Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam):Vấn đề quản lý nợ công, nước ta còn nghèo, việc huy động mọi nguồn vốn để đầu tư và phát triển là cần thiết nhưng hiện nay nợ công gần sát ngưỡng cho phép, con số nợ công còn tồn vẫn ở mức cao. Đề nghị bộ trưởng cho biết rõ hơn về nợ công, cách trả nợ ra sao để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển và giảm gánh nặng cho dân?
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh):Những năm gần đây bội chi ngân sách nhà nước luôn ở mức cao. Trong năm 2010, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ những biện pháp gì để giảm bội chi trong những năm tới?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh:
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh - Ảnh: Việt Dũng |
Về vấn đề nợ công (bao gồm nợ quốc gia và nợ Chính phủ), nợ Chính phủ hiện tại chiếm 64% và nợ doanh nghiệp là 36%. Trong đó chỉ tiêu an toàn nợ Việt Nam đang ở mức an toàn. Nghĩa là Việt Nam đang trả nợ ở giới hạn nợ dưới 50%, trong đó trả nợ Chính phủ chiếm 15,8% tổng thu ngân sách Nhà nước; trả nợ nước ngoài chiếm 11%. Nợ vay nước ngoài chủ yếu là dài hạn.
Về chỉ tiêu an toàn nợ, tùy theo từng quốc gia, người ta phân làm 3 loại tốt, trung bình, kém. Hiện nay chúng ta đang điều hành nợ Chính phủ trong phạm vi cho phép. Đến nay chúng ta không có khoản nợ quá hạn nào mà không thể trả được, chúng ta sử dụng nợ công hiệu quả.
Việc đi vay càng nhiều càng đáng lo ngại. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế phát triển, chúng ta cần phải đầu tư. Vấn đề đặt ra là vay hay không vay, có đối tác cho chúng ta vay lãi suất vừa phải, trong nhu cầu cần phải đầu tư để phát triển kinh tế, đất nước thì chúng ta vẫn phải vay.
Năm 2009, hầu hết các nước trên thế giới đều có bội chi cao, theo thống kê chúng tôi được biết thì Mỹ và Nhật cũng nằm trong số này. Việc giảm bội chi sẽ được thực hiện dần trong những năm sau. Có ý kiến nói đến năm 2020 bội chi sẽ còn 3-3,5%.
Năm 2010, Chính phủ giao Bộ Tài chính phấn đấu giảm bội chi xuống 6%, xuống nữa thì càng tốt. Bộ Tài chính tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu thực hiện đúng mức đã đề ra.
Hiện nay VN cần chi đầu tư càng nhanh càng tốt, trong khi đó lại có đối tác cho vay dài hạn với lãi suất thấp, mà những khoản vay đó mình đầu tư có lãi để trả nợ thì cũng cần nên vay.
Trong năm 2009, 2010 bội chi VN cao nhưng không đáng lo ngại vì các nước bội chi gấp 2-3 lần VN, trong khi đó bội chi của VN chỉ tăng từ 5% lên 6,9% GDP. Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ giảm dần mức bội chi trong một số năm tiếp theo, làm sao đến năm 2020 bội chi còn 3%. Trước mắt, năm 2010 sẽ giảm dần bội chi xuống 6,2% theo như hướng Quốc hội đã bàn.
- Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình):Tổng kết năm 2009, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn, một số có nguy cơ phá sản nhưng các ngân hàng lại lãi cực lớn. Cử tri cho rằng chính các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất đẩy các doanh nghiệp vào chỗ khó khăn, Chính phủ phải can thiệp hỗ trợ lãi suất. Cử tri nói như vậy có đúng không?
- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Trong bối cảnh kinh tế năm 2009, quý 1-2009 tăng trưởng kinh tế chỉ còn 3,1%, trước đó có lúc đạt 8,5%. Cả năm 2008 tăng trưởng xây dựng là âm. Trước thực trạng như vậy, Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Quý 2-2009 tăng trưởng khá hơn, đến cuối năm là 6,9%. Việc doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng lại lãi lớn, chúng tôi đứng ở khía cạnh cơ quan tài chính có kiểm tra các báo cáo nhưng không đi quá sâu.
Cùng tham gia làm rõ thêm vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu giải trình: Ngay từ khi đưa ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã đặt ra giải pháp ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Theo thông kê, một số ngân hàng thương mại không tăng lợi nhuận so với năm 2008. Trước tình hình khó khăn, một số ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngoài tín dụng. Ví dụ Ngân hàng Quân đội tăng cường mua bán chứng khoán và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu TP.HCM cũng tăng cường hai hoạt động này và lợi nhuận thu được từ những nguồn này cũng khá lớn.
Phóng to |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: Việt Dũng |
- Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn):Tôi được biết hiện nay bộ trưởng đang kiêm nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị của Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), điều đó có đúng không? Trên thế giới có nước nào có trường hợp một bộ trưởng lại kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo của một công ty hay một tập đoàn như vậy không?
Phóng to |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Việt Dũng |
Trong phần trình bày ban đầu, bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính nhận được 15 câu hỏi chất vấn, trong đó có 2 câu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, 1 câu không thuộc quyền hạn và chức năng của Bộ Tài chính và đã đề nghị chuyển cho các bộ khác trả lời, phải chăng câu hỏi này có liên quan đến vấn đề SCIC? Nếu đúng vậy thì nếu không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ Tài chính thì thuộc về ai?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đúng là đang kiêm nhiệm chức chủ tịch SCIC do Thủ tướng Chính phủ phân công. SCIC thành lập năm 2005 nhằm thực hiện quản lý vốn nhà nước. Đến nay, SCIC đã tiếp nhận 911 doanh nghiệp, chiếm 1,8% số vốn nhà nước (khoảng 7.000 tỉ đồng). Đây chỉ là số vốn rất nhỏ quản lý được, còn lại vốn nhà nước nằm trong các tập đoàn lớn.
Ông Ninh cho biết SCIC vừa có chức năng quản lý, vừa đầu tư nên giao cho Bộ Tài chính quản lý là đúng và ông là chủ tịch HĐQT. "Tôi được biết trên thế giới cũng có có mô hình này như ở Singapore" - ông Ninh nói.
Về việc thu nhập, tiền lương bộ trưởng tại SCIC cao, ông Ninh cho hay theo Luật doanh nghiệp nhà nước 2003, nghị định 206, 207 về chế độ lương thưởng của tổng công ty nhà nước, có những khoản không phải là lương mà là thu nhập của năm trước cộng vào làm cho tưởng như lương cao gây hiểu lầm trong dư luận.
"Tôi ví dụ như những khoản truy lĩnh năm 2007 nhưng nhận vào năm 2008 là 5 triệu; tiền làm thêm giờ 4,7 triệu; tiền đồng phục; khoán điện thoại (khoản này chưa phải là lương mà là tiền quản lý nhà nước), tiền ăn trưa, tiền thưởng… làm cho thu nhập năm 2008 cao".
Về hạch toán kế toán và hạch toán tài chính, SCIC là một tổ chức đặc thù. Về nguyên tắc, khoản bán vốn nhà nước được hạch toán riêng để làm nghĩa vụ nhà nước nhưng đối với SCIC việc bán vốn là nhiệm vụ thường xuyên vì bán vốn là để thu hồi tài sản nhà nước ở doanh nghiệp và chỉ giữ lại khoảng 13% cho Nhà nước. Nên việc bán vốn với SCIC là nhiệm vụ chính.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang): Nêu một số vấn đề liên quan đến giá cả:
Điều 29 pháp lệnh về giá quy định phải niêm yết giá bán những mặt hàng thiết yếu, tuy nhiên thời gian qua người dân và nông dân bị lao đao về giá.
Phóng to |
Đại biểu Danh Út - Ảnh: Việt Dũng |
Bộ trưởng nói có quản lý về giá xăng dầu như thời gian qua, việc giảm giá xăng dầu giữa thế giới và trong nước chưa đồng bộ. Vì sao khi tăng giá thì tăng rất nhanh nhưng khi giảm thì lại giảm rất chậm?
Bên cạnh đó giá thuốc trong thời gian qua có những biến động mạnh, ảnh hưởng đến người dân, Bộ Tài chính có trách nhiệm như thế nào về việc này?
Bộ trưởng nói có kiểm tra 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh 14 mặt hàng bình ổn giá. Theo thông tin chúng tôi được biết, qua kiểm tra 12 doanh nghiệp thì chỉ có 1 doanh nghiệp niêm yết giá, còn lại 11 doanh nghiệp kia không niêm yết giá bán. Các doanh nghiệp này không kê khai niêm yết giá bán mục đích là để tăng giá hay giảm giá? Mức phạt các doanh nghiệp liệu có quá nhẹ không?
- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng: "Không phải các bộ kiểm tra hết việc này mà trong pháp lệnh có nêu trách nhiệm của UBND các địa phương. Bộ cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra đột xuất và có phát hiện như đã báo cáo. Việc phạt doanh nghiệp 80 triệu đồng đúng là nhẹ, chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án thu hồi toàn bộ phần chênh lệch nhưng đối chiếu pháp luật chưa quy định. Việc này tôi sẽ báo cáo Chính phủ ra nghị định phạt nặng hơn".
Về quản lý giá xăng dầu, bộ trưởng cho biết luôn đứng về lợi ích người tiêu dùng, không bao che cho doanh nghiệp. Còn việc điều hành như thế là để ổn định chính sách vĩ mô.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi về việc truy thu thuế ôtô nhập khẩu Kia Morning. Về việc này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng nếu khép vào tội trốn thuế thì còn phải xem xét thêm nhưng đúng bản chất là gian lận thương mại vì xe du lịch mà tháo ghế, cố tình khai chưa đúng mã số thuế để hưởng thuế thấp. Bộ đã tiến hành truy thu thuế và xét tiếp. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị bộ trưởng xem lại Bộ luật hình sự để có cách xử lý cho đúng, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bô trưởng Ninh cho hay: "Xe đúng là Kia Morning, do quan niệm là xe bán tải nhưng về VN xem xét không phải là xe bán tải nên chúng tôi truy thu thuế và kiên quyết xác định không phải là xe tải vì xe được đặt từ nước ngoài chứ không phải về VN mới tháo ghế ra. Do đó truy thu thuế về gian lận thương mại là đúng". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận