Các cầu thủ “nhí” của HFF liên kết với CLB Lyon đến thăm CLB nhân dịp tham dự Giải bóng đá U-13 toàn cầu Plomelin 2018 hồi tháng 5 tại Pháp - Ảnh: HỒNG MINH
Trao đổi với Tuổi Trẻ trước thềm năm mới 2019, ông Tú nhìn nhận bóng đá TP còn gặp nhiều khó khăn như khán giả đến sân Thống Nhất ít (sân Thống Nhất là sân có ít khán giả nhất V-League 2018), tài chính của HFF chưa dồi dào và bền vững...
Tuy nhiên, ông Tú tự tin cho biết với nỗ lực của HFF và hai CLB chuyên nghiệp là TP.HCM và Sài Gòn, bóng đá TP sẽ sáng hơn.
"Trong năm mới 2019, tôi mong các thành tích mà bóng đá TP.HCM đã đạt được sẽ tiếp tục được giữ vững. Hai CLB chuyên nghiệp TP.HCM và Sài Gòn sẽ thi đấu tốt hơn và khán giả đến sân Thống Nhất đông hơn" - ông Tú nói.
Ông Trần Anh Tú - Ảnh: N.K.
* Bóng đá Hà Nội thành công vượt bậc như hiện nay nhờ âm thầm làm công tác đào tạo trẻ thời gian dài với lực lượng HLV nội. Bóng đá TP.HCM không lẽ không thể làm tốt được công tác đào tạo trẻ với mô hình tương tự?
- HFF đã ký hợp tác với CLB Lyon (Pháp) để đào tạo trẻ. Hợp đồng mới đang năm thứ 3. Để có lứa trẻ tốt thì cần ít nhất 6-7 năm. CLB TP.HCM cũng đã hợp tác với CLB Juventus mở học viện đào tạo cầu thủ trẻ.
Ngoài ra còn học viện của Nutifood cũng đã hoạt động được mấy năm gần đây. Nghĩa là trong tương lai, bóng đá TP.HCM hoàn toàn có thể gặt hái thành quả.
* Chuyện bóng đá TP.HCM liên kết đào tạo với CLB Lyon, ông quan sát và thấy lứa cầu thủ trẻ này thế nào?
- Các cầu thủ trẻ này được các chuyên gia từ CLB Lyon hằng năm sang đánh giá và họ đánh giá rất cao. Tất nhiên, để được một cầu thủ hay như Nguyễn Quang Hải thì không dễ dàng một chút nào, vì còn phụ thuộc vào tài năng thiên bẩm của cầu thủ.
* Bóng đá học đường là hướng đi đúng đắn. Nhưng làm thế nào để có sự đột phá hơn so với hiện nay, chẳng hạn như phát hiện được tài năng để đào tạo chuyên nghiệp?
- Bóng đá học đường mục tiêu là để HFF phát triển bóng đá trong trường học, đồng thời cũng chính là nơi ươm mầm các tài năng nhí. Các cầu thủ được CLB Lyon tuyển chọn trong những năm vừa qua có rất nhiều em đã tham gia chương trình bóng đá học đường của HFF.
* Sau hai nhiệm kỳ liên tiếp ngồi vào ghế chủ tịch HFF, ông tự thấy mình đã làm được gì và chưa được gì cho bóng đá TP?
- Kể từ khi nhậm chức chủ tịch HFF từ năm 2012, tôi cùng HFF đã làm được nhiều việc cho bóng đá TP. HFF vẫn là một trong những liên đoàn có tổ chức quy củ nhất trong các liên đoàn thể thao của TP.HCM cũng như trong các liên đoàn thành viên của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF).
Từ một địa phương trắng bóng đá đỉnh cao, HFF đã cùng bộ môn bóng đá TP xây dựng lại được đội bóng tham gia Giải vô địch quốc gia (V-League), hiện giờ là CLB TP.HCM. Bóng đá nữ với sự góp sức của HFF đã 3 năm liền đoạt chức VĐQG, một điều mà bóng đá nữ trước đây chưa làm được.
Bóng đá futsal vẫn giữ vững là ngọn cờ đầu của cả nước. Các thành tích của CLB futsal Thái Sơn Nam, gần nhất là ngôi á quân Giải futsal các CLB châu Á 2018 hiếm có CLB nào ở châu Á có thể làm được.
Bóng đá phong trào của TP cũng luôn phát triển với cả gần trăm giải phong trào hằng năm. Bóng đá trẻ HFF đã hợp tác với CLB Lyon và các lứa cầu thủ do Lyon đào tạo sẽ là nguồn cầu thủ quan trọng cho bóng đá chuyên nghiệp TP trong vài năm tới.
Bóng đá học đường đang là một mô hình mẫu cho các địa phương khác học tập, trong khi mới bắt đầu đã bị rất nhiều người nghi ngờ.
Còn nói về chưa làm được, theo tôi, điều quan trọng nhất là nguồn tài chính của HFF chưa dồi dào và bền vững.
* Bóng đá nữ TP.HCM lẽ ra đã có một mùa giải trọn vẹn nếu như không xảy ra sự cố đánh nhau ở Giải VĐQG 2018 ngay trên sân Thống Nhất. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào? Và cả chuyện đầu tư cho bóng đá nữ ra sao trong thời gian tới nhằm có thể duy trì thành tích như những năm qua?
- Sự cố xảy ra là một điều đáng tiếc. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận dưới quan điểm nhân văn, không nên quy chụp. Bóng đá hay bất kể môn thể thao đối kháng nào luôn tiềm ẩn sự va chạm. Và khi sự va chạm quá mức cho phép thì sẽ bị xử theo luật của FIFA. Cũng giống như khi vi phạm luật giao thông, công an sẽ xử lý người vi phạm theo luật giao thông.
Bóng đá nữ TP.HCM luôn quan tâm đến đào tạo trẻ. Thành tích 3 năm liền vô địch 2015, 2016, 2017; hạng nhì 2018 và vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2018 là nhờ vào lứa trẻ dồi dào của TP. Điều này thể hiện rất rõ ở Đại hội TDTT toàn quốc 2018, khi một số cầu thủ đội 1 không được tham dự do án kỷ luật đánh nhau ở giải VĐQG thì chính các cầu thủ trẻ U-19 được đôn lên đã chơi rất tốt và góp phần vào chức vô địch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận