11/02/2022 08:22 GMT+7

Bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup 2023: Quả ngọt từ 'vườn ươm' Tao Đàn

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Chiến tích giành vé dự World Cup 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ từ "vườn ươm" Tao Đàn - nơi được xem là cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM và liên tục cung cấp nhiều tuyển thủ giỏi cho bóng đá nữ Việt Nam.

Bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup 2023: Quả ngọt từ vườn ươm Tao Đàn - Ảnh 1.

Niềm vui của trung vệ Chương Thị Kiều (3) khi ghi bàn mở tỉ số trong trận thắng Đài Loan 2-1, góp phần đưa tuyển nữ Việt Nam đến với World Cup 2023 - Ảnh: AFC

Khi tôi còn làm ở quận 1, kinh phí mỗi năm để duy trì cho bóng đá nữ lên đến 4 - 5 tỉ đồng. Dù đó là một số tiền rất lớn nhưng phải cắn răng mà chi để duy trì sự phát triển cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM.

Ông Mai Bá Hùng (phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM)

Không chỉ đóng góp nhiều tuyển thủ nhất (9 cầu thủ) trong hành trình đáng nhớ tại Ấn Độ, 8 cầu thủ nữ TP.HCM còn ra sân ở đội hình xuất phát trong hai trận play-off thắng Thái Lan 2-0 và Đài Loan 2-1. Trong đó, đội trưởng Huỳnh Như, Chương Thị Kiều và Bích Thùy còn ghi 3/4 bàn trong hai trận thắng kể trên.

"Vườn ươm" Tao Đàn

7 năm qua, CLB nữ TP.HCM luôn vô đối ở sân chơi quốc nội với 6 lần vô địch quốc gia và 1 ngôi á quân. Bên cạnh đó, đội còn giành HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc 2018.

Ngoài tài cầm quân của cựu tuyển thủ Đoàn Thị Kim Chi và hiện là trợ lý số 1 của HLV Mai Đức Chung ở đội tuyển quốc gia, việc xây dựng chiến lược tuyển chọn hợp lý đã giúp CLB nữ TP.HCM liên tục tạo nên lớp cầu thủ kế thừa.

Ông Trần Anh Tuấn - HLV CLB nữ TP.HCM giai đoạn 1998 - 2003 và từng là trợ lý đầu tiên cho HLV Mai Đức Chung ở SEA Games 1997 - kể:

"Ở Giải vô địch quốc gia năm 2002, lứa cầu thủ đầu tiên bắt đầu lớn tuổi, vì thế chúng tôi phải đi tuyển chọn ở các trường đại học TDTT rồi đi đến các địa phương khác để tìm kiếm nhân tài. Điều này do tìm cầu thủ nữ ở TP.HCM là không dễ dàng, vì các phụ huynh đều không muốn cho con mình theo thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là bóng đá nữ".

Bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup 2023: Quả ngọt từ vườn ươm Tao Đàn - Ảnh 3.

Chương Thị Kiều năm 15 tuổi và Huỳnh Như năm 17 tuổi

Đoàn Thị Kim Chi là cầu thủ mà CLB nữ TP.HCM tuyển chọn được từ Trường ĐH TDTT TP.HCM, khi cô đang theo học... điền kinh.

Nhưng qua đào tạo tại "vườn ươm" Tao Đàn, Kim Chi đã dần trở thành cầu thủ nổi tiếng của quốc gia và giờ vẫn đang giữ kỷ lục 4 lần giành "Quả bóng vàng Việt Nam". Thông qua mối quan hệ giữa các HLV, việc tuyển chọn cầu thủ nữ và sau đó tiến hành đào tạo của "vườn ươm" Tao Đàn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung đến Cà Mau.

Chẳng hạn, cựu thủ môn nổi tiếng của đội tuyển nữ Việt Nam trước đây là Đặng Thị Kiều Trinh (3 lần giành "Quả bóng vàng Việt Nam") được tuyển chọn từ Đồng Tháp rồi đưa lên TP.HCM đào tạo từ năm 15 tuổi.

Nhưng nở rộ nhất của "vườn ươm" chính là lứa tuyển thủ hiện tại như Huỳnh Như (Trà Vinh), Chương Thị Kiều (Kiên Giang), Bích Thùy (Quảng Ngãi), Kim Thanh (Long An)... Ngoại trừ Huỳnh Như lên TP.HCM muộn nhất khi đang theo học lớp 11 tại Trà Vinh, các cầu thủ còn lại đều đến "vườn ươm" Tao Đàn ở độ tuổi từ 11 - 14.

Và giờ đây, những cái tên nói trên là nhân tố chính cho việc giành vé đi World Cup của bóng đá nữ Việt Nam. Trong sơ đồ 3-5-2 của HLV Mai Đức Chung và cả hệ thống phòng ngự của đội tuyển nữ Việt Nam đều là sự "trấn giữ" của các cầu thủ nữ TP.HCM gồm: thủ môn Kim Thanh; 3 trung vệ: Thu Thảo, Chương Thị Kiều, Phương Thảo; hai tiền vệ cánh: Bích Thùy và Mỹ Anh.

Muôn nẻo đường tìm kiếm "ngọc thô"

Thành công của "vườn ươm" Tao Đàn là điều nhiều người thấy. Nhưng ít ai biết đến sự đam mê lẫn vất vả của những người làm nghề ở đây. Do "vườn ươm" chủ yếu chọn cầu thủ từ các tỉnh, nên chỉ cần nghe đồng nghiệp báo ở đâu có nhân tố hứa hẹn là HLV ở Tao Đàn lại khăn gói lên xe đò đến địa phương để tìm "ngọc thô".

HLV Lê Hữu Đức là một trong những tuyển trạch viên của Tao Đàn. Nghe báo ngày hôm trước là hôm sau anh đi đến tận nơi để tuyển chọn. Năm nay thì đỡ hơn, khi việc tuyển trạch được phân công cụ thể theo khu vực. Theo đó, miền Tây là trách nhiệm của cựu tuyển thủ Lưu Ngọc Mai, miền Đông là HLV Lê Hữu Đức và miền Trung là HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Ngoài ra, qua việc các phụ huynh kể cho nhau nghe việc con cái mình thành công khi lên TP.HCM học tập và đá bóng cũng trở thành nguồn bổ sung mầm non cho vườn ươm. Cụ thể, vùng quê Gò Quao (Kiên Giang) của trung vệ Chương Thị Kiều có thêm những gia đình gửi con lên Tao Đàn để hy vọng vào sự đổi đời như người đồng hương.

Nói vậy bởi nhà Kiều ngày trước rất nghèo, nên việc cho Kiều năm ấy mới 11 tuổi lên TP.HCM để được đi học và đá bóng theo niềm đam mê của mình là một lựa chọn. Việc đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup cũng là một cú hích khác, khi "vườn ươm" Tao Đàn cho biết vừa có cuộc gọi của một HLV ở Đắk Lắk thông báo có một cầu thủ nữ U15 muốn xuống Tao Đàn để thi thử.

Để cho ra đời lứa cầu thủ tài năng như hiện nay, quy trình tuyển chọn tại "vườn ươm" Tao Đàn cũng khá chặt chẽ. Ba tháng hè, những cầu thủ nữ (đa số là học sinh) được giới thiệu sẽ được CLB cho xe về đón (nếu từ các tỉnh miền Tây) hoặc mua vé tàu hay máy bay (nếu ở miền Trung) vào TP.HCM ăn ở tập trung và bắt đầu bước vào quy trình huấn luyện.

Các phụ huynh được mời đến xem nơi ăn ở của các con, du ngoạn TP.HCM rồi được chở về để chờ kết quả thi tuyển của con. Với những em được tuyển chọn, CLB TP.HCM sẽ cử HLV đến địa phương giúp rút học bạ, chuyển trường về TP.HCM để bắt đầu theo đuổi giấc mơ bóng đá.

Bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup 2023: Quả ngọt từ vườn ươm Tao Đàn - Ảnh 4.

Huỳnh Như (bìa phải) tại nơi ở của CLB nữ TP.HCM trước đây - Ảnh: NVCC

Giấc mơ vươn tầm "vườn ươm"

Thành công sẽ khiến việc kiếm nguồn cầu thủ trở nên dễ dàng hơn so với những ngày đầu. "Vườn ươm" Tao Đàn hiện có 3 tuyến: đội 1, đội trẻ và đội năng khiếu với khoảng 110 người. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa kinh phí sẽ phải đội lên rất nhiều và khó kham nổi.

Ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM và từng là giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, chia sẻ: "Khi tôi còn làm ở quận 1, kinh phí mỗi năm để duy trì cho bóng đá nữ lên đến 4 - 5 tỉ đồng.

Dù đó là một số tiền rất lớn nhưng phải cắn răng mà chi để duy trì sự phát triển cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM. Khi tôi chuyển sang sở, tôi cũng chỉ đạo cũng như xin hỗ trợ từ nhiều nguồn giúp quận 1 đầu tư cho bóng đá nữ. Và quả thật, tôi thấy mừng khi bóng đá nữ TP.HCM đạt thành công và đóng góp lớn cho chiếc vé dự World Cup 2023".

Nhưng giấc mơ của "vườn ươm" không chỉ là đào tạo cầu thủ cho mình, mà còn là cho bóng đá nữ Việt Nam. Và muốn vậy, Tao Đàn cần nhiều sự đầu tư hơn.

Ông Trần Anh Tuấn - hiện là giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 - chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi từng bày tỏ với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để xin hỗ trợ đặt địa điểm đào tạo cầu thủ trẻ nữ ở các tỉnh phía Nam ngay tại Tao Đàn nhưng không được. Trong khi các phụ huynh khi có con được triệu tập vào đội dự tuyển U16 nữ quốc gia ăn ở dài hạn tại Hà Nội đều không muốn cho con ra đó mà chỉ muốn ở lại Tao Đàn.

Giờ đây tôi hy vọng thành công của CLB nữ TP.HCM nói riêng và sự cống hiến cho đội tuyển nữ Việt Nam cho thấy sự hiệu quả của mô hình đào tạo tại sân Tao Đàn để có thể triển khai như chúng tôi đã đề xuất với VFF.

Theo đó, nguồn tiền FIFA hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam có thể được chi hỗ trợ thêm trung tâm mở tại đây. Chúng tôi cũng có ba sân cỏ để đáp ứng việc huấn luyện là sân Hoa Lư, Thống Nhất và Phú Thọ".

Bắt kịp bóng đá nữ Hà Nội

Bóng đá nữ TP.HCM được ông Trần Thanh Ngữ (Tư Ngữ) - nguyên trưởng Phòng TDTT quận 1 - gầy dựng tại sân Tao Đàn từ những năm 1990.

Tuy nhiên, ở bốn giải VĐQG nữ đầu tiên (từ năm 1998 - 2001), Hà Nội luôn là đội vô địch, TP.HCM chỉ 2 lần giành ngôi á quân.

Cho đến năm 2014, Hà Nội vẫn dẫn đầu với 10 lần vô địch, còn TP.HCM chỉ mới 4 lần. Nhưng từ năm 2015 đến nay, TP.HCM đã giành 6 chức vô địch để vươn lên sánh bằng kỷ lục 10 lần vô địch của bóng đá nữ Hà Nội.

Kim Chi hứa hẹn là sự thay thế ấn tượng

Sau những mùa không thành công của bóng đá nữ TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn đã chọn Kim Chi làm HLV trưởng của CLB TP.HCM.

Và cô đã đem lại thành công cho bóng đá nữ TP.HCM. Dù vậy, Kim Chi còn có cơ hội tiến xa hơn ở vai trò mới - HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam, sau khi HLV Mai Đức Chung chia tay đội tuyển.

Cô gái sinh năm 1979 này đã khẳng định năng lực từ những điều được đào tạo nơi "vườn ươm" Tao Đàn. Mặt khác, năm 2021 Kim Chi từng được Trung tâm TDTT quận 1 dự định cho sang Nhật đào tạo chuyên sâu.

Kim Chi đã đi học tiếng Nhật để chuẩn bị cho hành trang du học, nhưng COVID-19 đã khiến kế hoạch đầu tư này phải dừng lại.

TP.HCM khen thưởng thành viên đội tuyển nữ Việt Nam thuộc biên chế TP TP.HCM khen thưởng thành viên đội tuyển nữ Việt Nam thuộc biên chế TP

TTO - Ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - cho biết sẽ tổ chức lễ đón và trao thưởng 30 triệu đồng/người cho thành viên đội tuyển nữ Việt Nam thuộc biên chế của TP.HCM giành vé đến World Cup 2023, ngay sau khi đội về TP.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên