Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Quochoi.vn
Vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hôm nay 16-11 chính là con số hơn 3 triệu tỉ đồng nợ công tính đến cuối năm 2017. Trung bình mỗi người dân Việt đang gánh 30 triệu đồng nợ công. Dự báo đến năm 2020, nợ công sẽ là 4,2 triệu tỉ đồng.
Nợ công tăng nhanh, ngân sách phải vay nợ mới để trả nợ cũ khiến nợ chồng lên nợ, chính là một trong những lo lắng của cử tri được phản ánh qua các báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giải quyết áp lực nợ công bằng cách giảm bội chi, tiết kiệm ngân sách như thế nào, là nan đề mà bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phải góp phần giải đáp.
Chờ đợi ông Đinh Tiến Dũng còn là chuyện giải quyết nợ đọng thuế - hơn 73.000 tỉ đồng - khó đòi. Nói đến thuế, chuyện quản lý và truy thu đối với các công ty công nghệ đa quốc gia như Uber, Grab, Facebook, Google… cũng đang gây tranh cãi.
Và dù BOT không được chọn làm vấn đề chính cho phiên chất vấn của kỳ họp này, sức nóng của nó là không thể lờ đi. Nhất là khi một bất cập lớn của các trạm BOT giao thông là mức phí cao, khoảng cách dày.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có lẽ sẽ phải trả lời câu hỏi tại sao có quá nhiều dự án không thực hiện đúng theo thông tư của Bộ Tài chính về "Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ", quy định nếu khoảng cách các trạm không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi lập trạm phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính và UBND các địa phương.
Tân bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, dù mới nhận nhiệm vụ chưa đầy một tháng, có thể phải "chia lửa" nếu các đại biểu không "bỏ qua" chuyện BOT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận