt hơn nữa.
Một buổi học mới của em Yến Nhi khi bước chân em đi bộ vượt gần 7km đến trường học từ lúc con chim rừng còn ấm trong tổ.
Chỉ có nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập, mới nâng bước chân của bông hoa rừng Yến Nhi ở vùng biên giới Bát Mọt đến với cái chữ ở trường, để em thực hiện ước mơ trở thành cô giáo của bản.
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận