Nguyên nhân do tình trạng đô thị hóa ồ ạt.
Phóng to |
Một cặp vợ chồng làm lễ cưới trong mưa lũ ở Manila, Philippines - Ảnh: Reuters |
Thiên tai liên tục tấn công các thành phố lớn ở châu Á. Tuần trước, mưa lớn đã nhấn chìm hơn một nửa Manila (Philippines) cướp đi sinh mạng của hàng chục người và làm 300.000 người lâm vào cảnh mất nhà cửa. Tháng trước, đợt mưa lớn nhất trong 60 năm đẩy Bắc Kinh (Trung Quốc) rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trận lũ lịch sử ở Thái Lan năm 2011 khiến 529 người thiệt mạng, làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người khác.
“Đừng nghĩ rằng những thảm họa trên là hậu quả của sự thiếu may mắn - nhà kinh tế trưởng của ADB Changyong Rhee khẳng định - Báo cáo của chúng tôi cho thấy thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, tại châu Á là hậu quả của biến đổi khí hậu đi kèm với tình trạng đô thị hóa quá nhanh ở châu Á trong khi hạ tầng không phát triển kịp”. Do vậy, châu Á “không nên ngó lơ những dấu hiệu cảnh báo từ các trận lũ”.
Đô thị hóa ồ ạt và hậu quả
“Quá trình đô thị hóa vẫn sẽ tiếp diễn cực nhanh nhưng các đô thị châu Á lại có quá ít thời gian để chuẩn bị và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp” - chuyên gia Rhee đánh giá.
Báo cáo " Các chỉ báo chính cho châu Á - Thái Bình Dương 2012" của ADB được công bố ngày 15-8 nêu rõ: tiến trình đô thị hóa diễn ra tại châu Á nhanh hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Từ năm 1980-2010, thêm 1 tỉ người đến sống tại các thành phố ở châu Á, đến năm 2040 sẽ có thêm 1 tỉ người nữa. Số lượng thị dân ở châu Á bằng 50% tổng số thị dân thế giới và cao gấp ba lần châu Âu. Năm 2010, châu Á có 12 siêu đô thị (trên 10 triệu dân), chiếm hơn 50% trong tổng số 23 siêu đô thị toàn cầu. Đến năm 2025, số lượng siêu đô thị ở châu Á sẽ tăng lên 21 (trong số 37 siêu đô thị trên thế giới).
Đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi các thành phố châu Á không kịp phát triển hạ tầng. Hậu quả là số lượng người sống trong các khu ổ chuột tăng vọt. Ở châu Á, hiện có khoảng 500 triệu người sống trong các khu ổ chuột, chiếm 61% toàn cầu.
Đó là chưa kể ô nhiễm không khí ở các đô thị châu Á sẽ ngày càng trở nên trầm trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 500.000 người châu Á mỗi năm. Khoảng 67% đô thị ở khu vực không đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí của Liên minh châu Âu. Và lượng khí thải nhà kính cũng đang tăng vọt. ADB cho biết từ năm 2000-2008, lượng khí thải trung bình theo đầu người ở châu Á tăng 97% và có thể tăng gấp ba vào năm 2050.
Cần phát triển xanh
Các đô thị chật chội trở nên dễ tổn thương hơn trước thảm họa tự nhiên. Theo ADB, năm 2010 đã có 550 triệu người châu Á có nguy cơ bị lũ ven biển và trên đất liền tấn công. Đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 760 triệu người. Hơn 50% dân số các đô thị lớn như Dhaka (Bangladesh), TP.HCM (Việt Nam), Thiên Tân (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia) sẽ trở thành nạn nhân của lũ lụt. |
Tiếp theo là các biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm lượng khí thải nhà kính. ADB đánh giá Singapore đã làm tốt nhiệm vụ này với các loại phí chống khí thải và kẹt xe hợp lý, trong khi Hàn Quốc cũng mới thông qua loại thuế đánh vào khí carbon do xe cộ thải ra. Tiếp đó, các đô thị châu Á cần đưa ra các quy định để di dời nhà máy gây ô nhiễm và xây dựng các khu công nghiệp xanh, như những gì Chính phủ Indonesia đang thực hiện.
Theo ADB, các đô thị châu Á phải đưa các ưu tiên môi trường vào việc quy hoạch thành phố. Như Trung Quốc chẳng hạn, nước này đang phát triển các khu đô thị vệ tinh với nguồn năng lượng chủ yếu là năng lượng tái tạo. Các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách phát triển hệ thống đô thị vệ tinh quanh hệ thống tàu điện. Các chính quyền cũng cần áp dụng công nghệ mới để bảo vệ môi trường, như Philippines và Thái Lan đã xây dựng các nhà máy biến rác thải thành năng lượng, vừa giảm ô nhiễm vừa tạo nguồn điện.
Nhà kinh tế Rhee kêu gọi chính quyền các nước châu Á cần tư duy lại cách xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị. Ông nhấn mạnh ngoài sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như ADB hay Ngân hàng Thế giới, các chính phủ châu Á phải sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân để phát triển hạ tầng đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận