Đại tướng, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trò chuyện với Tuổi Trẻ - Ảnh: Việt Dũng |
“Nhân dân là cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh tổ quốc. Lực lượng công an nhân dân phải dựa vào dân, gắn bó mật thiết với dân” - Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nói như vậy khi nhìn lại quá trình 70 năm ngày truyền thống công an nhân dân.
Cuộc trò chuyện ông dành cho Tuổi Trẻ bắt đầu bằng thông tin nóng hổi ít giờ trước đó: lực lượng công an đã bắt được nghi phạm trong vụ thảm sát bốn người ở Yên Bái.
Ông nói xảy ra những vụ việc chấn động dư luận như vậy khiến dư luận lo lắng đòi hỏi phải tập trung truy bắt nghi phạm để điều tra, làm rõ, trừng trị nghiêm minh. Người phạm tội không thể trốn tránh được bởi ngoài lực lượng công an thì còn có tai mắt của nhân dân ở khắp nơi, nhân dân hỗ trợ rất nhiệt tình cho lực lượng công an.
* Trong vòng hơn một tháng, cả nước xảy ra bốn vụ thảm sát, theo Bộ trưởng, lý do nào dẫn đến loại tội phạm này?
Nhìn tổng thể, tình hình tội phạm được kiềm chế, nhiều địa phương giảm tỷ lệ trọng án giết người vì các nguyên nhân xã hội.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có rất nhiều tác động tiêu cực làm phát sinh tội phạm, đặc biệt là tội ác giết người như tác hại của ma túy, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, lối sống sa đọa, hành xử côn đồ của một bộ phận thanh, thiếu niên hư hỏng, coi thường kỷ cương, coi thường mạng sống của người khác, gây trọng án nhiều khi chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ nhặt như va chạm giao thông, hiềm khích trong ăn uống, rồi vì lòng tham tiền bạc mà giết người, cướp của, vì động cơ tình ái cũng có thể cuồng ghen, giết người…
Việc phòng ngừa phải là sự vào cuộc của toàn xã hội, ngay từ mỗi gia đình bằng cách tăng cường quản lý con em mình và sâu xa hơn là giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là kiềm chế bản khí nóng trong tính cách cá nhân, một người tốt mà thiếu kiềm chế trong chốc lát cũng có thể gây ra hậu quả vô cùng khó lường.
Về phía lực lượng công an, chúng tôi luôn chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, trong đó có các biện pháp chuyên đề phòng ngừa tội phạm giết người.
Việc nhanh chóng truy bắt, điều tra làm rõ và trừng trị nghiêm minh cũng là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, răn đe tội phạm.
Đối với những vụ án như thế này cần phải hoàn tất điều tra và nhanh chóng đưa ra xét xử để khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật.
Đối tượng phạm tội dù có ngụy trang khéo léo, trốn tránh tinh vi thế nào thì cũng không thể lẩn trốn được, không thể thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan công an và tai mắt của nhân dân.
Những vụ án tham nhũng như Giang Kim Đạt, dù đã trốn đi năm năm, tưởng sống ở nước ngoài là ung dung thoát tội song cuối cùng vẫn bị bắt.
Hiện nay còn một số đối tượng bị truy nã đang trốn ra nước ngoài, sớm muộn chúng ta cũng sẽ bắt được. Và đương nhiên, ai có tội thì phải bị xử lý theo pháp luật. Đây là sự cảnh tỉnh, răn đe đối với những người làm ăn không lương thiện, cố tình vi phạm pháp luật.
Nhân dân đòi hỏi rất cao nhưng cũng rất độ lượng
* Điều tâm đắc nhất Bộ trưởng muốn chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân là gì?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và vị thế đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Đó là một điều rất đáng tự hào. Kết quả đó có được từ sự hi sinh, cống hiến và đóng góp to lớn của toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta, trong đó có lực lượng công an nhân dân.
Chúng ta phải hết sức trân trọng, giữ gìn những thành quả đã đạt được, thành quả đó phải đổi bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao đồng chí, đồng bào.
Tuy vẫn còn có một số mặt chưa được như mong muốn, nhưng nhìn tổng thể, đất nước ổn định, phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, lòng dân đồng thuận. Điều này nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ và chúng ta có quyền tự hào. Nếu không biết giữ gìn và tiếp tục nhân lên thì chúng ta có khuyết điểm rất lớn với tiền nhân và cả thế hệ mai sau.
Nhưng muốn làm được điều đó thì phải có sức mạnh tổng hợp. Mới đây, tôi có viết một cuốn sách lấy tựa đề là “Nhân dân - cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc” cũng chính là để cụ thể hóa lời dạy của Bác Hồ. Sinh thời, Bác Hồ từng nói “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Cái chính là khơi dậy được sức mạnh của toàn dân, làm cách mạng là sự nghiệp cách mạng của toàn dân, công cuộc bảo vệ an ninh đất nước cũng là của toàn dân, trong đó công an là nòng cốt.
Ai cũng có ý thức bảo vệ căn nhà của mình, thửa đất của mình, biên giới của mình rồi cao hơn là bảo vệ đất nước của mình, cuộc sống của nhân dân mình. Khi khơi dậy được sự tự giác của người dân và ai cũng coi đây là trách nhiệm của mình thì chắc chắn mọi kẻ thù không thể xâm phạm được, mọi loại tội phạm nhất định bị đẩy lùi.
Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự đối với ngành công an, nguyên tắc là công tác bảo đảm an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng. Đây là nhân tố quyết định cho việc thành bại.
Bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhưng lực lượng công an là nòng cốt. Muốn đảm bảo an ninh, an toàn xã hội thì phải chăm lo xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số lĩnh vực cần tiến thẳng lên hiện đại.
Bởi thực tế, các thế lực thù địch và tội phạm đã, đang triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động tội phạm, nếu chúng ta không hiện đại kịp với thế giới thì không kiểm soát được tình hình, không thể đối phó có hiệu quả.
* Bộ trưởng đánh giá thế nào về hình ảnh của người công an nhân dân trong mắt nhân dân hiện nay?
Chúng ta đang sống trong một môi trường an ninh an toàn bậc nhất thế giới là có sự đóng góp của lực lượng công an nhân dân. Mặc dù ở nơi này nơi kia cũng còn có một vài trường hợp cán bộ chiến sĩ công an sai phạm, tiêu cực, gây dư luận không tốt.
Nhưng nhìn về tổng thể, hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam hiện nay được ghi nhận ngày càng đẹp hơn, sáng hơn trong lòng nhân dân. Bởi tuyệt đại đa số cán bộ chiến sĩ công an đều giữ vững lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, tận tụy với công việc phục vụ nhân dân, chỉ một số rất ít vi phạm, tỷ lệ rất thấp.
“Con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta rất đau xót nhưng phải bắt vớt bỏ “con sâu” ra để khỏi ảnh hưởng đến “nồi canh”. Nhưng cũng không thể vì một vài “con sâu” mà đánh đồng toàn bộ lực lượng.
Hôm dự Đại hội thi đua vì an ninh tổ quốc, nhiều tấm gương của anh em rất xúc động, tôi nghe mà rơi nước mắt. Thực sự anh em đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, chịu nhiều hi sinh, mất mát, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không nghĩ đến riêng cá nhân mình.
* Bộ trưởng có thể nêu một trường hợp cụ thể?
Đó là thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ trại giam Thủ Đức, trong quá trình giáo dục, cải tạo chữa bệnh cho phạm nhân anh bị phơi nhiễm HIV, vợ anh sau đó cũng mất vì lây nhiễm. Mặc dù vậy, thiếu tá Nguyễn Quang Ánh vẫn không nản chí, luôn tận tâm với công việc.
Rồi tấm gương thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương, công an Phú Thọ. Chị bị ung thư phổi, gia đình rất khó khăn, phải hóa trị nên rụng hết tóc. Bị bệnh như vậy thì đau đớn lắm, thế nhưng hết giờ hóa trị, chị lại đội tóc giả đến cơ quan làm việc, niềm nở tiếp nhân dân, tận tụy với công việc, đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị. Đó là những hình ảnh rất đẹp!
* Đúng là có những hình ảnh của cán bộ chiến sĩ công an rất đẹp trong mắt người dân. Nhưng càng được tin yêu càng được kỳ vọng thì đòi hỏi càng lớn. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Thứ nhất, nhiệm vụ hiện nay đối với lực lượng công an rất nặng nề và nhiều áp lực. Yêu cầu đặt ra là bất kể hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo bình yên cho nhân dân. Yêu cầu, nhiệm vụ đó đặt ra rất cao, đó là áp lực về công việc.
Một áp lực lớn khác là về môi trường hoạt động cũng như áp lực từ dư luận xã hội. Chúng tôi vẫn nói, lực lượng công an như “mặt tiền của mặt tiền”, là người đại diện cho chính quyền tiếp xúc với tất cả các tầng lớp xã hội, người tốt, người xấu và cả tội phạm. Bất kể cuộc tiếp xúc nào với người dân và mọi hành vi, cách ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an cũng đều được người dân quan tâm.
Ví dụ như Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ bất kể thời tiết nắng nóng, giá rét hay mưa bão, đều phải tuần tra, kiểm soát giữ trật tự an toàn giao thông. Trong môi trường khắc nghiệt, chịu nhiều áp lực như vậy, nếu lúc nào đó không giữ đúng tác phong, lễ tiết, có cử chỉ, hành vi không đúng là có thể bị người dân để ý, có người chụp hình, quay clip đưa lên mạng xã hội, tạo dư luận không tốt.
Cho nên đòi hỏi phải nghiêm túc rèn luyện, giữ tư thế, tác phong, không thể vì lý do nào đó mà bê trễ, chểnh mảng.
* Nhưng áp lực và đòi hỏi là để lực lượng công an nhân dân làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, thưa Bộ trưởng?
Tôi cũng nói với anh em trong lực lượng như vậy, cùng nhau tìm mọi cách khắc phục những hạn chế để làm tốt hơn.
Bây giờ môi trường hoạt động của anh em rất đa dạng, nhiều lực lượng khác nhau, hoạt động trong môi trường khác nhau, mà môi trường nào cũng khó khăn và khắc nghiệt. Nhiệm vụ đòi hỏi phải làm tốt thì cố gắng nhưng đời sống của anh em còn nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ còn rất khiêm tốn.
Thực sự, đất nước còn khó khăn nên chúng tôi cũng phải khắc phục. Các thế hệ đi trước còn khó khăn hơn chúng tôi hiện nay nhiều lần. Không thể vì khó khăn trước mắt mà chúng ta giảm đi mục tiêu phấn đấu.
Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương thiết lập các “đường dây nóng”, các hộp thư, diễn đàn để trao đổi lắng nghe dân, tiếp thu các phản ánh của người dân về việc làm của cán bộ, chiến sĩ, các thông tin được người dân, báo chí phản ánh thì đều được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra làm rõ và xử lý nếu có sai phạm.
Tuy nhiên, qua đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng báo chí cần đề cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp để thông tin khách quan, trung thực, không phiến diện, không thổi phồng quá mức bởi chỉ có như vậy mới thực hiện được chức năng tuyên truyền, cung cấp thông tin, định hướng dư luận và điều chỉnh hành vi.
* Bộ trưởng đã nhiều lần chỉ đạo trong ngành “gắn bó mật thiết với nhân dân”, vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ câu chuyện Bộ trưởng đã gắn bó với nhân dân như thế nào?
Suốt chặng đường hơn 40 năm công tác trong lực lượng công an nhân dân, từ một người lính đến nay đã trải qua nhiều vị trí khác nhau và ở cương vị nào tôi cũng gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…
Nhân dân đòi hỏi ở chúng ta rất cao nhưng nhân dân rất rộng lượng. Người dân luôn luôn chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nếu mình thật tâm, chân thành với họ. Tôi tâm niệm rằng, làm sao chúng ta được dân thực sự tin yêu mình còn mình cũng thực sự tin và dựa vào dân thì mới có thể thành công.
Tôi thường có dịp đến với đồng bào dân tộc ít người, mỗi nơi đồng bào có phong tục tập quán khác nhau. Mặc dù mình được dặn dò, tìm hiểu nhưng có lần đến một gia đình đang có việc kiêng kị không cho người lạ đến nhà. Nhưng mình đến rồi, đành phải xin lỗi và nói với gia đình rằng mình chưa hiểu hết phong tục nên mong bà con thông cảm. Khi bày tỏ được sự chân thành như vậy thì bà con quý lắm, nói cán bộ không phải băn khoăn gì cả.
Một chuyện đời thường khác là khi đồng bào mời ăn cơm thì thường bày ra những món ăn đặc trưng, đối với đồng bào rất ngon, nhưng với mình có khi không hợp. Dù ăn hay không ăn thì mình cũng phải thật tình và tự nhiên, cần gì cứ nói thẳng, bà con thông cảm và vui vẻ ngay.
Nhưng nếu có thái độ không thật tâm thì bà con không giúp đỡ và mình không thể hoàn thành được công việc. Đó chính là câu chuyện tin dân và được dân tin dân yêu.
Có khỏe, có sạch thì mới chiến đấu chống tội phạm được
* Thưa Bộ trưởng, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh hiện nay có vấn đề gì cần chú ý?
Các bạn theo dõi thông tin trên báo chí, thời sự hằng ngày thì thấy điều gì? Chúng ta đang sống trong bối cảnh hội nhập, mở cửa, một chiếc điện thoại di động có thể giúp chúng ta biết vô vàn các vấn đề xảy ra trong xã hội nên có rất nhiều thứ thay đổi trong bối cảnh đó. Điều đó có nghĩa phương thức nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội cũng phải đổi mới, đảm bảo tính chủ động đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ mới.
* Bộ trưởng quan tâm đến thông tin trên báo chí phản ánh về công an nhân dân như thế nào?
Bây giờ người lãnh đạo chỉ huy không chỉ nắm thông tin tình hình từ văn bản, báo cáo. Tôi cho rằng báo chí là kênh thông tin rất quan trọng và trên cương vị Bộ trưởng, dù bận công việc song tôi vẫn dành thời gian theo dõi báo chí hằng ngày. Kênh thông tin báo chí cũng là tai mắt quan trọng, báo chí không chỉ tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn là tiếng nói của người dân phản ánh đến cơ quan chức năng.
Thông tin về người công an trên diễn đàn báo chí cũng rất sinh động, ví dụ như vừa rồi trong cơn lũ ở Quảng Ninh, các phóng viên đã bám địa bàn đưa nhiều hình ảnh về cán bộ chiến sĩ công an lặn lội giúp dân sơ tán, cứu người, di chuyển tài sản.
Hay những chiến sĩ công an dù nắng nóng khắc nghiệt vẫn bám đường chỉ huy giao thông, hướng dẫn thí sinh, phụ huynh đi tìm điểm thi, liên hệ tìm chỗ trọ… Đó là những hình ảnh rất đời thường, giản dị và thật có ý nghĩa.
Còn thông tin phản ánh về hành vi tiêu cực liên quan đến cán bộ chiến sĩ công an thì Bộ cũng đã có quy định giao điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm nếu xác định có sai phạm. Từ kênh của báo chí này góp phần giám sát, kiểm tra sâu sát hơn trong công tác tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ công an.
* Vậy còn việc làm trong sạch nội bộ thì sao thưa Bộ trưởng?
Trong chống tiêu cực, tham nhũng chúng tôi xác định phải làm trong sạch lực lượng là yêu cầu rất quan trọng vì mình có khỏe, có sạch thì mới chiến đấu chống tội phạm được. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, lực lượng công an nhân dân phải nâng cao tính tổ chức, kỷ luật, chống ba phải, nể nang và công tác phải đi sâu, thiết thực.Làm việc phải có điều tra nghiên cứu, không tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới khắc phục được và ưu điểm mới phát huy được.
Một trong những vấn đề mà người dân rất quan tâm trong thời gian qua là việc chống oan, sai trong hoạt động khởi tố điều tra tội phạm, Bộ trưởng đánh giá và có định hướng gì trong công tác này? Đây là vấn đề được không chỉ người dân quan tâm mà trên diễn đàn Quốc hội các đại biểu cũng hết sức quan tâm, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Mới đây, sau khi thảo luận và báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết với các tiêu chí và yêu cầu cụ thể. Trong vấn đề này, với tinh thần thượng tôn pháp luật, Đảng ủy công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra công an các cấp và các cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm với phương châm không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai. Bộ Công an cũng đã ban hành các chỉ thị về tăng cường chấp hành pháp luật, nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu thập, điều tra, đánh giá chứng cứ, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra xử lý tội phạm của cơ quan điều tra các cấp cũng còn một số hạn chế thiếu sót. Cá biệt có nơi còn để xảy ra oan, sai, tuy đã được phát hiện, khắc phục nhưng cũng ảnh hưởng đến quyền công dân và uy tín của các cơ quan tố tụng. Đối với các trường hợp cán bộ chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, công tác thanh tra trong hoạt động khởi tố, bắt giam phải được tiến hành thường xuyên, thực chất, chú trọng phát hiện sai phạm từ sớm rồi kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời không để sai phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm và kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm và xử lý trách nhiệm liên đới của thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai. Tôi cũng cho rằng, trong việc này cũng cần phân biệt rõ giữa oan và sai. Sai thì có thể sai về quy trình, thủ tục tố tụng, còn oan là ảnh hưởng đến con người cụ thể. Án oan chỉ có một vài vụ, ví như ông Nguyễn Thanh Chấn, những cán bộ sai phạm trong công tác điều tra đã được Bộ công an chỉ đạo làm rõ và có các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, trong đó Giám đốc, phó giám đốc phụ trách và điều tra viên cũng đã bị xử lý kỷ luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận