27/08/2019 11:01 GMT+7

Bỗng dưng bị nêu tên, hình ảnh lên cột điện; phải làm sao?

ĐỊNH DƯƠNG
ĐỊNH DƯƠNG

TTO - Ai đã từng bị đòi nợ, bị bêu tên tuổi, hình ảnh lên cột điện hoặc trên mạng mới thấu hiểu nỗi hoang mang khiếp sợ. Và nỗi sợ ngày càng lớn hơn trong cộng đồng.

Bỗng dưng bị nêu tên, hình ảnh lên cột điện; phải làm sao? - Ảnh 1.

Một kiểu đòi nợ bằng bêu xấu người khác trên mạng - Ảnh: Đ.DƯƠNG

Người quen của tôi là chị H., quê Gia Lai, đang đi công tác tại Hà Nội thì được bạn bè báo tin chị được truy tìm trên mạng vì món nợ 21 triệu đồng.

Bỗng dưng bị bêu tên trên cột điện

Hình ảnh của chị được đăng tải trên mạng và dán trên trụ điện với nội dung chị thiếu nợ không trả. "Tôi không vay mượn tiền người nào tên Long như trong thông báo và cũng không mượn tiền những người cho vay lãi cao. Không hiểu tại sao bị bêu tên trên mạng như vậy" - chị H. bức xúc.

Chị N., người thân của tôi (ở Đồng Nai), cũng từng rơi vào trường hợp bỗng dưng bị tung tin thiếu khoản nợ 50 triệu, thông tin lan truyền rất nhanh trên mạng. Cả hai chị chắc chắn là mình không nợ tiền ai, chỉ có thể có liên quan đến người đang mắc nợ. 

Nhiều người khuyên nên báo công an hoặc khởi kiện. Tuy nhiên số điện thoại và nick trên mạng đều là ảo và không biết chính xác người đưa thông tin là ai. Chỉ có những khủng hoảng và áp lực tinh thần là có thật, có người bỏ xứ đi xa, gia đình ly tán, thậm chí là những vụ tự tử mới mong thoát cảnh bị truy đòi nợ.

Thỉnh thoảng lại thấy thông tin người vay tiền chưa trả lan truyền trên mạng, mục đích là ép ai đó phải trả nợ. Người bị bêu tên có thể là "con nợ" nhưng nhiều khi họ không vay tiền, chỉ là được cho số điện thoại để đối chiếu khoản vay cũng có thể rơi vào tình cảnh bị bêu tên. 

Người bị đòi nợ sống khổ sở nhưng người không liên quan cũng chẳng tốt đẹp hơn khi liên tục bị làm phiền, thậm chí là bôi nhọ danh dự.

Tận cùng của nợ nần và khiếp sợ

Đầu năm 2018, anh Trung (Bình Thuận) đã vay 10 triệu đồng với lãi suất 600%/năm. Không có khả năng trả nợ, khi đến gặp bên cho vay anh Trung đã bị đánh tới chết, để lại vợ cùng 2 con nhỏ. Vay số tiền 15 triệu với lãi suất 540%/năm, bị chậm trả nên vợ anh Tùng liên tục bị khủng bố tinh thần, bị dọa cắt lỗ tai..., một người phụ nữ ở Bình Thuận đã chọn cách tự tử.

Ngày 28-2-2019, ông Đỗ Th. (Thống Nhất, Đồng Nai) cũng chọn cách treo cổ tự tử trong vườn điều sau nhiều lần bị những người đòi nợ thuê khủng bố tinh thần. 

Tháng 4-2019, vợ chồng ông Y. (Gia Lai) cũng chọn cách tự tử là vợ uống thuốc, chồng tự nổ mìn khi liên tục bị một nhóm đòi nợ thuê vào nhà đòi tiền. Rồi còn không biết bao nhiêu vụ quăng sơn, chất bẩn để đòi nợ. Bao người không mượn nợ cũng sống trong cảnh thấp thỏm lo âu trước sự hăm dọa của những người xa lạ.

Một xã hội thượng tôn pháp luật, các biện pháp thu hồi nợ (hay còn gọi là thi hành bản án) của thi hành án và thừa phát lại dù rằng có thể dùng hành động trấn áp để tịch thu tài sản nhưng ít ra cũng đúng pháp luật và được pháp luật bảo vệ hai phía. 

Câu chuyện liên quan đến "đòi nợ thuê" vẫn luôn là nỗi khiếp sợ với người trong cuộc, tiềm ẩn bất an xã hội khi lãi suất tín dụng đen cao ngất ngưởng và chi phí đòi nợ thuê đã có thể ở mức 1/3, thậm chí gần 1/2 khoản nợ.

Nhân viên đòi nợ thuê, anh là ai?

Nghề nào cũng là nghề, miễn sao sống và làm việc đúng pháp luật. Nghị định 104/2007/NĐ-CP tại điều 11 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đòi nợ: "Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan...". 

Vậy thì, pháp luật nào cho phép nhân viên tổng đài của các tổ chức tín dụng luôn nói chuyện với khách nợ bằng giọng gắt gỏng, chửi bới..., thậm chí là chửi những người cha, người mẹ của "con nợ" bằng những lời lẽ thậm tệ nhất. Pháp luật nào cho phép cá nhân có thể bôi nhọ danh dự người khác để đòi tiền?

Trên thực tế, dù có phải là khách nợ (hay chỉ có liên quan với người mắc nợ), người trong cuộc cũng phải chấp nhận tìm mọi cách trả nợ cho yên thân. 

Thời gian vừa qua dư luận lên án mạnh mẽ nhiều hành vi đòi nợ sử dụng vũ lực, sử dụng các biện pháp bôi nhọ danh dự và thậm chí đã có án mạng xảy ra. Tuy nhiên các công ty đòi nợ thuê vẫn đang ăn nên làm ra khi pháp luật cho phép hoạt động.

Ngày càng nhiều những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Người đi đòi nợ, họ là ai mà đáng sợ, đáng lo đến vậy? Nghị định 104/2007/NĐ-CP có quy định rõ những người được hoạt động nghề này phải tốt nghiệp trung cấp trở lên các ngành: kinh tế, luật, an ninh... nhưng ai quản lý nổi nhân sự của các công ty làm dịch vụ đòi nợ cũng như không thể kiểm soát hết chiêu thức hoạt động của họ. 

Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Dư luận vẫn chờ pháp luật thay đổi quy định dịch vụ đòi nợ thuê để những người "mặc áo" công ty làm việc đúng khuôn khổ pháp luật hơn.

Nghị định 104/2007/NĐ-CP có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đòi nợ như: thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm... Quy định là vậy nhưng trên thực tế các doanh nghiệp đòi nợ thuê có thực hiện hành vi cấm hay không thì chỉ người nợ mới biết.

Đòi nợ thuê, nghĩ đến là khiếp! Đòi nợ thuê, nghĩ đến là khiếp!

TTO - Sau một hợp đồng dân sự khó thực hiện, tôi thành con nợ. Tiếp sau đó là những ngày tháng thấp thỏm, hoang mang vì những người đòi nợ thuê.

ĐỊNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên