29/10/2017 20:12 GMT+7

Nhầm lẫn tai hại giữa cảm và cúm

Bác sĩ Tịt Tuốt
Bác sĩ Tịt Tuốt

TTO - Bà con mình thường gom chung cảm và cúm là một bệnh bởi triệu chứng na ná như nhau. Thực chất đây là hai bệnh do các virus khác nhau gây ra và hậu quả cũng khác hẳn.

Nhầm lẫn tai hại giữa cảm và cúm - Ảnh 1.

CẢM: BỆNH THƯỜNG GẶP

Tiếng Anh gọi là "cold", có lúc xảy ra sau khi mắc mưa nên ở ta nhiều người gọi là "cảm lạnh". Đông y lại có "cảm phong hàn" tức là khí lạnh nhiễm vào cơ thể làm bế kinh mạch gây ra đau. Tuy nhiên có người chả mắc mưa, không ra gió lạnh vẫn bị cảm. Tại sao vậy? 

Bởi cảm do cỡ 200 loại virus gây ra, trong đó nhiều nhất là rhinovirus (siêu vi ở mũi), chúng là nguyên nhân của 40% loại cảm. Có người cơ địa yếu, vừa hết đợt cảm này lại bị đợt cảm khác là do hôm nay bị loại virus này, tuần sau đã nhiễm virus khác.

Ở Mỹ người trưởng thành bị cảm 1-3 lần mỗi năm, trẻ em bị từ 5-7 lần, ở ta chắc chắn số lần bị cảm nhiều hơn.

BỆNH DỄ LÂY- NHƯNG DỄ CHỮA

Bạn tiếp xúc với người bị cảm qua cái bắt tay, nói chuyện, ngồi gần, tì tay trên thành xe, ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, cầm nắm vào vật dụng mà người bị cảm đã dùng… Chừng 3-5 ngày sau bạn bắt đầu có dấu hiệu cảm. 

Bạn sẽ thấy rát họng rồi nhanh chóng đau trong họng, song song với nghẹt mũi, chảy mũi, hắt xì như… bắn súng mũi. Trẻ em và người cao tuổi thường sốt cao, ớn lạnh. Có người bị viêm kết mạc nên mắt đỏ. Khoảng 25% bệnh nhân bị ho, thường đã bị ho sẽ kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần.

Trẻ em, người đang có bệnh và người cao tuổi khi bị cảm có thể bị biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm xoang, viêm phổi và viêm tai giữa trẻ em.

Cảm rất dễ lây vì virus sống được 3 giờ trong không khí, trên tất cả những vật dụng mà tay người bị cảm cầm nắm, sờ vào. 

Vì thế để tránh lây lan trong cộng đồng người bị cảm nên nghỉ ở nhà, trong phòng riêng, trẻ bị cảm nên nghỉ học. Khi ho hoặc hắt hơi nên dùng khăn giấy che miệng để dịch không "bay" ra xung quanh. Sau đó bỏ khăn giấy vào bao nilông cột kín miệng. Không ngoáy mũi để tránh tổn thương mạch máu nơi đây.

Người trong gia đình và đồng nghiệp nhớ rửa tay kỹ bằng xà bông. Đi đường về dù không tiếp xúc với người bị cảm cũng nên rửa tay để tránh bị nhiễm các loại vi khuẩn và virus, trong đó có virus gây bệnh cảm.

Người bị cảm chỉ cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, nếu sốt trên 38 độ C hãy dùng thuốc hạ sốt. Xông cảm bằng những lá có tinh dầu như cam, chanh, bưởi, lá sả nhằm sát trùng mũi họng là cách giảm viêm nhiễm rất tốt. Súc họng nước muối ấm, ăn lỏng (cháo, súp). Một số người thấy đau họng, sốt nhẹ lại dùng thuốc kháng sinh là rất thừa vì cảm gây nên do virus.

CÚM: NỖI ÁM ẢNH CỦA NGÀNH Y TẾ

Virus cúm thuộc họ Orthomyxovirus, có hình cầu, đôi khi hình sợi, kích thước khoảng 80-100mm. Chúng gây ra tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp rất nghiêm trọng, có thể gây chết người. Ở Mỹ mỗi năm hàng chục ngàn người tử vong vì bệnh cúm nên ngành y tế thường động viên nhân dân chích ngừa cúm. 

Lịch sử đã chứng kiến những đại dịch cúm khủng khiếp. Lần đầu tiên là cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919 do virus cúm A chủng H1N1 gây ra đã làm tử vong khoảng 50 triệu người. Đại dịch cúm châu Á năm 1957- 1958 là do cúm A chủng H2N2 làm khoảng 1 triệu người chết. Dịch cúm Hong Kong năm 1968- 1969 do cúm A H3N2. Gần đây năm 2005 là cúm gà do virus cúm A chủng H5N1 gây ra.

Các thống kê dịch tễ cho thấy cứ khoảng 10-14 năm thì virus cúm lại gây ra đại dịch một lần là nỗi ám ảnh cho ngành y tế.

TIẾN TRIỂN NHANH, DỄ BIẾN CHỨNG

Khởi đầu bệnh cúm rất giống cảm nhưng tiến triển rất nhanh với các biểu hiện: Sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi, nhức đầu, đau nhức các cơ toàn thân, ho khan, nghẹt mũi và toàn thân mệt rũ ra. Cúm thường có biến chứng viêm phổi. 

Các nhà khoa học nhận thấy virus cúm đặc biệt có ái lực với biểu mô đường hô hấp. Sau khi đã xâm nhập vào tế bào đường hô hấp chúng nhân lên và phát triển rất nhanh làm rối loạn chuyển hóa tế bào và phá vỡ tế bào, sau đó tiếp tục phá hủy các tế bào khác. Từ đây chúng đi vào máu, bám vào hồng cầu và gây hại cho tất cả các cơ quan.

Đây là nguyên nhân gây suy đa phủ tạng và tử vong khi bị cúm. Biến chứng nhẹ hơn là virus gây viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai.

Nếu thấy có biểu hiện như cảm nhưng đau các cơ và mệt mỏi toàn thân tốt nhất là nên đến bệnh viện để được điều trị và cách ly, tránh lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. 

Để phòng bệnh nên ăn uống hợp lý, tập luyện nhằm tăng cường sức đề kháng để cơ thể tự chống lại virus cúm, khi bị bệnh thì cũng sẽ ở thể nhẹ hơn.

Cuộc đời với những con số Cuộc đời với những con số Báo động: Bệnh lậu đã kháng thuốc Báo động: Bệnh lậu đã kháng thuốc Giấc mộng ướt của chị em Giấc mộng ướt của chị em
Bác sĩ Tịt Tuốt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên