Có người ráng nén để chúng không "nổ" mà chỉ "xì", người khác lỡ không ém được thì… giả lơ. Nhưng dù không biết thủ phạm, những người chung quanh vẫn lãnh đủ.
Năng lượng của "bom hơi" như bom nguyên tử?
Bom hơi có mùi như thế nào là do bạn chọn thực phẩm loại gì. Những "bợm" buổi tối uống bia rượu với mồi là thịt, hải sản thì ngày hôm sau "thả bom" thối khủng khiếp. Nếu "bợm" lại nghiện thuốc nữa thì mùi sẽ "nồng nàn" hơn.
Nói vậy thì những bạn đang ăn thực phẩm healthy (thực phẩm sạch) sẽ tưởng mình có "bom thơm". Khi chúng ta ăn các thực phẩm có chứa carbohydrate như khoai tây, bánh mì và rau quả, dạ dày chỉ nhào trộn chứ không có men "tiêu" chúng. Cuối ruột non và ruột già mới có vi khuẩn "cắt" chúng nhỏ ra và giải phóng khí hydro và carbon dioxide.
Một số vi khuẩn lấy những khí không mùi này kết hợp với những hợp chất chứa lưu huỳnh (trong bông cải xanh, bắp cải, hành tây, trứng, thịt…) tạo thành hợp chất có mùi, trong đó nặng nhất là H2S (mùi trứng thối) và khí mê tan (có thể cháy nổ đấy).
Chắc chả ai dũng cảm thử: khi chuẩn bị "thả bom" bạn vô nhà tắm, bật quẹt gaz để giữa mông, cháy đấy!
Các nhà khoa học tính toán kỹ còn bảo rằng: mỗi người "thả bom hơi" từ 15-20 lần/ngày thì 6 năm 9 tháng người ấy tạo ra nguồn năng lượng có sức công phá tương đương với một quả bom nguyên tử. Biết đâu ít năm nữa sẽ có sáng kiến thu gom "bom hơi" để tham gia nguồn năng lượng sạch như điện gió bây giờ!
Tại sao "Bom hơi" tạo ra âm thanh?
Nhiều người ngại cái "tiếng nổ" phát ra từ "cửa sau" sẽ tố cáo chính chủ. Điều này phụ thuộc vào lượng khí nhiều hay ít.
Khi lượng khí nhiều thoát ra sẽ làm cho trực tràng (phần cuối của ruột) bị rung cùng với sự co thắt của cơ hậu môn mà tạo ra tiếng "bùm", "í" hay "é". Nếu bạn thấy nguy cơ âm thanh thoát ra hơi lớn thì tốt nhất là lãng ra chỗ vắng người.
Trong khi ở ta và một số nước "thả bom hơi" ở chốn đông người bị coi là bất lịch sự thì có một bộ lạc da đỏ ở Nam Mỹ coi "bom hơi" là lời chào xã giao. Còn ngày xưa tại thành Rome, hoàng đế Claudius còn ban hành một điều luật: mọi người phải cùng tham gia một bữa tiệc… xì hơi (vì sợ ém hơi sẽ sinh bệnh).
Nếu nhịn "thả bom hơi" thì hơi giữ trong ruột sẽ tự động "xì" khi bạn ngủ. Chúng sẽ thoát ra theo 2 đường: ợ hơi qua miệng và "thả bom" qua hậu môn. Lúc bạn ngủ cả "hai cửa" đều mở nên… thoải mái lắm!
Có người "thả bom hơi" nhiều…
Là do họ uống nhiều nước có gaz, ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều sữa, bị stress triền miên, bị táo bón hay ăn quá nhiều rau. Vì thế các nhà dinh dưỡng luôn khuyên chúng ta có "chế độ dinh dưỡng cân đối" vừa đảm bảo sức khỏe vừa tránh "thả bom" nhiều.
Xì hơi báo hiệu nguy hiểm khi bạn thấy bụng chướng, đau một hồi rồi "bom hơi" xì ra khá nhiều. Một lúc sau tình trạng lại tái diễn thì bạn cần đến bệnh viện ngay vì đó là hiện tượng bán tắc ruột.
Người chết vẫn còn "xì hơi"
Đúng vậy, nhiều người nghe tiếng xì hơi còn tưởng ma nhập hồn. Sau khi chết khoảng 3 tiếng đồng hồ, các cơ của ruột ban đầu còn nhu động, sau đó co lại, hơi sẽ thoát ra đường miệng và đường hậu môn tạo ra âm thanh.
Không muốn "bom hơi" có mùi thối
Vụ này là không thể nên bạn cứ coi như đó là lẽ tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên cũng báo tin mừng cho bạn nào đang có "dây thần kinh áy náy" vì mùi thối của khí H2S: Các nhà khoa học đã chứng minh H2S trong ruột của chúng ta có thể bảo vệ các tế bào không chỉ ở ruột mà còn giúp hạn chế bệnh tim mạch, mất trí nhớ và cả ung thư nữa đấy.
Tóm lại "bom hơi" là hiện tượng bình thường của cơ thể, tùy theo mỗi nền văn hóa mà chúng ta có cách ứng xử mỗi khi "thả bom". Tốt nhất là nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để "bom hơi" không quá 20 lần/ngày.
Còn mùi? Theo tiến sĩ Myron Brand chuyên khoa tiêu hóa của Mỹ thì "mùi của "bom hơi" thối chứng tỏ hệ thống vi sinh vật trong ruột của bạn hoạt động hiệu quả…". Vì thế bạn lịch sự thì nên tránh "thả bom" nơi đông người, cũng không cần thiết phải "ém" nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận